Mẹ không cho đụng đến máy vi tính vì bảo con chơi điện tử nhiều hư mắt, tốn thời gian. Nhưng bố lại đồng tình cho chơi chừng… 2 tiếng/ngày! Mẹ bảo nên cho đi học thêm. Bố cương quyết nói ở tuổi cấp 1, chỉ cần con học kha khá thôi cũng được, không cần ép học đêm học ngày.

Cứ thế, những bất đồng giữa vợ chồng trong việc nuôi dạy con cứ lớn dần. Và người ở giữa – là bé – thì đã bắt đầu biết tận dụng điều này để ngoa ngoắt trả lời bố hoặc mẹ: “Nhưng mẹ cho phép…”, “Thì bố bảo con làm mà…”.

Con biết nghe ai?

Thực tế, rất hiếm có đôi vợ chồng nào đồng thuận trăm phần trăm trong việc uốn nắn, nuôi dạy, chăm sóc con. Bản năng người mẹ thường có thiên hướng muốn bảo bọc, che chở, ấp ủ, thậm chí làm thay cho con việc này việc khác. Trong khi đó, bố lại thường muốn cho con cọ xát, va chạm ít nhiều với cuộc sống. Bố thích dạy con tính tự lập, thích con ngã thì tự đứng dậy hơn là xông tới ôm lấy ngay con. Những khác biệt trong quan điểm, trong suy nghĩ, lối sống này đưa đến tình trạng vợ chồng trở nên căng thẳng khi đối diện với chuyện nuôi dạy trẻ.

Như chuyện của anh Tùng – chị Bích (Q.3). Từ ngày bé Trang đi mẫu giáo, vợ chồng anh gần như không có ngày nào không cãi nhau. Anh muốn chọn cho con một trường mẫu giáo quốc tế để con quen với không gian thoải mái, phát triển hết mức sự dạn dĩ, tự tin. Trong khi đó, chị lại muốn con theo học trường dòng, được uốn nắn, chăm sóc theo cách mà chị đã trải qua suốt thời ấu thơ. Mạnh chồng muốn làm theo cách chồng, mạnh vợ muốn làm theo cách vợ. Phải mất đến hơn tháng trời cãi cọ quyết liệt, cuối cùng con gái anh chị mới ổn định được nơi học tập.

lifestyleonline -giai quyet bat dong1

Tưởng thế đã yên. Nhưng không! Bé đi học, ngay tuần đầu tiên đã bắt đầu sốt, luôn có vẻ sợ hãi, về nhà ăn nhiều hơn (cứ như bị… bỏ đói cả ngày). Sáng sáng thức dậy, bé ôm chặt lấy mẹ khóc ầm lên, không chịu đi mẫu giáo. Chị sốt ruột cho rằng các cô trong trường không chăm sóc tốt nên bé mới như thế, thậm chí còn muốn đổi trường, cho bé nghỉ ở nhà… Trong khi đó, anh Tùng vẫn quả quyết: “Mười đứa nhỏ đi học thì đến chín đứa giai đoạn đầu hay khóc lóc, mè nheo, có những xáo trộn nhất định như thế. Chuyện đó là bình thường, có gì đâu mà em làm dữ vậy. Cứ cho con bé đi học, không sao cả!”.

Nói gì thì nói, những tranh cãi của anh chị chỉ mới dừng lại trong phạm vi giữa vợ và chồng thôi thì cũng hãy còn đỡ. Nhưng khi bé lớn hơn một chút, đã ý thức được rõ ràng mọi việc mà bố mẹ vẫn tranh cãi, bất đồng gay gắt trong chuyện nuôi dạy con thì đúng là… lớn chuyện.

Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thiên Thanh (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) hãy còn nhớ rõ câu chuyện của hai vợ chồng anh chị Trung – Hậu. Cậu nhóc vào lớp 1, hai vợ chồng không ngớt căng thẳng nhau đủ mọi chuyện trên trời dưới đất xoay quanh việc dạy con. Chị muốn cho con học tiếng Anh thật sớm, càng sớm càng tốt vì tin rằng trẻ tiếp xúc với tiếng Anh càng sớm càng có ích cho con. Trong khi đó, anh Trung lại khăng khăng theo quan niệm: Tuổi cấp 1 chỉ cần cho trẻ chơi là chính, học ở trường có đì đẹt một chút cũng không sao. Chỉ cần bé lên lớp đều đều, sức học trong lớp đừng quá tệ mà ở mức thường thường bậc trung là được rồi.

Anh phân tích: “Nhà anh, các anh em trên dưới đều được giáo dục theo cách đó cả. Cấp 1 để trẻ phát triển tự nhiên, lên cấp 2 uốn nắn hơn một chút, cấp 3 tập trung vào việc học nhiều hơn, và cuối cùng lên đại học mới dốc toàn lực vào. Không cần cho con theo kiểu học nhồi ép từ nhỏ làm gì…”. Chị không chịu, cãi lại thì anh khăng khăng nói mát: “Thì em xem lại xem bên nhà anh với bên nhà em, rốt cuộc thì những ai ra đời thành công hơn? Cái kiểu học nhồi sọ từ tấm bé đó khiến càng lớn con càng đuối sức dần, lên tới đại học thì lơ là hẳn luôn chứ có ích gì!”.

