VinaPhone đã tham gia thị trường OTT với ứng dụng VietTalk. Ảnh minh họa: Vân Ly.

Trước đây, thị trường mới có hai sản phẩm OTT lớn và có nhiều người dùng do Việt Nam sản xuất là Zalo của VNG và Btalk của Bkav. Cũng như các ứng dụng OTT khác, VietTalk có thể cài để sử dụng cho mọi thuê bao di động, không chỉ thuê bao VinaPhone.

Sự khác biệt của VietTalk so với các ứng dụng OTT đang được cung cấp trên thị trường là ứng dụng mới này được cung cấp có thu phí dịch vụ, trong khi các ứng dụng khác được miễn phí dịch vụ (chỉ tính phí khi gọi ra những thuê bao không cài ứng dụng như với dịch vụ của Viber) nhưng lại phải trả phí 3G hoặc GPRS.

Trong khi đó, với các thuê bao VinaPhone sử dụng VietTalk, người dùng lại được miễn cước 3G/GPRS khi gọi điện và nhắn tin giữa những người cài ứng dụng này. Đây là ứng dụng đầu tiên trên thị trường OTT Việt miễn cước 3G/GPRS khi gọi điện và nhắn tin trong cộng đồng người dùng VietTalk.

Người dùng VietTalk khi nhắn tin tới thuê bao VinaPhone không cài ứng dụng này phải trả cước tin nhắn 120đồng/tin và 300đồng/tin tới thuê bao mạng khác. Người dùng VietTalk khi có nhu cầu nhắn tin từ ứng dụng tới các thuê bao VinaPhone không cài ứng dụng (không giới hạn số lượng tin nhắn trong ngày) phải trả phí 2.000đồng/ngày.

Người cài VietTalk khi gọi điện trong ứng dụng không mất phí. Nhưng khi gọi từ ứng dụng này đến các thuê bao mạng VinaPhone không cài ứng dụng phải trả phí 720đồng/phút, gọi sang các thuê bao ngoài mạng VinaPhone phải trả 800đồng/phút.

Các thuê bao chấp nhận trả cước nhắn tin miễn phí trong nội bộ những người cài ứng dụng VietTalk, trả tiền 2000 đồng/ngày sẽ được miễn phí 10 phút gọi điện đến số điện thoại di động sử dụng mạng VinaPhone, cuộc gọi sẽ được tính tiền từ phút thứ 11 trở đi.

Như vậy, với hai gói cước được cung cấp kèm theo ứng dụng VinaPhone cho phép VietTalk hoạt động giống như một SIM ảo.
Về cơ bản, các tính năng của VietTalk tương tự như các phần mềm OTT như: gọi điện, nhắn tin thường và tin nhắn thoại, tin nhắn hình ảnh, trò chuyện theo nhóm… và người dùng cũng có thể tải phần mềm để sử dụng từ các kho ứng dụng.

Cũng với người sử dụng thuê bao VinaPhone, khi nhắn tin qua ứng dụng này, nếu người nhận không còn kết nối internet, ứng dụng sẽ chuyển qua thành dạng tin nhắn thường – giống tính năng iMessage của điện thoại iPhone.

Sau khi VinaPhone trở thành nhà mạng đầu tiên cung cấp ứng dụng OTT tự phát triển, các chuyên gia dự báo sắp tới có thêm những nhà mạng khác đưa các ứng dụng OTT ra thị trường. Trước đây, MobiFone đã từng cho biết đang phát triển một ứng dụng OTT. Còn Viettel thì cho hay nếu nhà mạng này muốn phát triển OTT thì không có gì khó khăn và không mất nhiều thời gian vì đang sở hữu hơn 1.000 nhân sự làm về mảng phần mềm.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn online