Khi bị rung nhĩ, nếu không kịp thời phát hiện và xử trí có thể dẫn đến suy tim, đột quỵ và gây nguy hiểm đến tính mạng, nhất là với người trên 60 tuổi.
Rung nhĩ là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ và tử vong phổ biến. Tỷ lệ bệnh tăng dần theo độ tuổi. Căn bệnh này vô cùng nguy hiểm và cần nhận biết, điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Rung nhĩ là gì?
Rung nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim khiến nhịp đập không đều. Kể cả khi nghỉ ngơi thì nhịp tim của người bệnh cũng rất hỗn loạn. Bệnh rung nhĩ thường gặp ở những người cao tuổi, đặc biệt là nhóm người trên 60 tuổi.
Rung nhĩ được chia làm 4 loại bao gồm:
• Rung nhĩ kịch phát
• Rung tâm nhĩ dai dẳng
• Rung nhĩ kéo dài
• Rung nhĩ vĩnh viễn
Ngoài ra, còn có tình trạng rung nhĩ cơn, tức rung nhĩ xuất hiện sau đó tự chấm dứt. Tuy nhiên không nên chủ quan bởi rung nhĩ có thể kéo dài và tiến triển, được xem là rung nhĩ dai dẳng.
Triệu chứng bệnh rung nhĩ
Không phải trường hợp nào bị rung nhĩ cũng có triệu chứng rõ rệt. Nhiều trường hợp bệnh chỉ được phát hiện khi thăm khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, do bệnh rung nhĩ có thể dẫn đến đột quỵ nên nhiều trường hợp chỉ phát hiện bệnh sau khi đã nhập viện điều trị đột quỵ.
Ngoài ra, có thể có một số biểu hiện khác như:
• Hụt hơi, nhịp tim không đều, lệch nhịp
• Thường có cảm giác hồi hộp, đánh trống ở ngực
• Khó thở (đặc biệt khi tập thể dục hoặc vận động)
• Cảm giác lâng lâng chóng mặt
• Dễ đuối sức, cảm thấy yếu trong người, không thể gắng sức
• Cảm thấy đau tức ngực, nặng ngực
Nguyên nhân dẫn đến rung nhĩ
Bệnh rung nhĩ thường ít xảy ra do một nguyên nhân duy nhất mà thường là nhiều nguyên nhân, yếu tố kết hợp với nhau. Các nguyên nhân dẫn đến rung nhĩ thường là:
• Bệnh cơ tim
• Tăng huyết áp
• Từng phẫu thuật tim
• Bệnh tim bẩm sinh
• Suy tim
• Bệnh van tim
• Bệnh mạch vành tim
• Bệnh phổi mạn tính
• Viêm màng ngoài tim
• Cường giáp
• Nhiễm siêu vi
• Ngưng thở khi ngủ
Ngoài những nguyên nhân kể trên, một số yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh rung nhĩ gồm có:
• Do tuổi tác: Người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ cao hơn
• Béo phì: Ở người thừa cân béo phì thì tỷ lệ mắc bệnh rung nhĩ cũng cao hơn bình thường
• Uống rượu: Người nghiện rượu, uống rượu nhiều sẽ có nguy cơ bị rung nhĩ cao
• Tiền sử gia đình: Yếu tố di truyền cũng làm tăng nguy cơ bị rung nhĩ
Cần lưu ý rằng, có những trường hợp rung nhĩ không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Khoảng 10% được chẩn đoán là do căng thẳng, hút thuốc lá, sử dụng rượu, thường xuyên dùng các chất kích thích, rối loạn điện giải, nhiễm trùng,…
Phương pháp chẩn đoán rung nhĩ
Nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ rung nhĩ, tốt nhất nên đến bệnh viện để được kiểm tra. Bác sĩ sẽ thực hiện thăm hỏi về tiền sử bệnh của bạn và người thân trong gia đình, các triệu chứng đang gặp.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm như đo nhật ký điện tim (Holter ECG), điện tâm đồ thường quy (ECG), máy ghi sự kiện nhịp tim,…
Rung nhĩ có nguy hiểm không?
Khi bị rung nhĩ, tâm nhĩ (2 ngăn trên cùng của tim) co bóp rất nhanh, không đều khiến máu ứ đọng trong tâm nhĩ. Điều này khiến hình thành từng cục máu đông trong tim rồi di chuyển theo các mạch máu gây nên tình trạng tắc nghẽn mạch máu não, dẫn đến đột quỵ. Nếu không sử dụng thuốc tan huyết khối để điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong.
Bên cạnh đó, bệnh rung nhĩ cũng khiến tim đập loạn nhịp, đập nhanh cũng khiến cho tim co bóp kém hơn, hiệu quả bơm máu đi nuôi cơ thể cũng giảm đi. Ngoài ra, rung nhĩ kéo dài cũng làm tăng nguy cơ bị suy tim và khiến các bệnh lý tim mạch khác trở nên nghiêm trọng hơn.
Phương pháp điều trị rung nhĩ
Trong trường hợp mắc bệnh rung nhĩ, dù tình trạng bệnh nặng hay nhẹ thì cũng cần thăm khám và tfuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa để tránh các biến chứng nguy hiểm. Theo đó, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng một số loại thuốc kèm với việc thay đổi lối sống, cai nghiện rượu bia,… Ngoài ra, một số trường hợp còn cần thực hiện thủ thuật chuyên biệt để triệt tiêu cơn rung nhĩ.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý kiểm soát tốt cân nặng và các bệnh nền đi kèm như huyết áp cao, đái tháo đường, cường giáp, hội chứng ngưng thở khi ngủ,… để có thể điều trị bệnh được tốt nhất.
Phòng ngừa bệnh rung nhĩ
Bệnh rung nhĩ có thể được phòng ngừa thông qua việc xây dựng một lối sống lành mạnh. Ngoài ra, cũng cần lưu ý một số vấn đề sau đây để hạn chế yếu tố dẫn đến đột quỵ:
• Cố gắng duy trì huyết áp ở mức ổn định
• Thường xuyên thư giãn, kiểm soát căng thẳng
• Hạn chế việc uống rượu bia, đồ uống có cồn và những loại thức uống có chứa caffeine
• Cai thuốc lá, tuyệt đối không uống thuốc lá
• Đi bộ nhanh mỗi ngày 30 phút và cố gắng duy trì vận động, tập thể dục
• Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ và chất béo
• Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ
Bệnh rung nhĩ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và còn làm tăng nguy cơ đột quỵ, tử vong. Vì thế, hãy cố gắng duy trì lối sống khoa học, lành mạnh cũng như thường xuyên thăm khám, chú ý đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ rung nhĩ để phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe tốt nhất bạn nhé!
Theo mevacon