“Một công thức quan trọng cần nhớ, đó là níu kéo khác với quỵ lụy, van xin. Người đàn ông sẽ không quay lại nếu như chỉ còn sự thương hại, tội nghiệp. Thậm chí họ còn trở nên coi thường, bực bội, chán chường muốn bứt ra nhanh hơn” – Một chuyên gia tư vấn tâm lý cho biết.

Bặm môi cố nén mấy lần, nhưng rút cuộc chị Ngọc Hoài cũng phải nấc nghẹn lên, tiếng được tiếng mất: “Tôi tìm đủ mọi cách rồi. Chăm sóc, chiều chuộng, kiên nhẫn chịu đựng, thậm chí van xin ảnh vì con, vậy mà ảnh vẫn tiếp tục mối quan hệ ngoài luồng kia. Mới đây nhất, ảnh còn ra tối hậu thư: “Chỉ có thể sống song song hai gia đình như thế, nếu cô không muốn thì cứ làm đơn đi, tôi ký”.

Khi con thuyền chỉ một người chèo chống

Trường hợp như của chị Ngọc Hoài không còn là quá hiếm. Chị Thảo – một luật sư chuyên làm công việc hòa giải lâu năm cho biết: “Thật tình, nhiều lúc mình vừa thương vừa… bực. Thương vì có những cặp vợ chồng đến đây, một người thì khăng khăng chia tay, một người thì cố hết sức níu kéo. Mà lý do níu kéo chủ yếu bao giờ cũng là con còn quá nhỏ. Thương lắm khi nghĩ đến những đứa trẻ chưa được mấy tuổi đầu đã phải chia lìa cha một nơi, mẹ một nơi.

Nhưng xen lẫn trong cảm giác thương, nhiều lúc cũng bực với chính những người… cố níu kia. Tưởng tượng một anh chồng vũ phu, đánh đập vợ con tàn nhẫn, đã có người khác bên ngoài, cương quyết đòi về li dị… Vậy mà người vợ đến tận đây, trước mặt đông người vẫn khóc lóc van xin, thiếu điều quỳ xuống lạy anh ta. Sự yếu đuối hạ mình ấy chỉ làm cánh đàn ông thêm hả dạ coi thường, chứ đâu giải quyết được gì?”

Có hai nguyên nhân chính để người ta níu kéo một cuộc hôn nhân: Thứ nhất là tình yêu của một người dành cho người kia vẫn quá nhiều. Tình yêu này biến thành bi lụy, chịu đựng, hạ mình, sẵn sàng chấp nhận mọi thứ miễn người kia đoái hoài đến mình, dù chỉ là một chút. Thứ hai, chiếm đa số hơn, níu kéo vì nghĩ đến con.

Trường hợp của chị Ánh (Q.9), cuộc hôn nhân không còn cơm lành canh ngọt, những vết rạn nứt cứ thế lớn dần, tình yêu thì cạn kiệt… Thế nhưng chị vẫn quả quyết với chuyên viên tư vấn rằng muốn tìm mọi cách giữ lại cuộc hôn nhân này, dù có phải đi đến tận nơi nào xin… bùa ngải giữ chồng cũng làm.

Chị thú thật: “Tôi không có việc làm, từ khi cưới nhau đến giờ toàn ở nhà lo bếp núc rồi sinh con cho ảnh. Giờ con mới tròn 4 tuổi, ảnh đã sinh tật đòi ly hôn. Ly hôn bây giờ rồi tôi đi đâu? Ở đâu? Làm gì mà sống? Nhà cửa, xe cộ đều là tài sản của ảnh trước hôn nhân. Ảnh sẽ có lợi thế cả trong việc giành nuôi con. Chia tay bây giờ coi như tôi mất trắng tất cả mọi thứ”.

Vì nỗi lo không nơi ăn chốn ở, không tìm được việc nhà, sợ mất cả quyền nuôi con… mà chị cố làm đủ mọi việc, chỉ mong cố giữ lại tình cảm của chồng. Nhưng tâm lý của đàn ông, hễ càng bị níu họ càng có động lực để… bứt ra cho nhanh. Đỉnh điểm là đến khi bắt được cái “bùa” chị ánh giấu trong gối nằm, chồng chị đã vứt thằng vào mặt chị, sỉ vả hết lời rồi cương quyết đơn phương ly hôn. Anh lập luận với tòa án: “Tôi mà còn sống chung với “con điên” đó, không biết nó còn tìm những cách ma quái gì để níu giữ tôi?”

Đến nước này, người hòa giải cũng lắc đầu nhìn nhau, muốn tìm cách thuyết phục chị ngưng cuộc hôn nhân không còn gì để “níu” này nhằm giải phóng cho chính mình.

Nên chăng “níu” một trái tim đã đổi hướng?

Câu trả lời của khá nhiều người là “Nên”! Nhưng các chuyên viên tư vấn tâm lý bao giờ cũng “khuyến mãi” thêm một chữ “nếu” kèm theo: Chỉ nên thực hiện việc “níu kéo” nếu như bạn tin rằng mình có thể làm việc này một cách khéo léo, chừng mực, đủ sức để người kia nhận ra giá trị gia đình và nảy sinh tình cảm trở lại.

Không hiếm trường hợp, chồng say nắng bên ngoài, vợ biết nhưng vẫn âm thầm chăm sóc cho gia đình, quan tâm chồng từng chút một. Những lời khuyên nhủ ân cần, khéo léo dùng con như mối dây ràng buộc vững chắc đã khiến người chồng phải hồi tâm chuyển ý, hiểu và trân trọng hơn với những gì mình đang có.

“Một công thức quan trọng cần nhớ, đó là níu kéo khác với khụy lụy, van xin. Người đàn ông sẽ không quay lại nếu như chỉ còn sự thương hại, tội nghiệp. Thậm chí họ còn trở nên coi thường, bực bội, chán chường muốn bứt ra nhanh hơn” – Một chuyên gia tư vấn tâm lý cho biết.

Bên cạnh đó, khi sự níu kéo không mang lại tác dụng, vợ chồng cũng nên bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề để có được cách giải quyết ổn thỏa nhất cho con. Đừng suy nghĩ rằng bằng mọi cách phải giữ lại cho con một người cha, kể cả khi người cha này nghiện ngập, hút sách, rượu chè, bạo hành, lăng nhăng bên ngoài… Thực tế, sự nhẫn nhịn, cam chịu, níu kéo của người phụ nữ trong trường hợp đó chỉ khiến đứa con thêm uất ức, nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực chứ không hề cảm thấy hạnh phúc hơn.

Theo mevacon