Có người bảo, chia tay do ’hết duyên’. Kỳ thực, theo thống kê của các chuyên gia tâm lý, trên 50% các cặp vợ chồng chia tay nhau chỉ vì… thiếu kỹ năng hàn gắn! Hãy kiểm tra xem, mình đã có những kỹ năng này?

1. Đừng bao giờ ôm gối sang phòng khác ngủ!

Nhớ lại xem, đã bao giờ vợ chồng bạn cãi nhau mà bạn tức khí… ôm gối sang phòng khác ngủ không? Hãy lưu ý kỹ điều này và thuộc lòng công thức này: Dù giận nhau đến mấy, tuyệt đối bạn cũng không nên là người chủ động ngủ riêng. Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai từng có một lời khuyên rất hay: “Khi còn nằm cùng nhau trên giường là cơ hội hàn gắn, làm hòa của bạn còn rất cao. Nhiều khi vợ chồng giận nhau, cãi đến không nhìn mặt, lên giường cũng chặn một cái gối ở giữa, quay lưng lại với nhau. Thế nhưng nằm ngủ một hồi, nửa đêm lại… đá gối đi đâu mất, vô tình gác chân, gác tay, chạm vào nhau một cái. Sáng ra thức dậy, có khi thấy đang ôm nhau ngủ. Thế là… hòa mà chẳng cần đến một lời xuống nước nào!”.

Còn nằm ngủ chung giường là cơ hội hàn gắn vẫn còn! Bạn nhớ nhé. Đừng vì một chuyện nhỏ mà ôm gối sang phòng khác. Khi ngủ riêng như vậy, bạn sẽ thấy càng ngày cơ hội hàn gắn càng… xa. Thậm chí đến lúc hết giận chồng cũng không biết làm cách nào để… quay về giường cũ nữa.

2. Đừng bao giờ bỏ về nhà mẹ!

Việc này còn tệ hơn cả việc… ôm gối sang phòng khác ngủ! Rất hiếm anh chồng bỏ nhà đi khi giận (dù có bỏ đi nhậu với bạn thì đến khi “xỉn quắc cần câu” cũng quay trở lại về nhà). Thế nhưng rất nhiều người vợ lại xem việc ôm quần áo về nhà mẹ là cách… làm nư. Bạn biết không, đây là kỹ năng hàn gắn thứ hai mà bạn cần ghi nhớ suốt quá trình sống chung. Bỏ về nhà mẹ ruột sẽ khiến bạn mất đi cơ hội để làm hòa (vì có khi chồng biết lỗi nhưng tự ái, không muốn sang đón vợ và nhận lỗi với bố mẹ vợ). Không ít đôi vợ chồng, vì chuyện cỏn con mà vợ bỏ nhà đi. Vợ về nhà mẹ, chờ mãi không thấy chồng sang đón, cuối cùng lại thấy chồng… đưa ra tờ giấy ly hôn. Đến lúc ấy muốn cứu vãn cũng không kịp nữa. Hãy xem bỏ về nhà mẹ là “giải pháp cuối cùng”, khi bạn thật sự không còn một phần trăm nào muốn giữ lại cuộc hôn nhân của mình. Nhớ nhé!

3. Hạn chế để người thân xen vào khi vợ chồng bạn giận nhau!

Vợ chồng cãi nhau là chuyện… của vợ chồng. Hãy để vợ chồng bạn tự xoay xở và giải quyết khó khăn đó. Nếu cảm thấy cần đến lời khuyên của người “sáng suốt” bên ngoài, có thể tìm đến một người bạn thân của gia đình (với điều kiện bạn tin rằng người này luôn có suy nghĩ tích cực và khá khách quan), hoặc có thể tìm đến một chuyên gia tâm lý.

Hạn chế tối đa khi giận mà về nhà… kể với gia đình (ruột thịt) của mình. Vì người thân luôn thiếu sự khách quan, thường bênh bạn và dễ có xu hướng “làm lớn chuyện” khiến sự căng thẳng của vợ chồng càng lúc càng gia tăng.

Ví dụ bạn cãi nhau với chồng, chồng về… méc mẹ chồng(!). Mẹ chồng đem chuyện bạn kể thêm cho vài người nữa. Rồi mẹ chồng và những người này gọi điện sang để mắng bạn, rầy la, bảo bạn sai cái này cái kia. Rồi mẹ chồng lại gọi điện sang cho… bố mẹ ruột của bạn để “mắng vốn” bạn. Khi tất cả những điều ấy đến tai bạn, có phải là bạn rất dễ “nổi khùng” lên và hoàn toàn không còn muốn hàn gắn với chồng nữa, thậm chí xảy ra những trận cãi cọ dữ dội hơn với chồng không?

Đây cũng thuộc về một kỹ năng hàn gắn đấy bạn ạ. Khi giận hờn, tốt nhất vợ chồng nên để cho mình có đủ thời gian lắng dịu, suy nghĩ kỹ vấn đề. Sau đó chịu khó ngồi xuống chia sẻ thẳng thắn với nhau. Điều đó có ích cho vợ chồng bạn hơn rất nhiều so với chuyện… chạy về nhà mình, kể lể và mong tìm “đồng minh” trong cuộc chiến vợ chồng.