Cuộc chiến giữa vợ và chồng căng thẳng đến mức cậu nhóc lớp 1 bắt đầu nhận ra những mâu thuẫn giữa bố mẹ. Thằng bé chỉ thích chơi game, thích vẽ vời, đùa giỡn với bạn bè. Hễ mẹ bắt học thì thằng bé gân cổ… cãi: “Bố nói con không cần thiết phải học nhiều. Bố nói cho con chơi mà…”.

Nuôi dạy con cũng cần phải đồng vợ đồng chồng!

lifestyleonline-giai quyet bat dong2

Theo chuyên viên tư vấn Nguyễn Thiên Thanh, sở dĩ có chuyện tranh cãi quyết liệt trong quá trình nuôi dạy con vì hai bậc phụ huynh, mỗi người đều ảnh hưởng một lối giáo dục riêng từ nhỏ đến lớn. Thiên hướng cha mẹ nào thường muốn con đi theo con đường giáo dục mà mình từng trải qua, từng thụ hưởng và cho đó là cách tốt nhất. Tuy nhiên, vì sự phát triển của trẻ, cả hai vợ chồng rất cần hợp tác với nhau, ngồi lại với nhau để đưa ra một số thỏa thuận chung trong cách nuôi dạy con.

Ví dụ như vợ chồng phải thỏa thuận từ đầu là không tranh cãi về chuyện nuôi dạy con trước mặt trẻ. Nên có những dấu hiệu riêng giữa vợ chồng để hiểu rằng đã đến lúc tạm ngưng “cuộc chiến”, chỉ nên chọn thời điểm và không gian khi không có trẻ ở đó để ngồi xuống nói chuyện với nhau.

Những cuộc nói chuyện giữa vợ và chồng nên được thực hiện một cách ôn hòa, lắng nghe lẫn nhau. Tránh những câu nói dễ chạm tự ái đối phương như: “Anh/em im đi, để yên việc dạy con đó em/anh lo!”“Anh/em biết gì mà nói”“Anh/em nhìn lại bên họ của mình xem có ai học theo kiểu đó, được giáo dục theo kiểu đó mà thành công không?”.

Hãy giữ cho mình thật bình tĩnh, lắng nghe và phân tích những dữ liệu cùng nhau. Thậm chí nếu cần thiết, bạn có thể viết ra những điều mình suy nghĩ ra giấy, sau đó gửi cho nhau đọc. Có thể giữa nhân nhượng mỗi bên mỗi chút, nhưng những điểm chính yếu thì cần tìm được tiếng nói chung.

“Ví dụ như cha mẹ có thể thỏa thuận chuyện lớn nhất là cho trẻ học các môn năng khiếu vào thời điểm nào. Sau đó cha mẹ có thể đưa ra những môn năng khiếu mình đề nghị, nghĩ rằng tốt cho con. Có thể bàn bạc với nhau dựa trên danh sách đó để lọc ra 1-2 môn cuối cùng, phù hợp với trẻ, khiến trẻ thích thú. Bằng cách này, vợ chồng có thể đạt được một thỏa thuận chung và không gây mâu thuẫn, xào xáo trong gia đình”, chuyên viên tư vấn Nguyễn Thiên Thanh chia sẻ.

Bạn cũng nên thiết lập một bảng nguyên tắc của gia đình thật rõ ràng để tránh những tranh cãi lắt nhắt. Bảng nguyên tắc này có thể được điều chỉnh, cập nhật theo thời gian, đưa ra những điều được phép và không được phép thật cụ thể để trẻ có thể dễ dàng làm theo mà không lo “được lòng bố” hay “mất lòng mẹ”. Ví dụ như có thể quy định trẻ không được ngủ trễ quá 9 giờ, nhưng ngày chủ nhật và ngày nghỉ lễ được phép lên giường lúc 9 giờ rưỡi.

Những quy tắc này sẽ khiến mỗi thành viên trong gia đình phối hợp với nhau dễ dàng hơn. Ngoài ra, cha mẹ nên mở rộng tầm nhìn và suy nghĩ của mình bằng cách nên thường xuyên gặp gỡ chuyên gia tư vấn, bạn bè thân thiết, người thân trong gia đình để trò chuyện, lắng nghe, học hỏi thêm kinh nghiệm. Bạn cũng có thể ghi danh vào các lớp học hướng dẫn kỹ năng dạy con.

Thực tế, có thể có những bất đồng không giải quyết được, bạn nên học cách nhẫn nhịn một chút thay vì cứ khăng khăng làm theo cách mình muốn. Ví dụ như dù bạn hoàn toàn không muốn con có thói quen uống nước đá, sợ không tốt cho sức khỏe của bé, nhưng chồng bạn lại thường chiều con bằng cách thỉnh thoảng cho con uống nước đá. Bạn không cần làm căng đến mức xúc phạm anh hay quát tháo nhau trước mặt bé. Thay vì thế, chỉ nên bàn với chồng rằng:“Em nghĩ con chỉ uống nước mát được để trong tủ lạnh là cũng đủ độ lạnh rồi. Uống nước đá vừa dễ hư răng, vừa ảnh hưởng không tốt dạ dày con sau này…”. Ví dụ như thế, bạn sẽ vẫn giữ được những tình cảm thật gắn bó trong gia đình và lại vẫn đạt được mục đích uốn nắn, dạy bảo trẻ nên người.

Theo mevacon