Việc trả tiền công khi sai bảo trẻ làm việc nhà có thể khiến trẻ ban đầu rất hứng thú với công việc, nhưng về lâu dài, con sẽ không xem đó là nhiệm vụ hay trách nhiệm của mình mà chỉ làm khi có tiền hoặc có hứng.

Không quá khó để bắt gặp nhiều cha mẹ dùng tiền trả công để khuyến khích trẻ làm việc nhà hoặc thậm chí học bài, ví dụ như rửa chén được 10 nghìn, phơi quần áo được 5 nghìn, học xong bài được 3 nghìn… Tuy nhiên, không nên dạy con lao động vì tiền, đặc biệt là khi trẻ còn quá nhỏ!

Có những việc thuộc về trách nhiệm mà con “Phải” làm!

Nhiều gia đình mong muốn con cái lao động để trở nên tự lập, siêng năng và ngoan ngoãn hơn. Và muốn con làm được việc một cách tình nguyện, nhiều cha mẹ đã dùng tiền để trả công cho những yêu cầu của mình với con.

Có thể ban đầu trẻ sẽ tỏ ra rất hứng thú với công việc, nhưng về lâu dài, con sẽ không xem đó là nhiệm vụ hay trách nhiệm của mình mà chỉ làm khi có tiền hoặc có hứng. Thậm chí, nhiều trẻ còn chê số tiền cha mẹ đưa là quá ít, không bõ công sức làm, hoặc mặc cả “tăng lương”, nếu không thì không làm.

trẻ làm việc nhà

Có thể nói, dạy trẻ lao động vì tiền không chỉ vô tình biến con trở thành kẻ biết cách “thao túng tiền bạc” mà còn làm cho con cảm thấy chỉ lao động khi có tiền. Thậm chí, trẻ sẽ dần thiếu động lực để làm việc mà trẻ đương nhiên phải làm vì thấy không thỏa mãn với số tiền cha mẹ đưa ra.

Trẻ em nên được hướng dẫn chia sẻ, phụ giúp cha mẹ làm việc nhà ngay từ nhỏ, kể cả khi có thuê người trông trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ dần hiểu rằng đây là việc đương nhiên mình cần phải làm, là trách nhiệm của bản thân. Rửa chén sau khi ăn xong hoặc thấy có chén bát dơ trong bồn rửa, gấp quần áo và cho chúng vào tủ ngay ngắn, lau quét phòng ốc của riêng mình… và đây là những việc cá nhân của con là con phải làm tùy theo từng độ tuổi, chứ không phải làm việc để “lấy lương”. Cha mẹ nên phân chia công việc nhà cho con phù hợp theo độ tuổi từ nhỏ.

Đặc biệt, cha mẹ tuyệt đối không nên dùng tiền để khuyến khích con học tập tốt hơn, ví dụ như 10 nghìn cho 1 con điểm 10… Về lâu dài, trẻ sẽ học không phải vì yêu thích, vui vẻ mà là vì tiền thưởng. Điều này không tốt cho việc học tập lâu dài của con sau này.

Bản chất của việc học là giúp trẻ cảm thấy phấn khích khi được khám phá và học hỏi thêm nhiều điều mới lạ, chinh phục các kì thi và xem đó là thử thách bằng kết quả học tập của mình. Nếu như cha mẹ cứ thưởng con tiền theo kết quả học tập, con sẽ không còn tò mò, khám phá nhiều hơn nữa mà chỉ cố gắng làm mọi cách để được điểm cao.

Thưởng tiền chỉ làm cho trẻ có tâm lý đặt nặng chuyện tiền bạc, không cảm thấy thoải mái nữa. Dùng tiền để động viên con không phải lúc nào cũng xấu, nhưng nếu không áp dụng đúng sẽ rất dễ vẽ sai đường cho con đi. Thay vì dùng tiền, hãy giúp trẻ tìm được niềm vui trong học tập và lao động.

 Tú cũng cho rằng, thưởng tiền sẽ khiến con có tâm lý đặt nặng vấn đề tiền bạc. Dùng tiền để động viên con, nếu không cẩn thận sẽ hướng con sai đường. Điều quan trọng nhất là bố mẹ phải giúp con tìm được niềm vui trong học tập, trong lao động chứ không phải lấy thưởng làm động lực cho con.

Đổi thành phương pháp “tích điểm” giúp trẻ làm việc nhà có trách nhiệm

Hình thức “tích điểm” này cũng giống như khi cha mẹ tích điểm khi mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Vì thế, hãy dùng phương pháp tích điểm này với trẻ thay vì thao túng con bằng tiền bạc.

