Sức Khỏe – Không ít người cho rằng, đồ bổ là để tẩm bổ, cung cấp chất dinh dưỡng, giúp cơ thể ngày càng khỏe mạnh nên ăn càng nhiều đồ bổ càng tốt, “không bổ dọc cũng bổ ngang”. Tuy nhiên, điều này là sai lầm…

Người ta thường kháo nhau về các thực phẩm được xem là đồ bổ để mua về bồi dưỡng cho  bản thân và gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, về khoa học, không hề có khái niệm “bổ” mà chỉ có khái niệm hợp lý với từng đối tượng và giới tính.

»THỰC PHẨM GIÀU CHẤT ĐẠM

Trước kia, khi kinh tế khó khăn, đi thăm người bệnh, người ta thường mang theo đường, sữa, trứng gà vì cho rằng chúng bổ. Bên cạnh đó, người bệnh thường được cho ăn thịt bò giúp bổ máu, ăn gà tiềm thuốc Bắc và một vài món ăn bổ dưỡng khác để cơ thể nhanh khỏe lại. Nhưng ăn nhiều các loại thực phẩm đó liệu có tốt cho sức khỏe?

Nên ăn đa dạng thực phẩm với lượng hợp lý thay vì ăn quá nhiều một món bổ dưỡng
Nên ăn đa dạng thực phẩm với lượng hợp lý thay vì ăn quá nhiều một món bổ dưỡng

Để cơ thể phát triển tốt và tinh thần luôn vui vẻ, hằng ngày, mỗi người cần cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết như đường, đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước. Trong đó, thịt, cá, trứng, sữa… là những loại thực phẩm giàu chất đạm, chứa nhiều a-xít amin cần thiết cho cơ thể. Chất đạm được coi là vật liệu xây dựng và tái tạo gần như toàn bộ các mô của cơ thể. Nếu trong bữa ăn thiếu hụt lâu dài một trong các chất đó sẽ gây ra các rối loạn, ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Tuy nhiên, sử dụng chất đạm một cách thoải mái trong thực đơn sẽ không tốt. Bởi, trong thịt chứa chất đạm nhưng đồng thời cũng có chất béo no, ăn uống không cân đối

trong thời gian dài, cơ thể sẽ tăng cân, tích mỡ, cholesterol trong máu cao… Người lớn ăn nhiều chất đường ngọt không chuyển hóa tốt dễ bị đái tháo đường, trẻ em đang độ lớn dễ mắc bệnh béo phì…

Bên cạnh đó, những người có bệnh thận, bệnh gout, người dư thừa trọng lượng cơ thể, tỷ lệ mỡ máu cao cần hạn chế dùng nhiều thực phẩm có chất đạm. Theo tháp dinh dưỡng, lượng thức ăn từ thịt, đậu của một người trong một tháng trung bình là 1,5kg thịt, 2,5kg cá và thủy sản, 2kg đậu phụ. Thành phần đạm trong khẩu phần hằng ngày nên giới hạn ở mức 20-23%. Ngoài thực phẩm nhiều chất đạm trong bữa ăn, nên cân đối thêm rau xanh và các loại củ quả khác.

»THỰC PHẨM BỔ SUNG TOÀN DIỆN

Các loại thực phẩm thuộc nhóm bổ dưỡng, quý hiếm như vi cá, yến sào, nhung hươu… được xếp vào hàng cao lương mỹ vị nên giá cả khá cao, từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng 100g. Trong bảng thành phần dinh dưỡng, yến sào có tới 18 loại a-xít amin, thành phần gồm 2 yếu tố chính: gluco và protein. Nó có tác dụng phục hồi nhanh chóng các tổn thương khi bị nhiễm xạ hay chất độc hại, kích thích sinh trưởng hồng cầu. Yến sào cũng giàu các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Vi cá mập giàu glucosamine và chondroitin, có tác dụng kích thích tế bào sụn sản xuất proteoglycans và collagen; ức chế các men phá hủy sụn; cung cấp dinh dưỡng, giúp tạo dịch khớp và tái tạo sụn khớp… Vi cá mập cũng rất tốt cho mắt. Nhung hươu, nai có các thành phần như can-xi, phốtphát, can-xi carbonate, protid, hơn 17 loại a-xít amin… có tác dụng chữa các chứng hư tổn cơ thể, di tinh, liệt dương, vô sinh, bệnh lậu, giúp khỏe gân xương, tăng tuổi thọ, bồi bổ cho trẻ em chậm lớn, còi xương…

Thực phẩm bổ dưỡng chỉ mang lại lợi ích khi được sử dụng hợp lý
Thực phẩm bổ dưỡng chỉ mang lại lợi ích khi được sử dụng hợp lý

Chính bởi tác dụng tuyệt vời của những thực phẩm ấy mà nhiều người sử dụng hàng ngày và liên tục, đôi khi còn ăn thay cơm. Do yến sào chứa lượng đạm khá cao nên nếu ăn quá nhiều và liên tục, sẽ khiến cơ thể không thể tiêu hóa được, khó chịu, bụng đầy chướng. Với loại thực phẩm này, những người lớn tuổi thận yếu, người mắc bệnh gan, đái tháo đường… cần hạn chế ăn nhiều. Ngay cả những người bình thường cũng không nên ăn quá thường xuyên. Nên ăn đa dạng các loại thức ăn khác như thịt, cá, sữa, rau xanh… Tuyệt đối không được ăn một lúc nhiều hơn 100g yến.

Những người thể trạng gầy, nóng trong người, có bệnh truyền nhiễm, bị thiếu máu… không nên dùng các loại nhung hươu, nai.

»THUỐC BỔ

Thuốc bổ là tên gọi chung cho các thuốc mà thành phần của nó thường là các vitamin, chất khoáng, a-xít amin… Các thuốc này có tác dụng làm trẻ hóa tế bào, tăng cường khả năng biến đổi thức ăn thành dưỡng chất nuôi cơ thể, bồi bổ xương khớp, chống loãng xương. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng bổ sung chứ không thể thay thế thức ăn và cần dùng theo sự chỉ định của bác sĩ để tránh những tai biến do thuốc mang lại.

Đó là chưa kể, một số loại thuốc có tác dụng phụ như thuốc vitamin C, nếu dùng trên 1.000mg/ngày có thể gây viêm loét dạ dày, ruột, gây tiêu chảy, viêm bàng quang, ống tiết niệu, do a-xít ascorbic. Dùng trên 2g/ngày sẽ gây mất ngủ, tạo sỏi oxalat, ức chế bài tiết insulin, tăng huyết áp, tổn thương thận do tăng tổng hợp corticoid và catecholamin. Hay với thuốc chống ô-xy hóa, do trong thuốc có vitamin E và vitamin C nên nếu lạm dụng, sẽ dẫn đến hậu quả là làm cạn kiệt vitamin A; hoặc gây khó khăn cho việc hấp thu vitamin D khi dùng quá liều vitamin E; gây viêm loét dạ dày, ruột, viêm bàng quang, ống tiết niệu khi dùng vitamin C quá 500mg/ngày…

Nguồn: khoe24h.vn