Sau Rằm, các loại bánh Trung thu truyền thống được xả hàng với giá rẻ, thu hút khách hàng tìm mua.

Ồ ạt thanh lý bánh Trung thu giá rẻ, nơi gom hàng chờ lấy lãi

Sau mỗi mùa Trung thu, thị trường thanh lý bánh lại trở nên nhộn nhịp, náo nhiệt. Không chỉ bởi người bán muốn “đẩy” hàng tồn đi nhanh mà còn vì người mua đợi đến thời điểm xả hàng để mua hàng giá rẻ.

Hàng loạt gian hàng trên Facebook, Zalo liên tục đăng tin bánh Trung thu thanh lý, với rất nhiều mức báo giá khác nhau cho các dòng bánh truyền thống thâp cẩm, bánh dẻo đậu xanh hay với đủ thương hiệu từ tiếng tăm đến bánh nhà làm handmade.

Trong đó, giá đổ sỉ của bánh Trung thu truyền thống dao động từ 11.000 – 13.000 đồng/chiếc, bánh handmade là từ 15.000 đồng/chiếc. Số ít bánh Trung thu hàng công ty có giá từ 40.000 đồng/chiếc. So với giá bán cách đây vài ngày – khi đang trong chính vụ Rằm tháng 8, giá bánh giảm từ 1/3- 2/3. Chúng được quảng cáo vẫn còn hạn dùng đến tháng 11/2020.

Xếp hàng chờ mua bánh Trung thu truyền thống thanh lý 14.000 đồng/chiếc - Ảnh 1.

Dân buôn ồ ạt thanh lý bánh Trung thu giá rẻ sau Rằm.

Xếp hàng chờ mua bánh Trung thu truyền thống thanh lý 14.000 đồng/chiếc - Ảnh 2.

Giá bánh Trung thu dao động từ 11.000 – 60.000 đồng/chiếc.

Xếp hàng chờ mua bánh Trung thu truyền thống thanh lý 14.000 đồng/chiếc - Ảnh 3.

Có nơi lại gom đơn hàng sau Rằm.

“Năm nay, do dịch Covid-19 nên công ty thay đổi chính sách, bánh không trả lại được. Gian hàng tôi thuê bán bánh cũng đã nghỉ vì hết hợp đồng thuê, còn gần 100 chiếc với 6 mã bánh khác nhau, tôi đành lên chợ mạng rao bán với mức chiết khấu 25%, bán đúng giá gốc để thu hồi vốn”, Thanh Tâm, một đại lý bán lẻ bánh Trung thu ở Hà Nội chia sẻ.

Không riêng gì Tâm, nhiều gian hàng chợ mạng đều báo còn từ 300 – 500 bánh, đủ để khách có thể tự do lựa vị bánh. Có nơi chiều khách mua từ 4-5 bánh trở lên sẽ miễn phí vận chuyển.

Trong khi nhiều người đang tìm cách xả hàng, thì có không ít tiểu thương lại tranh thủ gom hàng từ các thương hiệu nổi tiếng để bán lại lấy lãi. Giá của các loại bánh dao động từ 14.000 – 60.000 đồng/chiếc (tùy trọng lượng, thương hiệu).

“Khách hàng bây giờ rất thông thái và cẩn thận, nếu không phải là thương hiệu bánh Trung thu truyền thống có tiếng và có hạn sử dụng thì không mua. Vì thế, tôi không bán hàng handmade hay bánh công ty mà lấy các loại bánh Truyền thống nổi tiếng của các vùng như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và Hà Nội.

Sau Rằm, nguồn hàng dồi dào và về nhanh hơn, tuy rằng bán lại ở thời điểm này giá không cao bằng chính vụ, nhưng nguồn hàng rất ổn định, thu lãi tiền triệu 1 ngày”, Thu Trang, một đầu mối bán bánh Trung thu tại Hoài Đức, Hà Nội tâm sự.

Do nguồn khách vẫn dồi dào, nhiều tiểu thương “khoe khéo” trên Facebook tạm đóng nhận đơn hàng thanh lý, khách muốn đặt hàng mua sỉ bánh Trung thu thanh lý phải “xếp hàng” 2 ngày tiếp theo.

Xếp hàng chờ mua bánh Trung thu truyền thống thanh lý 14.000 đồng/chiếc - Ảnh 4.

“Ôm” bánh Trung thu bán sau Rằm.

Cẩn trọng hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc

Mặc dù đây là thời điểm tốt để mua bánh Trung thu giá rẻ, nhưng thời gian qua, hàng loạt vụ phát hiện bánh không rõ nguồn gốc cũng là lời nhắc nhở để người tiêu dùng thận trọng khi mua bánh thanh lý.

Đơn cử, hồi tháng 8/2020, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) phát hiện cơ sở trên đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy đang kinh doanh bánh Trung thu, bánh chuối, bánh pho mai… do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tổng số lượng kiểm đếm ban đầu hơn 8.000 sản phẩm bánh các loại.

Chủ hàng đã khai nhận số hàng hóa trên được thu gom, mua trôi nổi trên thị trường tại khu vực cửa khẩu phía Bắc, sau đó tập kết tại địa chỉ nêu trên để bán cho các “mối buôn” tại Hà Nội và các tỉnh kiếm lời.

Trước đó, cũng từng có tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” khi người tiêu dùng mua phải bánh đã thay đổi nhãn mác, bánh nhái thương hiệu nổi tiếng nhưng hương vị hoàn toàn khác. Nhiều vị khách cho hay, thay vì qua kênh trung gian gom bánh Trung thu trên mạng, họ tự đặt bánh tại cơ sở chính để tránh hàng giả, hàng nhái.

“Sau Rằm, một số thương hiệu sẽ mở lại kênh bán hàng online, chuyển tận nơi cho khách vì không còn quá tải đơn hàng như chính vụ. Thậm chí, có thương hiệu làm bánh quanh năm để lựa chọn”, chị Thanh Hằng, trú tại Vũ Trọng Phụng chia sẻ.

 

Theo cafeF