Có rất nhiều giáo viên cho biết, bản thân đã áp dụng phương pháp tích điểm này cho học sinh hàng ngày trong các giờ dạy trên trường. Thầy cô sẽ khuyến khích trẻ bằng cách cộng trừ điểm tốt và điểm xấu cho những việc cụ thể trẻ làm. Nếu trẻ tích cực làm điều tốt, học tập thật giỏi, giúp đỡ bạn bè, giữ gìn vệ sinh… con sẽ được tích thêm một điểm, và khi đến một số điểm nhất định nào đó, họ sẽ thưởng trẻ một món quà phù hợp với sở thích của con.

trẻ gặp áp lực trong học tập

Việc tặng thưởng cũng vô cùng quan trọng, vì phải lựa chọn sao cho đúng những món đồ cho cần hoặc con thích, để trẻ không cảm thấy vô ích và trở nên hời hợt với phong trào thi đua “tích điểm”.

Và tất nhiên, hình thức tích điểm này hoàn toàn có thể áp dụng trong gia đình khi cha mẹ dạy trẻ lao động và học tập. Thay vì dùng tiền, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tích thật nhiều điểm khi dọn phòng sạch sẽ, lau bàn mỗi khi ăn xong, bỏ đồ vào đúng nơi đúng chỗ. Sau đó, số điểm tích lũy này sẽ được cộng dồn thành một món quà mà trẻ yêu thích hoặc một chuyến đi chơi/du lịch/dã ngoại nào đó vừa phù hợp với trẻ và vừa túi tiền của cha mẹ. Và bạn cũng hoàn toàn có thể phạt trừ điểm trẻ nếu con làm chưa tốt hoặc vô ý làm sai công việc của mình.

Ngoài việc tính điểm cho con, cha mẹ cũng nên thường xuyên khen thưởng, thể hiện tình cảm của mình mỗi khi con làm tốt và động viên mỗi khi trẻ làm sai. Không nên tính điểm một cách quá “sòng phẳng”, có thể bị tác dụng ngược trong việc dạy trẻ siêng năng và yêu thích lao động. Việc khen thưởng và động viên đúng cách, đúng lúc sẽ mang lại giá trị tinh thần to lớn cho con cũng như giúp mối quan hệ cha mẹ và con cái được khắn khít và phát triển tích cực.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên thưởng hay tích điểm cho con vô tội vạ, vì có thể trẻ sẽ không thể phân biệt được công việc mình nên làm và việc mình đáng được thưởng. Có vậy, trẻ sẽ hiểu được ý nghĩa của lao động, chịu trách nhiệm cho công việc của mình. Ví dụ như nếu con ăn ngoan, ngủ giỏi, dọn đồ chơi đúng chỗ, học hành nghiêm túc, đạt điểm tốt ở trường… cha mẹ chỉ nên khuyến khích và khen ngợi trẻ, không nên dùng tiền, vật chất hay điểm để thưởng. Trẻ cần phải hiểu rằng, trong cuộc sống có những công việc là nghĩa vụ cần phải hoàn thành của bản thân mình.

Nếu chỉ làm việc gì khi có thưởng, có tiền, trẻ sẽ trở thành một người không biết chịu trách nhiệm với những công việc của mình, trở nên lười nhác hơn. Cha mẹ tốt hơn không nên nuông chiều và thỏa mãn “tất tần tật” các nhu cầu không cần thiết của con yêu, hãy chỉ đáp ứng khi có thể. Vậy mỗi khi trẻ phát sinh nhu cầu đổi điện thoại, mua máy tính bảng mới, sắm thêm quần áo mùa hè… con phải làm gì để có tiền bằng chính sức lao động của con?

Trong những trường hợp này, cha mẹ nên giúp con tiếp nhận giá trị lao động chân chính, kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Bạn có thể gợi ý cho con phụ giúp việc kinh doanh, buôn bán của gia đình, hoặc là soạn thảo văn bản giúp bố mẹ, tập tành kinh doanh nho nhỏ để kiếm lợi nhuận như làm đồ handmade, tập làm bánh ngọt, bán quần áo…

Chỉ khi phải thực sự lao động để kiếm tiền, con sẽ hiểu được giá trị của đồng tiền sẽ xứng đáng với công sức mình bỏ ra, và chúng không hề dễ dàng. Trẻ sẽ dần biết quý trọng đồng tiền hơn, không tiêu xài hoang phí và sa đà vào các vật chất không cần thiết. Không những thế, con cũng sẽ tăng kỹ năng tự tin, động lập… hơn nữa đấy!

Theo mevacon