Kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu bạn đọc về chuyện dạo chơi trên hồ Inle, Myanmar. Trong bài viết kế tiếp này, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu những điểm tham quan rất thú vị khác quanh khu vực hồ này. 

Hầu như du khách nào đến hồ Inle đều dành thời gian ghé thăm làng nghề truyền thống nơi đây. Những độc đáo của làng nghề khiến tôi có những trầm trồ ngạc nhiên và liên tục đưa vào ống kính để lưu lại. Trong đó có chút hoài nhớ quê nhà vì có những cảnh khá tương đồng.

Độc đáo  làng làm nghề truyền thống

Có một cái làng ven hồ mà ở đây người ta gọi là làng dệt “Lotus”, tức là dệt bằng sen. Đây là điểm độc đáo nhất của làng này. Người dân không dệt vải bằng sợi tơ tằm hay sợi bông, mà họ sử dụng sợi được lấy một cách rất kỳ công từ những ngó sen. Tỷ mẩn và kiên nhẫn, họ rút những sợi tơ từ ngó sen, xe thành sợi để dệt nên những tấm vải sắc màu và kiểu dáng độc đáo. Đây có lẽ là nguyên liệu dùng để dệt vải độc nhất vô nhị trên thế giới.

Theo người dân ở đây cho biết, phải mất 8.000 cọng sen mới dệt ra được một tấm vải có chiều ngang 0,6m, chiều dài 2m. Tất cả các công đoạn đều làm bằng tay. Cho nên giá thành nó rất mắc. Trước sức hấp dẫn của mặt hàng “độc” này, nhiều du khách đã không tiếc tiền mua một tấm khăn trải bàn nhỏ được dệt từ tơ sen với giá hàng trăm USD về làm kỷ niệm. Còn tôi, vì túi tiền hạn hẹp, thôi đành chụp lấy chụp để những tấm vải này để lưu lại kỷ niệm.

Nếu như làng dệt sen khiến quý bà quý cô mê mẩn thì có lẽ làng nghề cuốn thuốc lá theo kiểu cổ truyền thu hút quý ông hơn. Khách có thể thử những điếu thuốc dài được quấn bằng thứ lá mọc tự nhiên trên núi cao tẩm hương vị quế, cam thảo hoặc mật ong. Thuốc lá quấn bằng lá trầu, ở trong cây thuốc lá thì có hoa hồng, dứa,… sấy khô. Hút vào có vị ngọt. 1 hộp 20 điếu giá khoảng 3500kyats. (Tỉ giá 1 đồng kyat Myanmar tương đương  17.55 VND).

Theo thông tin từ bạn hướng dẫn cho biết, lá của thuốc là những chiếc lá Tha – nut Pet, lá từ cây Sebesten mà tên khoa học là Cordia dichotoma được mang về từ vùng núi Shan. Những chiếc lá sạch thơm được ép mềm và làm phẳng dưới những túi cát nóng. Cherot Myanmar có thể coi là một vật quý của người Miến. Nó không chứa nhiều nicotin như thuốc lá, giá thành lại rẻ, vị rất riêng.

Cherot cũng được đồn đại như liều thuốc để những người khai hoang xa xưa ở Myanmar chống chọi lại với bệnh tật, khí hậu khắc nghiệt, những cơn sốt rét. Trong những ghi chép cũ của những người Châu Âu đầu tiên đặt chân đến Myanmar có rất nhiều những câu chuyện của những người từng ốm yếu và vất vả chống chọi với khí hậu nhưng sau đó đều tìm lại được thần thái của mình nhờ thứ thuốc lá cuốn tuyệt diệu này.

