Nhân vật cổ tích "méo mó" như đời thực

Ngày nay, thể loại nhạc kịch ngày càng trở nên gần gũi với đông đảo khán giả. Rất nhiều tác phẩm nổi tiếng được dựng lại trên màn ảnh rộng như “Những người khốn khổ” (“Les Misérables”), “Bóng ma trong nhà hát” (“The Phantom of the Opera”), “Mamma Mia!”, cho đến các bộ phim mới đầy sáng tạo như “Across the Universe” sử dụng âm nhạc của The Beatles, hay “Dreamgirls” lấy cảm hứng từ ban nhạc The Supremes. Riêng câu chuyện “Into The Woods” lại hấp dẫn vì lồng ghép yếu tố cổ tích vào nhạc kịch, khai thác những nhân vật quen thuộc trong truyện của anh em nhà Grimm nhưng ở một góc độ mới, thú vị hơn.

Nội dung chính của “Into The Woods” kể về vợ chồng người thợ làm bánh (do James Coden và Emily Blunt thủ vai), không thể có con vì lời nguyền của một mụ phù thủy (do Meryl Streep đóng) đã gieo rắc khi phát hiện cha anh đang vào trộm vườn của ả. Mụ phù thủy đồng ý sẽ hóa giải lời nguyền nếu như hai vợ chồng đồng ý đi vào rừng và tìm cho ả bốn vật sau: một con bò trắng như sữa, một tấm áo choàng đỏ như máu, một mái tóc vàng như ngô, và một chiếc giày lấp lánh như vàng. Lý do là vì chính ả phù thủy cũng đang mắc phải một lời nguyền và cần những vật ấy để hóa giải cho chính mình.

Với thời lượng hơn hai tiếng đồng hồ, nội dung bộ phim được chia làm hai phần rõ rệt. Phần đầu tiên tập trung vào quá trình vợ chồng người thợ làm bánh đi vào rừng theo lời của mụ phù thủy. Ở đó, khán giả sẽ được gặp gỡ những nhân vật đến từ thế giới cổ tích, vốn đã trở nên quen thuộc với tuổi thơ của bất kỳ ai. Tuy nhiên, khác với hình dung quen thuộc của người đọc, các nhân vật này được tái hiện trong phim lại có những tật xấu rất đỗi con người. Chẳng hạn như Cô bé quàng khăn đỏ, hóa ra lại là một cô bé háu ăn và ham chơi, thậm chí có phần ngỗ ngược khi nói chuyện với người lớn. Còn cậu bé Jack trong chuyện “Jack và cây đậu thần” thì lại ngây thơ đến mức ngốc nghếch. Công chúa Rapunzel hàng ngày chỉ làm mỗi việc là đứng ở cửa sổ chờ hoàng tử. Trong khi, hoàng tử Charming, người yêu của Nàng Lọ Lem, lại là một gã đàn ông lăng nhăng, thích tán gái.

Trong khu rừng cổ tích bí ẩn và u tối, bối cảnh chính của toàn bộ phim, những chuyện rất đỗi đời thường, đôi khi có phần kì cục và châm biếm lần lượt xảy ra. Ai mà có thể ngờ rằng nàng Lọ Lem bỏ rơi chiếc giày trên bậc thang cung điện hóa ra lại là một hành động đầy toàn tính của cô gái trẻ, thấp thỏm hy vọng rằng hoàng tử sẽ tìm ra.Đáng ngạc nhiên không kém chính là cô vợ của anh thợ làm bánh hiền lành, chất phác, hóa ra trong một phút mù quáng cũng dễ dàng nổi máu đàn bà tham lam. Vừa xuôi dạ trước những lời tán tỉnh của chàng hoàng tử đào hoa, trăng gió, bà mẹ 1 con lập tức ôm lòng mơ mộng viển vông: sẽ hạnh phúc biết bao khi vừa có gia đình, lại có cả người tình để yêu đương sớm tối.

Nhưng cổ tích vốn không có những trang màu hồng kiểu như vậy, mà đời thực thì thường cay đắng, ly tan, nên "Into the woods" đã chọn một cách giải quyết ít nước mắt, thỏa đáng mà gọn nhẹ. Chỉ bằng một cú trượt chân, và cô vợ anh làm bánh đã vĩnh viễn biến mất trên phim. Khán giả, ai cũng ngầm hiểu cô chết vì điều gì, chỉ có anh thợ làm bánh ngây ngô là vẫn hết mực yêu thương người vợ đã từng "cắm sừng" mình trong tâm tưởng.

