Tà Pạ là một ngôi chùa thực sự khác lạ không chỉ của xứ An Giang mà còn cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chùa Tà Pạ để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc từ địa thế, kiến trúc, cho đến câu chuyện tâm linh huyền bí.

Toàn cảnh chùa Tà Pạ
Toàn cảnh chùa Tà Pạ | Hình ảnh: Lê Hoàng Dũng

Chùa Tà Pạ – Chốn thiên đường có panorama view giữa lòng Tri Tôn

Chùa Núi, người Khmer gọi là Chưn-Num, tên gọi khác của chùa Tà Pạ nằm lưng chừng núi Cô Tô (núi Tô) thuộc dãy Phụng Hoàng Sơn ở độ cao 45m so với mặt đất. Nhìn từ xa, ngôi chùa như được treo lơ lửng giữa trời, ẩn nấp trong mây, những tháp nhọn đâm xuyên qua những tán cây rậm rạp của núi đồi.

Tà Pạ lư lửng giữa trời

Chùa Tà Pạ lơ lửng giữa trời Tri Tôn
Chùa Tà Pạ với kiến trúc và địa thế độc nhất vô nhị | Hình ảnh: Lê Hoàng Dũng

Toàn cảnh chùa Tà Pạ làm tôi muốn lạc lối, lang thang mãi thôi bởi nó gần như chạm tới mọi giác quan, khơi dậy bao xúc cảm tích cực khó tả. Nằm giữa cánh đồng lúa yên bình, được cánh rừng xanh ngát hoang sơ ôm ấp bảo vệ, bình thản tựa vào triền núi vững chãi. Mỗi chi tiết như nét cọ chậm rãi vẽ nên một bức tranh ảo mộng gây thương nhớ với bất kỳ ai.

Có hai con đường dài khoảng 500m rất dốc phải chinh phục mới khám phá được ngôi chùa này. Thứ nhất là đường bê-tông mới và rộng rãi, xe máy hay ô-tô có thể di chuyển thuận lợi. Thứ hai là lối nhỏ, chỉ dành cho người đi bộ nếu bạn cũng muốn muốn rảo bước như tôi đi xuyên qua những tán tân xanh rì, hoà mình vào thiên nhiên, lắng đọng tâm hồn và trút mọi bụi trần trước khi bước vào chùa.

đường lên chùa

Mặc dù chùa được dựng trên triền núi chênh vênh với nhiều công trình lớn nhỏ ở các khu vực khác nhau nhưng được nối liền mạch bằng những con đường lát gạch đá nhỏ. Trên mỗi bậc thang nối đều có tượng rắn Naga được chạm khắc tinh xảo như là dấu hiệu dẫn đến công trình ở cao hơn. Tất cả gắn kết với nhau thành một không gian thống nhất, thoáng đãng; tôi ngỡ như mình đang lỡ bước vào chốn cung đình vậy.

Chánh Điện nổi bật nhất, không phải cất trên mặt đất bằng phẳng mà được dựng trên nhiều cột bê-tông lớn chống đỡ vững chắc. Cấu trúc này biến chùa Tà Pạ trở thành công trình kiến trúc chùa độc nhất vô nhị của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Công trình được xây dựng trên nhiều cột bê-tông chống đỡ vững chắc | Hình ảnh: Lê Hoàng Dũng

chánh điện chùa Tà Pạ

Đặc biệt, dù đứng ở bất kỳ vị trí nào trong chùa đều bắt được trọn vẹn mọi góc đẹp của huyện núi Tri Tôn. Có thể phóng tầm nhìn như vô tận xuống cánh đồng Tà Pạ xanh ngát, đắm chìm trong thung lũng căng tràn sức sống, ngắm lũ trẻ chăn trâu lơ đãng thả diều hay đá bóng. Tôi đến Tà Pạ vào một buổi chiều nên may mắn chiêm ngưỡng được ánh hoàng hôn xuống dần, soi chiếu làn khói lam chiều từ những căn bếp xa xa. Tôi ngỡ mình đang đứng trên chốn thiên đình nhìn xuống trần gian đẹp hút hồn.

cánh đồng Tà Pạ

Thần khí linh thiêng trên chùa Tà Pạ

Kiến trúc độc đáo ấn tượng như một công trình nghệ thuật

Chùa Tà Pạ vào dịp cuối xuân rất vắng, tôi tự do lang thang khám phá mọi ngóc ngách mà không có gì cản lối hay bị đám đông che khuất tầm nhìn. Một mình lọt thỏm trong ngôi chùa to lớn và đồ sộ, bốn bề rừng núi khiến tôi càng thấy mình nhỏ bé. Chỉ có tiếng chân mình rảo bước hòa cùng tiếng chim hót, tiếng lá xào xạc, tiếng chuông chùa thi thoảng vọng lên, tiếng đọc kinh khi xa khi gần … Không gian vắng lặng, trong lành kết hợp với sự cổ kính tạo nên vẻ linh thiêng và kỳ bí.

