Hồi con còn nhỏ, hai mẹ con mình đã khắc khẩu. Chuyện nhỏ, chuyện lớn gì, nhà mình cũng ầm ĩ. Đỉnh điểm là năm con thi chuyển cấp sang lớp 10, tranh cãi trong việc chọn trường khiến con giận dỗi, không thèm về nhà ăn cơm.

Con ở lì nhà người hàng xóm mà con thường gọi bằng má nuôi rồi xin cho ngủ luôn bên ấy.

Sáng ra, vừa mở mắt dậy, có lẽ do thấy mẹ ngồi bên giường đợi mình tự bao giờ nên con mủi lòng. Tuy nhiên, con vẫn nhất quyết chọn trường theo ý mình và từ đó thường ở nhà hàng xóm nhiều hơn ở nhà với lý do “hạn chế tranh cãi”. Con thường nửa thật, nửa đùa: “Mẹ sinh con ra nhưng sao con lại thấy má nuôi mới là mẹ của con”. Rồi con đưa mẹ và má nuôi lên… bàn cân, tỉ mỉ so sánh đủ điều mà không để ý rằng, đó là lần đầu tiên mẹ để con một mình làm chủ “diễn đàn”. Mẹ buồn khi con đem tình cảm ra cân, đong, đo, đếm…

mẹ con

Mẹ chỉ mong con đừng bỏ mặc cảm xúc của người đã mang nặng đẻ đau con… (Ảnh internet)

Học đại học xa nhà, con nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới và tỏ ra khó chịu, gò bó mỗi khi về thăm gia đình. Còn mẹ, sống trong cảnh mẹ góa con côi bao năm, mẹ thương nhớ con hằng đêm và dặn lòng nếu con về, sẽ không “xung khắc” với con nữa, sẽ nhường nhịn cho con vui. Thế nhưng, tính con ương bướng từ nhỏ, nói vài câu mà không thấy mẹ phản bác, con xụ mặt, chán nản qua thăm má nuôi, bỏ lại mẹ ráng ăn mấy món mà mẹ hì hụi nấu theo sở thích của con. Ai thấy cũng vỗ về mẹ: “Thôi, chắc kiếp trước nó là con của người ta”.

Con tốt nghiệp ra trường, quay về quê lập nghiệp và lấy chồng. Má nuôi trở thành má chồng của con. Thấy quan hệ của con với má chồng ngày càng sâu đậm, mẹ mừng lắm. Nhưng giá như con đừng quá nghiêng về bên ấy… Mẹ buồn lắm khi con cứ ngọt nhạt: “Mẹ có mình con, sao phải viết di chúc. Mẹ sang tên căn nhà cho con từ bây giờ cho tiện”, “Vợ chồng con cần số tiền làm vốn mà mẹ chồng cho không đủ, mẹ giúp con đi, đừng để người ta… khi dễ nhà mình”, “Mẹ bán nhà qua ở với tụi con luôn cho vui, ở một mình trái gió trở trời, người ta lại nói con gái không biết lo cho mẹ”…

Tuy nói vậy nhưng dù cuối tuần nào cũng vào bếp trổ tài, nhà chỉ cách vài căn mà hiếm khi nào con nghĩ tới mẹ. Con thường gửi cháu nhờ mẹ trông giúp, cháu đi học mẫu giáo cũng do mẹ rảnh rỗi nên “xung phong” đưa đón, thế nhưng con luôn nói: “Cháu do một tay bà nội chăm”. Cố nghĩ rằng con “lấy lòng” nhà chồng để được yêu thương nhưng sao mẹ chạnh lòng quá đỗi. “Nước mắt chảy xuôi”, mẹ chẳng ganh tị, dỗi hờn hay đòi hỏi điều gì to tát. Mẹ chỉ mong con đừng bỏ mặc cảm xúc của người đã mang nặng đẻ đau con…

Theo khoe24h.vn