Bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa, mỗi tuần bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 70 bệnh nhân, trong đó 10% là các ca có biến chứng nặng.

Trường hợp bé chỉ bị sốt xuất huyết ở thể nhẹ và trung bình, kèm theo triệu chứng sốt cao, đau đầu ở vùng trán hoặc có thể nổi mẩn, phát ban… bác sĩ sẽ cho bé theo dõi và chăm sóc tại nhà.

Ảnh minh họa

Chăm sóc bé tại nhà

Khi trẻ bị sốt khoảng 38,5-39ºC, mẹ chỉ cần cho con uống thuốc hạ sốt paracetamol loại đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng, cách khoảng 4-6 giờ lại cho bé uống một lần. Đồng thời, mẹ nên lau mát cho con bằng nước ấm để phòng xảy ra các biến chứng do sốt cao như co giật.

Bổ sung nước cho trẻ bằng các loại nước uống như nước lọc, nước sôi để nguội, nước cam, nước chanh, nước dừa tươi… Mẹ cũng có thể bù nước cho trẻ bị sốt xuất huyết bằng cách uống dung dịch oresol.

Nên cho trẻ ăn nhiều thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa. (Ảnh minh họa)

Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo dinh dưỡng, súp rau củ, sữa… kết hợp với chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời mẹ nhớ cho bé tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Bố mẹ cần theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của con. Bởi thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết là lúc trẻ hết sốt, tức là ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6. Lúc này bệnh tình của trẻ có thể trở nặng và sốc dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

Một vài lưu ý dành cho mẹ

– Không nên cạo gió hoặc cắt lể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ. Vì hệ miễn dịch của trẻ lúc này đang yếu.

– Không tự ý cho trẻ uống thuốc Aspirine hoặc Ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày.

– Không cho trẻ uống những loại nước có gas như coca, pepsi, xá xị… vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.

– Không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện chữa trị.

Nên cho trẻ nhập viện khi nào?

Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh sốt xuất huyết, trẻ bắt đầu hạ sốt khoảng 37,5-38ºC hoặc thấp hơn. Khi thấy trẻ xuất hiện những dấu hiệu dưới đây, bố mẹ cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.

– Trẻ ói mửa, đau bụng.

– Quấy khóc, tay chân lạnh, tím tái, vã mồ hôi.

– Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu hoặc lúc đi đại tiện phân có màu đen.

Phòng chống sốt xuất huyết

– Các gia đình nên đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, sinh sôi và phát triển nhằm ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết.

– Thả cá vào các lu, chum, vại, bể chứa nước để diệt bọ gậy (lăng quăng), phòng chống sốt xuất huyết.

– Lật úp các dụng cụ chứa nước và loại bỏ các vật liệu phế thải để loại trừ bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết.

– Trang bị mùng (màn) đầy đủ cho phòng ngủ của bé.

– Trồng những loại cây có khả năng xua đuổi muỗi xung quanh nhà như: sả, bạc hà, húng chanh, húng thơm, hương thảo…

Theo mevacon