Trong vô số lo toan khi Tết đến gần, nhất là với các chàng trai cô gái sắp thành thân hay các dâu rể mới, có mối lo đáng kể là quà cáp lễ nghĩa cho cha mẹ người yêu hay nội ngoại hai bên.

Mỗi năm chỉ có một lần, chỉ có mấy ngày Tết, ai cũng muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo, để khởi đầu năm mới may mắn, suôn sẻ. Thế nhưng, không phải lúc nào hai người sắp về một nhà hay đang sống chung dưới một mái nhà cũng thống nhất ý kiến trong việc quà cáp. Hơn nữa, không phải khi nào con cái cũng hiểu rõ lòng bố mẹ, nên việc so đo, tính toán thiệt hơn có thể xảy ra, làm mất hòa khí gia đình và giảm ý nghĩa của quà Tết.

Trước kia, quà Tết thường chỉ gói gọn trong những món đồ truyền thống như rượu, trà, bánh, mứt… phù hợp để đặt lên bàn thờ hoặc bày mâm cỗ Tết. Ngày nay, những món quà đã phong phú và đa dạng hơn nhiều, không chỉ là những giỏ quà đẹp hơn, to hơn mà nhiều chủng loại hơn, hiện đại hơn, phù hợp xu thế, đáp ứng các nhu cầu của người được tặng. Điều này vừa thuận tiện cho người tặng trong việc chọn lựa vừa khiến họ đau đầu vì phải cân đối tài chính và suy xét kỹ hơn ý thích của các đấng sinh thành.

Tạp chí Sức Khỏe, khoe24h, quà Tết, so đo quà Tết, ý nghĩa quà Tết, tặng quà Tết, quà phải hợp với túi tiền, Tết tặng quà gì
Quà Tết là cầu nối thâm tình, để người trong gia đình quan tâm, trân quý nhau hơn (Ảnh internet)

“Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”

Chị Loan, quê ở Cần Đước, Long An, quen anh Vinh là dân Sài Gòn chính gốc nên có phần tự ti, mặc cảm. Chị kể, lần đầu về ra mắt ngay dịp Tết, chị lo lắng, không biết nên mang theo quà gì. Hỏi ý kiến anh Vinh, anh chỉ trả lời qua quýt: “Gì cũng được, ba mẹ anh dễ lắm”. Chị lại không dám hỏi ý ba mẹ vì chợt giật mình nhận ra, bao nhiêu năm làm con, cho đến khi học xong đi làm, chị chưa mua về nhà cái bánh viên kẹo, còn phải để ba mẹ đùm túm thức ăn từ quê gửi lên cho, vậy mà giờ tặng quà Tết cho… người dưng. Sau mấy ngày đắn đo cân nhắc, nghe bạn bè tư vấn, chị chọn món lạp xưởng đặc sản quê chị làm quà biếu ba mẹ bạn trai. Chị cất công tìm mua loại hảo hạng ở nơi uy tín nhất và thêm chiếc giỏ đựng ngoài tinh tế, thắt chiếc nơ xinh.

Thế nhưng, ngay khi nhận quà của chị, nụ cười của mẹ anh Vinh trở nên gượng gạo, kém tươi. Trong mâm cơm mồng một Tết, chị thấy lạ khi không có món lạp xưởng như ở nhà mình. Kín đáo hỏi anh Vinh, nghe anh bảo mẹ anh không biết ăn lạp xưởng nên cả nhà hầu như chẳng bao giờ ăn, chị suýt… té xỉu. Chị trách anh không tham gia chuyện quà cáp cùng chị, mặc chị chọn lựa nên mới xảy ra cớ sự. Anh khoát tay: “Thôi, không sao đâu” càng khiến chị giận. Không chỉ lo sợ không gây ấn tượng đẹp với nhà anh, bản thân chị cũng cảm thấy tình cảm mà mình dành cho anh bị sứt mẻ.