Chiếc lá Tha – nut Pet trông giống như lá Bồ đề. Chiếc lá Tha – nut Pet xanh khi được cuốn với nguyên liệu thuốc, đảm bảo một sự cháy “cùng lúc” là tiên quyết cho mọi điếu thuốc ngon. Thân cây lá được cắt thành từng khúc nhỏ chừng 15cm, sau khi sấy khô đến độ vừa thì người ta bắt đầu công đoạn nghiền. Thân cây thuốc được cắt nhỏ ra nữa, đặt lên những bàn nghiền bằng đá, thanh nghiền được chế với những cạnh sắt. Khi thân thuốc đã được nghiền nhỏ người ta làm mềm đi với nước và chế thêm một số hương vị đặc biệt. Với một bản pastic dẻo được kẹp vào que tre, các cô gái mặt bôi thanakha ngồi làm việc quanh những lá, những mẹt nguyên liệu nhồi. Một tay gạt thuốc lên bản quấn, tay kia thoăn thoắt vê, rồi nhoáng một cái chiếc lá được bỏ vào lúc nào không hay. Một đường vê nữa, chiếc đọt lọc được đút vào. Một cái miết chặt và điếu thuốc Cherot ra đời. Khi chừng được kha khá, các cô dùng một cái hộp bằng gỗ để đo thuốc rồi cắt bỏ phần đọt lọc thừa. Và cắt rất đều.

IMG 4212

IMG 4225

IMG 4249

Phải mất 8.000 cọng sen mới dệt ra được một tấm vải có chiều ngang 0,6m, chiều dài 2m, nên giá thành rất mắc.

IMG 4324

IMG 4347

Những điếu thuốc dài được quấn bằng thứ lá mọc tự nhiên trên núi cao tẩm hương vị quế, cam thảo hoặc mật ong.

Bình yên nên “tu viện ô voan”

Đây là tu viện nổi tiếng nhất vùng này, cách thị trấn chừng 1km về phía Bắc, tu viện cổ Shwe Yaunghwe được xây dựng bằng gỗ với những ô cửa hình ô voan độc đáo. Chính những ô cửa gỗ này đã khiến tu viện cổ luôn được giới săn ảnh tìm đến chụp và giúp nó trở thành điểm đến được quan tâm nhất nhì vùng này.

Tu viện được xây dựng bằng gỗ tếch với những ô cửa hình ovoan độc đáo. Nơi này, nếu ngược dòng thời gian trở về những ngày tháng hoàng tử xứ Shan – Sao Pha – còn trị vì, có lẽ đã là một công trình kiến trúc nổi bật. Bây giờ, Shwe Yaunghwe Kyaung chỉ còn lại những thớ gỗ đã bạc màu sơn, những mái tôn rỉ sét đã loang lổ đốm dột, những cây cột đã nổi rêu phong. Bên cạnh kiến trúc đặc biệt rất riêng, Shwe Yaunghwe còn thu hút tôi với những khung cảnh thường nhật nơi này. Đó là cảnh học hành sinh hoạt của những người xuất gia nhỏ tuổi. Những “nhà sư trẻ con” này bạn có thể gặp bất cứ khi nào đến đây. Có lẽ đã quen với các ánh mắt tò mò của du khách nên họ không bận tâm  lắm, cứ mải miết vào chuyện họ của mình. Những mái đầu trẻ thơ chốn tu hành ngồi bên ô cửa ô voan học bài trong nắng xiên buổi sang. Những mái đầu chăm chú trước các cuốn kinh thánh tâm tụng niệm cùng sư phụ. Mỗi người một kiểu ngồi học, trông ai cũng có vẻ ngây thơ và hồn nhiên trong sáng, thậm chí láu lỉnh.

IMG 5284

Tu viện cổ Shwe Yaunghwe được xây dựng bằng gỗ với những ô cửa hình ô voan độc đáo.

Có người học xong ngủ gục, nằm ngủ ngon lành trên sàn gỗ kê đầu trên những cuốn vở. Có người vừa học vừa nhìn mấy con mèo bàn tán. Bên ngoài hiên tu viện, không ít vị sư nhí đang chuyện vãn, kẻ đứng người ngồi, kẻ nằm cuộn trong tấm áo cà sa như thể đang chìm giấc điệp. Có người lấy gậy trêu trêu nhứ nhứ mấy con mèo. Bên trong tiếng tụng kinh vẫn ê a. Khung cảnh thật bình yên. Nắng bên hồ Inle vẫn trải nhẹ nhàng cho buổi sáng, để những vòng bánh xe đạp rời tu viện của tôi nghe chừng chậm hơn vì chẳng muốn rời.

Theo Tạp chí Thời Trang Trẻ