Trong chuyên ngành Gây mê Hồi sức, gây tê tuỷ sống là kỹ thuật thường được cáp dụng nhiều để vô cảm cho các phẫu thuật từ vùng bụng dưới đến bàn chân của người bệnh. Đây cũng là phương pháp vô cảm hàng đầu được ưu tiên lựa chọn trong phẫu thuật lấy thai ở phụ nữ  khỏe mạnh mang thai.

Gây tê tủy sống trong phẫu thuật lấy thai

Phương pháp này được ưu tiên lựa chọn trong phẫu thuật lấy thai vì kỹ thuật thực hiện không khó, thời gian khởi phát tác dụng giảm đau nhanh, chất lượng tốt, đảm bảo cho phẫu thuật. Hơn thế, khi gây tê tủy sống, thuốc gây tê không làm ảnh hưởng xấu đến thai nhi và sau mổ còn tác dụng của thuốc tê, nên sản phụ không đau trong một thời gian mà không cần phải sử dụng thêm thuốc giảm đau như các trường hợp gây mê toàn thân.

Về kỹ thuật gây tê tủy sống, bác sĩ dùng cây kim rất nhỏ, đâm qua da và xuyên qua các dây chằng vào ống tủy sống, sau đó bơm thuốc tê qua cây kim này vào trong dịch não tuỷ, thuốc tê sẽ ức chế có hồi phục dẫn truyền của các rễ thần kinh, các rễ thần kinh này không được bao bọc bởi lớp vỏ ngoài thần kinh và tiếp xúc trực tiếp với thuốc tê trong dịch não tuỷ, kết quả là người bệnh sẽ tê và hết đau nhanh vùng phẫu thuật.

Hình ảnh gây tê tủy sống cho phẫu thuật lấy thai

Phụ nữ mang thai thường đau lưng và nỗi oan đau lưng do gây tê tủy sống

Khi có thai, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ, các cơn đau lưng sẽ rõ ràng hơn bao giờ hết, bởi hàm lượng hormon trong cơ thể thay đổi khiến các khớp xương trở nên lỏng lẻo. Thai nhi phát triển, khiến phần xương cột sống phải chịu đựng sức nặng, sức ép của cơ thể, gây ra tình trạng đau lưng. Đau lưng khi mang thai cũng là nguyên nhân làm thoái hóa cột sống sau này. Có hai kiểu đau lưng ở người phụ nữ mang thai.

• Đau lưng ở các đốt xương sống ngang thắt lưng, ở phần lưng dưới.

• Đau vùng chậu, tức là vùng đệm ở mặt sau xương chậu.

Cột sống của người phụ nữ mang thai sẽ thay đổi dần theo tiến trình phát triển của thai nhi, các khớp đốt sống nhất là vùng thắt lưng cùng với các dây chằng cột sống giãn theo tư thế khi thai nhi lớn dần lên. Để giữ cho cơ thể khỏi ngã về phía trước, người phụ nữ mang thai phải cố gắng gồng và vươn người về phía sau để giữ cơ thể thăng bằng.

Ngoài ra còn một số nhân tố khác cũng dẫn tới đau lưng khi người phụ nữ mang thai như:

• Tử cung lớn lên sẽ chèn ép thần kinh, mạch máu ở phần lưng.

• Khi người phụ nữ mang thai đi, đứng và ngồi sai tư thế.

• Tình trạng căng thẳng tinh thần làm co cơ, gây ra đau lưng.

• Do thay đổi nồng độ những nội tiết tố trong cơ thể khi mang thai, estrogen và progesterone tăng cao làm các khớp và dây chằng lỏng lẻo dẫn tới đau cột sống lưng.

Sau khi phẫu thuật lấy thai, cột sống của bà mẹ sẽ từ từ trở lại chiều cong sinh lý như ban đầu, đồng thời các dây chằng giãn căng trong thời kỳ mang thai sẽ chùng lại, vì thế các đốt sống sẽ kém vững. Ngoài ra, sau phẫu thuật do đau vết mổ, làm người bệnh hạn chế vận động và nằm sai tư thế khi ngủ cũng gây ra đau lưng. Hơn nữa do tâm lý lo sợ có cảm giác đau, đồng thời có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên họ dễ bị ám ảnh sau các thủ thuật và phẫu thuật. Tất cả những diễn biến đau lưng trong giai đoạn sinh đẻ ở hầu hết các bà mẹ sẽ giảm dần dần và hết hẳn trong thời kỳ hậu sản, cho đến khi người mẹ vận động sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên có một số trường hợp đau lưng kéo dài sau mổ là do người bệnh đã có đau lưng trước mổ và/hoặc trong thời kỳ mang thai đồng thời sau mổ sinh hoạt thể chất và tinh thần chưa hợp lý là các yếu tố nguy cơ dẫn đến thoái hóa cột sống sớm.

Sau gây tê tủy sống, người bệnh có đau lưng hay không?

Chắc chắn là có vì kim đâm vào cơ thể thịt, da mình ai mà không đau, mức độ cảm nhận đau là hoàn toàn khác nhau tùy theo mỗi cá thể.

Chúng ta hình dung như người phụ nữ khi khâu vá quần áo không may bị kim khâu đâm vào tay gây chảy máu và đau trong giây lát, đau nhẹ kéo dài một thời gian rất ngắn, đó là kim khâu vá quần áo có kích thước lớn hơn nhiều so với kim gây tê tủy sống.

Nhưng đau lưng sau gây tê tủy sống tại chỗ đâm kim là không đáng kể, có người chẳng có cảm giác đau chút nào. Bởi vì kích thước cây kim gây tê tủy sống rất nhỏ (có thể chỉ lớn hơn sợi tóc mà thôi), khi đâm nhanh qua da thì hầu như người bệnh ít có cảm giác đau do tổn thương mô quá ít, nhất là các sản phụ, vì đang có cơn đau do gò dạ con, hay người bệnh đang đau do gãy xương thì không có cảm giác đâm kim qua da vùng lưng khi bác sĩ thực hiện kỹ thuật. Sau phẫu thuật, khi hết tác dụng của thuốc tê trong tủy sống, vết kim đâm khi gây tê hầu như cũng không đau, nếu có chỉ là cảm giác tức nhẹ (tùy theo mỗi cá thể) và sẽ nhanh chóng lành theo cơ chế phục hồi tự nhiên của cơ thể trong những ngày đầu. Cây kim gây tê tủy sống rất nhỏ, làm tổn thương mô rất ít, vì thế mức độ đau cũng rất ít và hết nhanh sau mổ một thời gian rất ngắn, người bệnh không có cảm giác đau tại chỗ đâm kim khi gây tê tủy sống và càng không có triệu chứng đau kéo dài sau mổ.

Theo khoe24h