Những câu chuyện truyền tai khá phổ biến trong cuộc sống. Đại để người này có người thân uống bài thuốc A hết bệnh liền nói cho người khác áp dụng. Nhưng trong thời đại số hiện nay, y học truyền miệng còn được nâng cấp lên thành… y học truyền qua internet.

Từ truyền khẩu đến truyền mạng

Một điều dưỡng trong khoa có người chú bị ung thư gan. Cô kể ông nghe nói có người bị ung thư gan như ông mà ăn gạo lứt muối mè hết bệnh nên bây giờ ông không chịu ăn gì cả ngoài gạo lứt muối mè.

Một tháng sau, gặp tôi, cô ấy khoe: “Không biết do tâm lý hay tác dụng thiệt của chuyện ăn gạo lứt muối mè mà chú tôi nói trong người khoẻ lắm”. Bẵng một thời gian, tôi hỏi thăm: “Chú chị sao rồi?” Cô ấy buồn bã nói: “Mất rồi. Lúc gần mất, chú ốm lắm và mấy ngày sau chú đi luôn. Từ lúc phát bệnh đến khi mất chưa được… sáu tháng!”

Người quen của tôi có đứa em bị u phổi, lên mạng tìm kiếm thấy có người chỉ cho uống bài thuốc X, mừng như “bắt được vàng” và áp dụng. Bữa nọ nghe người này nói về quê dự đám tang em, tôi hỏi: “Sao bữa trước nghe nói uống bài thuốc đó đỡ lắm mà?” “Chỉ được 1 – 2 tháng, sau đó khám lại bác sĩ là u di căn nhiều nơi”, người này trả lời.

Xem ra thời nay y học truyền qua internet phổ biến hơn y học truyền miệng nhiều. Lên mạng, chỉ cần gõ vài từ khoá là người ta có thể tìm được khá dễ dàng những bài thuốc cây cỏ chữa ung thư, viêm gan siêu vi, tiểu đường, đau nhức khớp… Nhưng cũng lạ, cứ nói ông A hay bà B được chữa khỏi bởi cây này thuốc kia, nhưng bệnh viện hay bác sĩ nào chứng nhận chữa khỏi thì chẳng ai biết. Còn lạ hơn, lúc tốt người ta dễ dàng truyền tai nhau, còn lúc người bệnh xấu đi hay tử vong chẳng ai lan truyền tin tức đó!

Và cũng phải lưu ý, đa phần y học truyền miệng chẳng được chứng nhận bởi bất kỳ thầy thuốc cụ thể nào. Ngay cả khi có địa chỉ rõ ràng, những thông tin này có thể là giả mạo. Cách đây vài năm, không ít người xôn xao về tài liệu “thực phẩm kỵ nhau gây chết người” được phát tán bằng giấy hoặc qua mạng, dẫn nguồn của trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai và viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Tài liệu gây lo lắng cho nhiều người vì những thực phẩm tương kỵ nhau khá phổ biến như mật ong dùng với sữa đậu nành hoặc trứng ngỗng nấu với tỏi gây chết người, còn cà chua nấu chung khoai tây hoặc gan xào với giá có thể gây ung thư. Nhưng sau khi kiểm tra, người ta mới biết không có cơ sở y tế nào phát hành tài liệu này và các thông tin tương kỵ là tào lao chứ không có cơ sở khoa học.

Y học phải dựa trên bằng chứng

Khác với y học truyền miệng hoặc qua internet, bất kỳ một loại thuốc hoặc phương pháp điều trị nào của y học chính thống cũng phải dựa trên bằng chứng.

Những bằng chứng này thường có được thông qua những nghiên cứu khoa học với nhiều quá trình khác nhau, từ phòng thí nghiệm đến loài vật rồi mới đến con người. Người ta còn nghiên cứu sự phối hợp của thuốc này với những thuốc khác có cho hiệu quả tốt hơn hay không. Mọi thứ phải có bằng chứng hẳn hoi.

Thời gian nghiên cứu một loại thuốc có thể kéo dài hàng chục năm với chi phí lên đến hàng trăm triệu hoặc cả tỉ đôla, nhưng sau khi tung ra thị trường một thời gian nó vẫn có thể bị thu hồi vì tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc tăng nguy cơ tử vong.

Điều này cho thấy dù được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng một loại thuốc vẫn có thể gây hậu quả nghiêm trọng, huống chi một bài thuốc truyền miệng chưa có bằng chứng khoa học nào lại được áp dụng quá đơn giản cho nhiều người, như thế nguy cơ trên sức khoẻ là rất lớn.

Thật ra trong y học hiện đại, cũng có các bài báo cáo ca bệnh (case report), ghi nhận những trường hợp bệnh đặc biệt, nhưng tất cả trường hợp này đều phải có hồ sơ bệnh án để ai yêu cầu cung cấp hồ sơ gốc tác giả bài báo phải cung cấp đầy đủ thông tin. Tuy nhiên những bài báo dạng này có mức độ chứng cứ khá thấp.

Trong khi đó, với y học truyền miệng, thông tin được đồn thổi rất dễ dàng mà không có chứng cứ nào. Nhiều người áp dụng các bài thuốc này miệt mài cho đến lúc tình hình xấu đi mới trở lại bác sĩ thì đã suy gan, suy thận. Người bệnh chưa chết vì bệnh chính mà đã chết vì tác dụng phụ của… bài thuốc truyền miệng!

Theo ThS.BS Bùi Thị Hạnh Duyên/ Thế Giới Tiếp Thị