Chị Phương (giáo viên ở Q. Bình Thạnh, TP. HCM), kết hôn đã 4 năm, ở nhà riêng, mẹ chồng sống ở quê, nhưng không năm nào không lo lắng khi Tết đến. Mẹ chồng chị là người trọng lễ nghĩa, ba chồng mất từ khi chồng chị còn nhỏ dại nhưng mẹ vẫn quà cáp, thăm nom bà nội chồng đều đặn, chưa quên ngày giỗ chạp nào dù đường sá xa xôi. Chồng chị lại là người con hiếu thảo nên chị rất chú ý việc lấy lòng mẹ chồng. Chị nhớ Tết đầu tiên, do quên rằng mẹ chồng mang bệnh đái tháo đường, chị mang biếu mẹ cả thùng bánh mứt như biếu ba mẹ mình, còn ngầm tự hào là mình mua loại đặc biệt, thương hiệu đáng tin cậy. Tết thứ hai, vẫn giữ lập trường “nội ngoại đồng đều” nhưng rút kinh nghiệm, tránh đồ ngọt, chị mua cho mỗi bên một thùng trái cây, toàn loại ngoại nhập. Mẹ chị vừa nhận được thì xuýt xoa khen ngợi, trong khi mẹ chồng tỏ thái độ thờ ơ. Hỏi ra mới biết mẹ không thích ăn… của lạ, nên sau đó, mớ trái cây tiền triệu của chị được con cháu gần đó chia năm xẻ bảy chứ mẹ không hề đụng đến. Chị bỗng thấy bao cố gắng của mình cũng bằng không nên dấm dẳng chồng: “Tại mẹ anh làm sao, chứ bên nhà em…”, bất chấp gương mặt nặng như chì của chồng. Tết năm trước, vừa thấy chị mua hai hộp hồng sâm Hàn Quốc về, chồng chị đã nói luôn: “Em đem hết qua bên ngoại, chứ bên anh dân quê, không uống được thứ đó đâu. Em toàn mua những thứ chỉ hợp ý em” khiến chị muốn khóc. Chị tuyên bố: “Vậy từ nay, bên ai, nấy mua quà Tết, khỏi mất lòng”.

Đừng làm quà Tết mất ý nghĩa!

Đám cưới của chị Loan vẫn diễn ra như đã định sau sự cố đó. Tết đến, chị dò ý mẹ chồng, biết bà thích dùng các loại hạt khô, quả khô, nên tìm hiểu và mua loại dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Để ý bà thích đi đó đi đây, chị tìm mua các tour giá rẻ và làm quà tặng cho ông bà cùng đi. Ban đầu, bà lấy lý do nhà cửa không ai trông để từ chối nhưng nhờ sự khích lệ của các con, sau này, năm nào bà cũng muốn đi du lịch dịp Xuân.

Còn chị Phương, sau câu nói lẫy của chị, vợ chồng cãi nhau một trận, chị mới hiểu bấy lâu chồng ức chế thế nào. Thậm chí anh còn nghĩ chị cho bên ngoại nhiều, bên nội ít. Sau khi tham khảo ý kiến chuyên viên tư vấn, chị đã bàn bạc với chồng, thống nhất công khai tiền bạc, nhất là các khoản cuối năm, quà cáp, lì xì cha mẹ hai bên. Anh chị sẽ cùng đi chọn quà và quyết định tùy nhu cầu của mỗi bên. Nhờ vậy, Tết năm nay, chị không còn thấy nặng nề. Chị định mua tặng mẹ cái bếp gas mới thay cho bếp đã gỉ sét và được chồng vui vẻ “duyệt”, vì theo anh, quà phải hợp với túi tiền, nhu cầu sử dụng.

Tặng quà là một nghệ thuật để có thể dung hòa tấm lòng của người tặng và mang niềm vui đến người nhận. Quà Tết dành tặng cha mẹ còn mang thông điệp chúc phúc, mong sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, ấm áp sum vầy bên con cháu. Vậy nên, người tặng nên tìm hiểu kỹ càng, thậm chí đặt mình ở vị trí người nhận để món quà không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về vật chất mà mang thông điệp ngày Tết, lại thể hiện sự kính trọng, yêu thương dành cho người nhận.

Theo khoe24h