4. Không nên để xảy ra “chiến tranh lạnh”

Khi giận chồng, bạn có thể tự dành cho mình một tiếng đồng hồ hoặc một buổi để yên tĩnh suy nghĩ thấu đáo về mọi việc. Thế nhưng, đừng bao giờ để điều này kéo dài quá 2 ngày. Sau tối đa 2 ngày, bạn cần chủ động tìm cách để có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với chồng, thay vì giữ mọi chuyện trong lòng và… im lặng tiếp.

Các chuyên gia tâm lý rất có “kinh nghiệm” về chuyện này. Thực tế, những đôi vợ chồng “chịu” lên tiếng nói ra những điều mình không vừa ý với người kia khi vợ chồng giận nhau lại rất dễ làm hòa. Trong khi đó, những đôi vợ chồng cứ giữ chặt mọi thứ trong lòng, lạnh lùng đi, lạnh lùng về, im phăng phắt và ra vẻ như người kia “không tồn tại”, giữ chặt mình trong một thế giới riêng (gọi nôm na là “chiến tranh lạnh”) thì khả năng hàn gắn sẽ giảm xuống nhiều.

5. Duy trì bữa cơm nhà

Bữa cơm nhà thấy đơn giản vậy mà cực kỳ quan trọng. Việc duy trì bữa cơm nhà nằm trong kỹ năng hàn gắn, bởi lẽ nó không chỉ là chuyện… ăn. Khi một người phụ nữ còn duy trì bữa cơm nhà thì điều đó giống như một thiện ý, rằng vợ chồng có giận hờn, cãi nhau đến thế nào chăng nữa, nhưng trong lòng họ vẫn luôn quan tâm đến gia đình, luôn mong muốn sự sum vầy.

Bạn cần duy trì bữa cơm kể cả khi chồng… không ăn cơm. Đến bữa, cứ kiên trì dọn lên. Nó giống như tín hiệu để hàn gắn và cũng là một cơ hội bạn tạo ra cho chồng. Nhiều khi chỉ cần chồng chịu ngồi xuống cùng ăn cơm. Vợ gắp cho một miếng thịt bỏ vào chén chồng cũng đủ thành cử chỉ làm hòa.

Ngược lại, khi bạn bỏ bữa cơm nhà, chồng đi ăn ngoài phần chồng, vợ đi ăn ngoài phần vợ thì cơ hội hòa giải vợ chồng sẽ giảm đi. Thêm một thời gian, vợ chồng có thể sẽ tan rã chỉ vì chồng hiểu “tín hiệu” không nấu cơm nữa của vợ giống như… chẳng còn tha thiết quan tâm gì, và cũng chẳng còn muốn níu giữ làm gì.

6. Không “dọa” ly hôn, nếu như bạn không thật sự muốn vậy!

Khi giận, bạn có thể có những hành động quá khích. Tuy nhiên, có một hành động nên cố gắng tránh, đó là… dọa ly hôn. Nhiều người biết mình còn thương gia đình, còn muốn sự sum vầy, nhưng cứ nóng lên là viết đơn ly hôn, mở miệng bảo: “Không sống được với nhau thì ly hôn đi!”. Bạn cần biết rằng đó là một trong những câu nói có thể làm tổn thương người bạn đời của mình nhiều nhất. Và nếu bạn nói rồi lại hòa, hòa rồi lại nói…, chỉ cần vài chục lần bạn bảo “ly hôn đi” như thế thì sự tôn trọng của người bạn đời với cuộc sống hôn nhân sẽ theo đó giảm đi. Chai dần với những lần dọa của bạn, một lúc nào đó nước tràn ly, người kia sẽ chịu… ly hôn thật, vì cho rằng bạn chẳng hề quý trọng cuộc sống gia đình. Đến lúc đó, có thể chính bạn là người phải ngỡ ngàng và đau khổ đấy.

Hãy nhớ, chỉ nhắc đến từ ly hôn khi thật sự bạn đã tỉnh táo và suy nghĩ chín chắn nhiều ngày, thật sự cảm thấy không thể tiếp tục, duy trì. Và từ ly hôn cần được nói ra một cách nghiêm túc, thận trọng, như quyết định của bạn, chứ không phải như một câu dọa hay câu cửa miệng lúc giận nhau.

7. Hãy… tha thứ!

Điều này rất quan trọng. Nó giống như điểm mấu chốt trong kỹ năng hàn gắn với nhau. Nên nhớ rằng, vợ chồng là một mối quan hệ thiêng liêng, gắn kết hai con người không cùng huyết thống lại làm một. Mối quan hệ ấy không giống như những mối quan hệ “ngoài đời” mà bạn cần phải giành lấy phần thắng.

Không có thắng thua trong hôn nhân. Khi một cuộc hôn nhân đổ vỡ thì bạn là người thua, cho dù bạn đã “thắng” chồng đi nữa. Để giữ được một cuộc hôn nhân bền vững, vượt qua sóng gió, có khi ta phải biết dẹp đi lòng tự ái, có khi ta phải thêm rất nhiều sự tha thứ và khoan dung.

Ai cũng có lỗi lầm. Nhưng nếu người phạm lỗi lầm là người bạn đời của mình, đừng khoét sâu thêm lỗi lầm ấy nữa! Nếu bạn muốn kết thúc, hãy kết thúc. Nếu bạn không muốn kết thúc, hãy học cách tha thứ và quên đi. Khi bạn đi hết một chặng đường đời, vào ngày cuối cùng được ở bên người bạn đời của mình và nắm tay nhau, bạn sẽ nhận ra mọi lỗi lầm xưa chỉ là vô nghĩa!

 

Theo: mevacon.com.vn