Là loại dược phẩm giúp phục hồi, tăng cường các hoạt động chức năng cho cơ thể, thuốc bổ được tin dùng và hiện nay được xem như một “món ăn” cho mọi người, mọi nhà. Tuy nhiên, dùng thuốc bổ sai cách có thể dẫn đến những hệ lụy cho sức khỏe.

Để cẩn trọng hơn khi dùng thuốc bổ, người sử dụng cần xem kỹ thông tin, cập nhật rõ, chính xác hơn khi dùng.

Thành phần của thuốc bổ

Thành phần của thuốc bổ chủ yếu là các vitamin, chất khoáng vi lượng. Vitamin là nhóm hữu cơ mà cơ thể không thể tự tổng hợp. Nhu cầu của vitamin trong cơ thể rất nhỏ, chỉ vài microgram, nhưng thiếu sẽ gây rối loạn, ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể.

Thành phần của thuốc bổ chủ yếu là các vitamin, chất khoáng vi lượng (Ảnh Internet)
Thành phần của thuốc bổ chủ yếu là các vitamin, chất khoáng vi lượng (Ảnh Internet)

Chất bổ thường có rất nhiều trong các loại thực phẩm hằng ngày, chẳng hạn:

– Thực phẩm giàu chất sắt: thịt bò, lợn, cừu, cải xoong, cải xoăn, lúa mạch, yến mạch, lòng đỏ trứng…

– Những thực phẩm giàu vitamin B12: gan, thận, tim, sữa, cá hồi, lòng đỏ trứng…

– Những thực phẩm chứa vitamin C: Đa số có nguồn gốc từ thực vật (lá của rau xanh có nhiều vitamin C hơn thân rau).

Chất khoáng vi lượng tồn tại <0,05% trọng lượng cơ thể. Với một lượng rất nhỏ, vi chất tham gia hầu hết quá trình chuyển hóa quan trọng cho sự sống của cơ thể. Ví dụ: Can-xi có vai trò trong việc tạo xương, răng chắc, tham gia các quá trình chuyển hóa trong cơ thể như co cơ, đông máu…

Lưu ý khi sử dụng

Nên sử dụng thuốc khi bụng no. Khi có những biểu hiện bất thường như: tim đập nhanh, đỏ mặt, ra mồ hôi, buồn nôn, nên ngưng dùng thuốc ngay và đến cơ sở y tế gần nhất. Khi đi, nhớ mang theo lọ thuốc bổ đang dùng để có thể xác định thành phần và lượng dùng, qua đó bác sĩ sẽ có hướng xử trí nhanh. Đặc biệt, khi sử dụng thuốc bổ liều cao, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Không phải lúc nào thuốc bổ cũng an toàn. Dùng vitamin C liều cao dễ gây sỏi thận, sử dụng vitamin A và D liều cao hoặc dùng lâu dài có thể gây ngộ độc… Vì vậy, chỉ sử dụng thuốc bổ khi thực sự cần thiết (chế độ ăn uống hằng ngày không đầy đủ các chất cần thiết cho hoạt động của cơ thể, chế độ ăn không cân đối các chất; cơ thể suy kiệt sau đợt bệnh; tiêu hao quá nhiều năng lượng trong thời gian ngắn…). Lưu ý, thuốc bổ dạng tiêm (3B) có liều lượng khá cao, được chỉ định điều trị trong nhiều chứng bệnh viêm dây thần kinh, đau thần kinh tọa… Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc bổ dạng này.

Các loại thuốc bổ không thể thay thế được thức ăn, do vậy, hằng ngày, chúng ta cần ăn uống đầy đủ để cân bằng các chất. Chế độ ăn uống hợp lý và sử dụng thuốc bổ một cách khoa học khi có sự thiếu hụt các chất sẽ giúp cơ thể luôn khỏe mạnh và tránh được bệnh tật.

Theo khoe24h