Tà Pạ là một ngôi chùa mới, được khởi công xây dựng vào khoảng năm 1999 và đã trùng tu nhiều lần nên rất khang trang. Mặc dù ngôi chùa còn “khá trẻ” nhưng tôi lại có cảm giác nơi đây đầy trải nghiệm và ẩn chứa nhiều câu chuyện bí ẩn. Có lẽ bởi mọi chi tiết trong công trình đều chứa đựng nhiều huyền tích của đồng bào dân tộc Khmer.

Tà Pạ kỳ bí

Ngôi chùa theo phái Nam Tông có kiến trúc Khmer đặc trưng với gam màu đỏ cam và vàng kim làm chủ đạo, mái chùa là các ngọn tháp cao vút uy nghiêm giữa trời xanh. Chùa Nam Tông Khmer ảnh hưởng của ba dòng văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng là: Bà la môn, Phật giáo và văn hóa Khmer. Bởi vậy, nghệ thuật kiến trúc cũng vô cùng độc đáo, ẩn chứa nhiều câu chuyện văn hoá, mỹ thuật. Công trình to rộng như thế nhưng được phủ kín các tác phẩm chạm trổ, điêu khắc tinh xảo, đắp nổi nhiều tranh tượng phù điêu có giá trị thẩm mỹ cao.

Các biểu tượng văn hóa Khmer như chim thần Krud, vũ nữ Kenar, thần Garuda, … Trong đó, rắn thần Naga xuất hiện khắp nơi, trên cầu thang, lối đi, cổng vào mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, ám khí. Naga còn mang một ý nghĩa khác về sự thịnh vượng, là vị thần bảo vệ mùa màng, giữ nước tràn đầy cho các con sông. Nó cũng là hiện thân cho sự kết nối giữa cõi trần và Niết Bàn.

Không chỉ vậy, tất cả các bức tường, cột kèo, cánh cửa gỗ cũng được điêu khắc công phu hay trang trí bằng những bức tranh cầu kỳ. Đó là những câu chuyện về cuộc sống của người Khmer, cuộc đời của đức Phật vô cùng sống động.

Nếu để ý thì sẽ thấy một căn nhà cũ rêu phong, dù đã hoang phế nhưng nét kiến trúc vẫn rất đẹp, đó là khu chánh điện cũ. Ngay gần đó, bên con đường dốc nhỏ là khu vực tháp cốt đậm màu thời gian, linh thiêng nhưng hơi u buồn lại tăng thêm vẻ đẹp huyền bí cho ngôi chùa.

Câu chuyện tái sinh nhuốm màu huyền thoại của nhà sư chùa Tà Pạ

Sư Chau Sóc Thon với giai thoại hai lần chết đi sống lại, phủ thêm cho chùa Tà Pạ vốn cổ kính lại thêm màu bí ẩn. Đáng tiếc, tôi chưa đủ duyên gặp được sư thầy nhưng qua nhiều nguồn thông tin, được biết sư Chau Sóc Thon dù đã ngoài 30 nhưng nhỏ bé như một cậu nhóc thiếu niên.

Thầy từng là trẻ sơ sinh thiếu cân, thể trạng yếu và ốm đau liên miên. Cơn bạo bệnh vào năm 4 tuổi đã lấy đi hơi thở cuối cùng của thầy. Vậy nhưng khi cả gia đình đang lo hậu sư để mai táng thì đứa bé Sóc Thon bỗng dưng tỉnh dậy bởi cái ôm đau xót của ông nội. Thời điểm ấy, không một ai có thể giải thích được hiện tượng này và xem đó là một món quà trời cho.

Tưởng chừng thoát cửa tử thì sẽ nhiều may mắn thì thanh niên Chau Sóc Thon 18 tuổi lại nhập viện lần nữa vì đau ruột thừa cấp tính. Trong khi cấp cứu và buộc phải chuyển viện, đột nhiên nhịp tim trở yếu tới mức bác sĩ chẩn đoán không thể qua khỏi. Ấy mà không biết phép màu nhiệm nào đã trả lại trái tim mạnh khoẻ cho Chau Sóc Thon.

Sau hai lần nhận được phép màu hi hữu ấy, gia đình quyết định gửi Chau Sóc Thon vào chùa tu vào năm 20 tuổi cho đến hiện tại. Sức khoẻ của thầy vẫn tốt như chưa hề trải qua những cơn bạo bệnh, chỉ có ngoại hình là vẫn bé nhỏ không thay đổi. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ ở chùa, thầy Sóc Thon còn là một giáo viên dạy chữ Khmer cho các em nhỏ.

Theo DNPlus