Bất cứ cha mẹ nào khi xây nhà đều nghĩ đến (viễn) cảnh con cái sum vầy đông vui. Thậm chí, có ông bà còn tính nhà rộng rãi để khi đám giỗ con cháu có chỗ tề tựu, náo nức muốn về; nhà bất tiện, chật chội lắm khi ngại về. Hai con, thành bốn rồi thành tám… Thế nhưng, có thể do con cái không muốn sống chung với cha mẹ, cũng có thể vì công việc làm ăn; vả lại, cảnh tứ đại đồng đường xem ra không còn phù hợp với ngày nay vì đa phần ai cũng thích tự do, không chỉ con cái mà cả cha mẹ. Nhiều cha mẹ già sống với con, “mặc cảm” mang tiếng ở nhờ, đâm ra bức bối. Con cái ở với cha mẹ, hợp thì không nói gì, dâu hay rể khác tính ắt sẽ có xung đột khiến việc ra riêng là cần thiết.

Trong một bài phát biểu, một chính khách với biết bao việc phải lo nghĩ như Tổng thống Mỹ Obama cho biết ông lo đến ngày mà cô con gái mười sáu tuổi (chưa học xong trung học) rời nhà đi học xa, dẫu ông còn một cô con gái nhỏ ở nhà. Nhưng ông Obama nói rằng, nghĩ đến việc con gái rời nhà đi học đại học khiến ông có thể một ngày mấy lần rơi nước mắt. “Tôi bắt đầu nghẹn ngào giữa lúc này và không thể giải thích vì sao lại buồn như vậy. Các con đang rời bỏ tôi”, ông Obama nói trước một đám đông tại một bữa sáng cầu nguyện và người ta nghe ông lạc giọng.

Như vậy, điều lo ngại “tổ trống trải” là có thật, với bất cứ ai khi con cái bắt đầu tuổi mười tám.

DN614_GD030715_To-trong-trai

 

Bà mẹ than thở, cứ đến chiều thứ Bảy là nhớ con đến… cháy lòng. Là bởi, những buổi chiều cuối tuần, cô con gái lớn có nhiệm vụ lau cầu thang. Cô lau bằng cây lau nhà, xuống từng bậc cầu thang cái cây lại chạm vào khung sắt vang lên tiếng kêu lạch cạch. Ngồi làm việc trong phòng hay nấu ăn dưới bếp, bà luôn cảm thấy những tiếng động này khiến bà an tâm là con vẫn ở bên mình. Hay những buổi chiều cậu con trai đi học về dắt xe đạp vào nhà là huýt sáo ầm ĩ. Âm thanh gợi nhớ, thành kỷ niệm là vì thế.

Tiếng dép của mẹ dưới nhà dù nhẹ nhàng đến mấy, đứa con nằm dài lười biếng trong phòng cũng cảm được. Và đôi khi chỉ vì nhớ tiếng dép, tiếng chổi ngoài sân của mẹ, tiếng lạch cạch máy vi tính của cha, tiếng con chó sủa ngoài cổng mà đứa con đi xa bỗng mềm lòng muốn ngay tức khắc trở về mái nhà xưa. Chẳng để làm gì, chỉ cần thấy cha ngồi bên hiên, mẹ cho lũ gà ăn thóc hay ngồi bên bếp lửa là thấy an lòng, thấy cuộc sống còn nhiều thứ để phấn đấu và cố gắng.

Cho dù bánh xe cuộc sống cuốn con người vào các sự kiện, đối mặt với cơm, áo, gạo, tiền… hằng ngày, nhưng trong mỗi con người luôn hiện diện những nỗi buồn, lo lắng, hoài niệm, dù chỉ một chút hay thoáng qua. Cha mẹ ngồi trong tổ trống trải nhớ về những ngày cả nhà đông đủ, tiếng cười nói giòn tan. Đứa con dù thành đạt hay lận đận, một buổi chiều thứ Bảy bỗng dưng nhớ đến cái tổ ấm đầy đủ ngày xưa. Nơi đó có lúc giận mẹ, giận cha, muốn thoát đi càng nhanh càng tốt… Ở lại một ngày nào là bế tắc ngày đó, chẳng hạn.

Vậy thì làm gì khi tổ chưa đến lúc trống trải? Nói lời yêu thương, tránh tối đa việc giận hờn, chở con đi chơi, chỉ cho con học hành, dắt con đi tập bơi, làm cho con món thủ công… Bởi, nhanh lắm, chưa kịp làm gì cho con thì con đã đến tuổi mười tám rồi. Con chim phải bay bởi nó cần khám phá chân trời bao la phía trước với bao háo hức, có thể thành công, có thể thất bại. Những âm thanh chỉ còn là nỗi nhớ, là kỷ niệm, là quá khứ.

Tổ chưa trống mà đã thành trống trải quả không có nỗi buồn nào hơn!

Kim Duy (DNSGCT)