“Mẹ chồng nàng dâu trong phim chưa “có biến”, mẹ chồng nàng dâu bên ngoài đã “cạch mặt” nhau. Dù sao cũng chỉ là phim thôi mà?” – Anh Quý thở dài.

Đã trải qua 5 tập phát sóng, nhưng ở thời điểm này “Sống chung với mẹ chồng” vẫn là bộ phim được khán giả trông ngóng nhiều nhất. Nói về chuyện xem phim, “oái oăm” thay kể từ khi bộ phim được phát sóng không ít các cặp mẹ chồng nàng dâu ngoài đời thực đang yên ấm, bỗng dưng… không thèm nhìn mặt nhau. Lý do chỉ vì… mẹ chồng bênh vực nhân vật mẹ chồng, con dâu bênh vực nhân vật con dâu… trong phim!

Gia đình chị Hằng, kế toán (Q. Bình Thạnh) là một ví dụ. Chị Hằng anh Quý kết hôn được 14 năm. Tuy hai vợ chồng chỉ làm công ăn lương nhưng gia đình khá sung túc và lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Anh chị sống cùng ba mẹ chồng, ông bà về hưu rồi nên từ lúc sinh hai đứa nhỏ, hầu như một tay mẹ chồng chị Hằng chăm bẵm, nuôi nấng.

Ai cũng khen số chị Hằng sướng, phải “tu mười kiếp” mới có bà mẹ chồng nhiệt tình như mẹ anh Quý. Gần mười lăm năm nay, chính chị Hằng cũng nghĩ như vậy.

Dạo gần đây, bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” đang “hot”. Cứ hôm nào có lịch chiếu phim, tám giờ tối mọi người trong nhà lại tập trung đông đủ ngoài phòng khách. Phim hay, không thể phủ nhận. Thế nhưng có một điều khiến anh Quý chồng chị vô cùng bức xúc, đó là:

“Mỗi lần xem phim, dù nhân vật bà mẹ chồng và cô con dâu, ai cũng có cái đúng cái sai nhưng cứ đến đoạn cao trào, nhất là đoạn hai nhân vật cãi nhau thì mẹ và vợ tôi cũng bức xúc không kém. Mẹ thì cho rằng nhân vật con dâu hỗn láo, tỏ thái độ với mẹ chồng như thế là không được. Vợ thì một mực bênh chằm chặp con dâu, chê trách nhân vật mẹ chồng ích kỷ, thô lỗ. Thế là mẹ chồng nàng dâu trong phim chưa “có biến”, mẹ chồng nàng dâu bên ngoài đã “cạch mặt” nhau. Dù sao cũng chỉ là phim thôi mà?” – Anh Quý thở dài.

Một phân đoạn trong bộ phim “Sống chung với mẹ chồng”. (Ảnh minh họa)

Như “bắt được sóng”, anh Hải (28 tuổi) thêm vào: “Tôi cũng là một… nạn nhân của “Sống chung với mẹ chồng” đây. Cứ mỗi lần kết thúc một tập phim, lại bị mẹ và vợ “tra tấn” hàng loạt câu hỏi như: “Nếu anh là người chồng trong phim, anh có để mẹ anh ăn hiếp em như thế không?” Nếu mày là thằng Thanh (nhân vật nam chính), mày có dạy được vợ không? Hay lại để vợ mày nó chống đối mẹ chồng như trên phim hả con?”

Dẫu biết mẹ và vợ chỉ nói đùa thôi, nhưng anh Hải vẫn thấy khó chịu. “Tự dưng bị đặt vào tình huống “oái oăm”, bực bội. Nhưng bảo chuyển kênh, cả mẹ chồng nàng dâu nhất định không ai chịu. Ai cũng dán mắt vào màn hình tivi như thôi miên”. – Anh Hải thở dài.

“Có lần xem đến đoạn cô con dâu mua tặng mẹ chồng chiếc túi hơn 2 triệu, dù trước đó còn bị bà nghi oan… Mẹ chồng tôi tặc lưỡi nói bâng quơ: Ôi dào, con dâu nó tặng hàng hiệu mà còn tiếc tiền, không nhận. Con dâu tôi thì chỉ cần mua tặng mẹ chồng cái túi bằng nửa số đó thôi, tôi nhận liền.

Đâu phải mình ki bo, trước giờ chưa mua tặng mẹ chồng cái gì đâu? Chỉ là vợ chồng mình kinh tế còn hạn hẹp, làm sao biếu bà được cái túi bằng nửa tháng lương như thế?” – Chị Hạnh, giáo viên mầm non (Q.6) tâm sự.

“Phim người ta làm ra phải hư cấu mới hút khách, chứ trên đời này làm gì có bà mẹ chồng nào như thế?” – Cô Băng, 56 tuổi khẳng định. “Ấy vậy mà mỗi lần bàn tán về bộ phim, con dâu tôi cứ ngúng nguẩy. Hình như nó ghét bà mẹ chồng trong phim, giờ quay sang ghét cả… bà mẹ chồng này thì phải”. Cô Băng buồn bã.

Một bộ phim thành công, là bộ phim lấy được nước mắt của khán giả và làm cho họ hòa mình vào nhân vật, bộ lộc những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của chính mình… Thế nhưng hãy nhớ, dù có hay đến đâu thì phim ảnh cũng chỉ là phim ảnh thôi, bạn ạ. Đừng để những cảm xúc tiêu cực khi xem phim, ảnh hưởng đến các mối quan hệ ngoài đời thực. Đừng nuôi dưỡng suy nghĩ tiêu cực, cái cần chú tâm là cuộc sống thực tại của mỗi người. Tỉnh lại nếu bạn đang chìm vào một giấc mơ quá dài, nhé!

Theo mevacon