Với mục đích để trẻ ngồi ngoan một chỗ, chịu ăn cơm hay giữ trật tự để đi chơi với bạn bè… hiện nay đa số các ông bố bà mẹ đều cho trẻ dùng điện thoại, máy tính bảng mọi lúc, mọi nơi, mọi chỗ. Nhưng điều này lại có thể khiến trẻ trầm cảm, giảm tiếp thu những điều mới, mẹ có biết?

Chị Thanh sinh hai cô con gái cách nhau 10 năm. Khác biệt về tuổi tác nhưng cả hai chị em đều có đặc điểm chung, đó là… chứng biếng ăn.

10 năm trước, mỗi cữ cho con ăn chị Thanh đều vô cùng khổ sở. Khi thì phải chạy theo con từ đầu xóm xuống cuối xóm, mất cả tiếng đồng hồ mới “dụ” con ăn được chén cơm. Những ngày thời tiết không cho phép, muốn để con bé ăn ở nhà thì từ ông bà nội tới chồng, em chồng chị phải ra sức… khua chân múa tay, làm đủ thứ trò cho con bé cười, quên đi việc mình “phải” ăn cơm và chỉ há miệng như một quán tính.

Vào năm 2014 khi chị sinh bé thứ hai, việc cho con ăn đã trở nên nhẹ nhõm hơn rất nhiều nhờ… cho trẻ dùng điện thoại và máy tính bảng. Quả thực thời buổi công nghệ, mọi thứ đều rất thông minh. Chỉ cần mở ipad lên, con gái chị có thể ngồi ngoan ngoan cả tiếng đồng hồ. Thậm chí, sau khi được mẹ cho ăn uống no nê con bé vẫn nằng nặc “Cho con xem một lát nữa thôi!”.

Nhìn cảnh tượng này, chắc hẳn nhiều bậc phụ huynh thấy rất quen thuộc? (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, tình trạng này không hề hiếm gặp. Và điều mâu thuẫn là dù biết rất rõ tác hại của việc cho trẻ dùng điện thoại từ sớm, xong hầu hết các bậc làm cha mẹ đều tặc lưỡi cho qua.

Nghiên cứu mới của các nhà khoa Mỹ được công bố trên tạp chí Preventive Medicine Reports cho biết: Ngay từ khi lên 2 tuổi nếu trẻ xem điện thoại và máy tính bảng mỗi ngày có nguy cơ mắc chứng lo âu và trầm cảm.

Nghiên cứu này do giáo sư Jean Twenge thuộc Đại học San Diego và giáo sư Keith Campbell, thuộc Đại học Georgia thực hiện. 40.000 người trong độ tuổi từ 2-17 được tham gia một cuộc khảo sát sức khỏe. Mức độ mắc bệnh do xem điện thoại, máy tính bảng tùy thuộc vào từng lứa tuổi, cụ thể:

Nhóm nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất: Những thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14 – 17 tuổi.

Nhóm nguy cơ mắc bệnh ở mức độ thứ hai: Trẻ từ 3 – 5 tuổi.

Nhóm nguy cơ mắc bệnh ở mức độ thứ 3: Trẻ từ 11 – 13 tuổi

Quá nuông chiều con, cho con sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin từ sớm tức cha mẹ đang hại con. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt: Trẻ từ 3 – 5 tuổi có nguy cơ lâm vào trạng thái cáu gắt cao gấp hai lần nếu ba mẹ cho trẻ dùng điện thoại cũng như máy tính bảng thường xuyên. 9% trẻ 11 – 13 tuổi xuất hiện tình trạng giảm kích thích, tính tò mò trong việc tiếp thu những điều mới nếu xem điện thoại ít nhất 1 giờ mỗi ngày. Con số này tăng lên 22,6% đối với những trẻ xem điện thoại trên 7 tiếng mỗi ngày.

Tác hại của việc cho trẻ sử dụng điện thoại, máy tính bảng từ sớm rất “kinh khủng”. Bạn có muốn con mình trở thành nạn nhân tiếp theo bị trầm cảm? Nếu không, dừng ngay việc cho trẻ dùng điện thoại, máy tính bảng mỗi ngày nhanh nhất có thể nhé!

Theo mevacon