Những điều nhỏ nhặt, tưởng như vô thưởng, vô phạt trong cuộc sống lại có thể dẫn đến kết thúc buồn cho một cuộc hôn nhân mà bạn đã dày công vun đắp bao nhiêu năm qua. Đó là những thói xấu nào?

Muốn hạnh phúc trọn vẹn, các cặp vợ chồng tuyệt đối nên tránh những thói quen “tưởng không hại mà hại không tưởng” này nhé.

Nói xấu sau lưng
Dù chỉ là đùa cợt, hành động này cũng là một trong số nguy cơ khiến các cặp đôi… đưa nhau ra tòa. Nói dài, nói dai thành nói dại. Nhiều người thường chỉ mang vợ, chồng mình ra “xả” cho bõ tức với người ngoài, kiểu: “Chồng em ít nói, mà mỗi lần mở miệng ra toàn… chửi”. Hoặc “Chồng bạn chưa là gì so với chồng mình, chồng mình con thế này, thế nọ, thế kia…”

Cứ thế, những lời lẽ tuôn ra và chính người nói không kiểm soát được bản thân. Đến tai đối phương, họ sẽ cho rằng bạn thiếu tôn trọng họ. Lòng tự tôn dâng cao, nảy sinh cãi vã là điều sớm muộn mà thôi.

Mất kiểm soát khi cãi nhau
Hôn nhân dù êm ấm đến đâu cũng không tránh khỏi những lúc cãi vã, bất đồng. Tuy nhiên, dù có tức giận đến đâu, bạn cũng tuyệt đối không được mất kiểm soát. Hậu quả thường thấy của việc mất kiểm soát khi cãi nhau, đó là chửi tục và bạo lực.

Những trận cãi vã có thể qua đi, nhưng vết thương và nỗi ám ảnh của lời nói luôn còn mãi. Để đến một ngày nào đó khi “trái gió trở trời”, việc hai người dắt tay nhau ra tòa chỉ vì không tìm được tiếng nói chung là điều sớm muộn xảy ra mà thôi.

Vợ chồng đừng mắc thói quen này nếu không muốn đưa nhau ra tòa – Ảnh minh họa

Cố che đậy cảm xúc
Có một sự thật là nếu bạn không nói ra, chẳng ai biết bạn đang nghĩ gì. Phụ nữ thường thường có thói quen cố che đậy cảm xúc, nhưng lại luôn bắt đối phương… tự hiểu nó. Nếu đối phương dù đã làm mọi cách nhưng vẫn không thể hiểu, chị em ắt hẳn quay sang… giận dỗi.

Người này cho rằng người kia vô tâm, người kia cho rằng người này không thành thật. Điều này quả thực vô cùng phi lý. Đó cũng là nguyên nhân khiến cả hai “xa” nhau với tốc độ nhanh không ngờ.

Thách thức lẫn nhau
Đang trong giai đoạn cao trào của cuộc cãi vã, hiếm có người nào kiềm chế được cơn giận như ngọn núi lửa phun trào dữ dội. Vào lúc này, người ta cũng thường nảy sinh sự thách thức lẫn nhau, ví dụ: “Tôi thách cô bước chân ra khỏi cửa”, “Tôi thách anh làm như vậy với tôi”…

Thử tưởng tượng mà xem, nếu sự thách thức của bạn tiến xa hơn thế và đối phương… thực hiện thật, chuyện gì sẽ xảy ra?

Nổi nóng vô cớ
Nếu không phải là mẫu người nhỏ nhẹ, dịu dàng… thì bạn cũng đừng nên nổi nóng mà không có lý do. Sự nổi nóng chỉ được coi là có tác dụng khi bạn thực hiện không thường xuyên, và đúng thời điểm. Nổi nóng nhiều lần, song song với vô cớ sẽ “phản tác dụng”, khiến đối phương chai sạn và… “bật” lại bạn.

Trời không chịu đất, đất cũng chẳng chịu trời. Con đường đưa nhau ra tòa của hai bạn có vẻ đang đến rất nhanh đấy!

Theo mevacon