Với những người ra rạp mang hy vọng xem được một bộ phim tương xứng với niềm tin và những giá trị chuẩn mực của cuộc sống, thì có lẽ "Into the woods" chính là một cú sốc choáng ngợp.Ở đó, người ta không chỉ toàn thấy cái tốt, mà còn được chứng kiến đủ kiểu xấu xa, trái khoáy trong tính cách của các nhân vật. Không có ai hoàn toàn là phản diện, cũng không có nhân vật chính diện hoàn hảo đến 100%.Những điều đó khiến người ta đặt ra câu hỏi: "Vậy liệu có phải từ trước đến giờ cổ tích chỉ toàn những câu chuyện lừa dối?".Thực ra thì không đâu, cổ tích không lừa dối, cổ tích chỉ mới kể cho ta nghe 1 nửa sự thật, giống như phần táo đỏ mà Bạch Tuyết đã cắn, ngọt lịm đến chết người. Còn phần táo xanh ẩm ương và chua chát, đến "Into the woods" người ta mới được nếm trọn cả sự thật.

Nhiều sao nhưng vẫn mờ nhạt

Đạo diễn của “Into The Woods” là Rob Marshall, người đã đưa thể loại phim nhạc kịch lên đến đỉnh vinh quang với “Chicago” – thắng đến 6 giải Grammy năm 2003, bao gồm giải cho “Phim xuất sắc nhất”. Chính vì vậy, không khó hiểu khi câu chuyện của “Into The Woods” được kể lại một cách rất mượt mà và thu hút. Đạo diễn Rob Marshall không lạm dụng yếu tố kỹ xảo như các bộ phim bom tấn thường thấy, mà chọn ngoại cảnh ở những địa danh nổi tiếng như công viên Richmond, lâu đài Dover, nhằm tạo cảm giác thật nhất cho khán giả xem phim.

Sức hấp dẫn của “Into The Woods” còn đến từ tên tuổi một loạt các ngôi sao nổi tiếng tham gia trong phim. Bên cạnh Meryl Streep và Anna Kendrick đã từng thể hiện được khả năng ca hát trong các bộ phim ca nhạc trước đó, thì những “người mới” như Emily Blunt hay Chris Pine cũng cho thấy mình có chất giọng rất tốt. Đặc biệt, bộ phim còn có những điểm thú vị bất ngờ như Johnny Depp lại vào vai chó sói. Nhà sản xuất đã dựa vào những gương mặt quen thuộc đó nhằm tạo nên một thế giới cổ tích rất đỗi gần gũi và chân thật.

Tuy nhiên, chuyện phim cùng những tình tiết đan xen khá rối rắm khiến cho những nhân vật trở nên "nhờ nhờ" giữa khu rừng nhiều sự hỗn loạn.Vai diễn chó sói của Johnny Depp chóng vánh biến mất ngay từ những phút đầu tiên không để lại nhiều ấn tượng cho khán giả, đó là chưa kể đến kiểu diễn xuất quen thuộc, không có nhiều đột phá so với các phim thiếu nhi mà Depp tham gia trước đấy.Meryl Streep coi như thành công với tạo hình phù thủy, nhưng dường như vẫn còn thiếu chút cá tính, Nhân vật của bà có thể xem là đầu mối của mọi nút thắt, nhưng đến cuối phim người xem cũng không biết bà phù thủy đã đi đâu, chẳng yêu mà cũng chẳng thấy có gì đáng ghét.

Chris Pine và Anna Kendrick thì hoàn toàn thất bại với hình ảnh hoàng tử cùng Lọ Lem bởi ngoại hình không thuyết phục. Dường như khả năng lớn nhất để Pine và Kendrick có mặt trong bộ phim là nhờ giọng hát, mà có lẽ từng đó thì chưa phải lý do thỏa đáng đủ để thỏa mãn khán giả.

Và, những“hạt sạn”khác không đáng có

Điểm đặc biệt của “Into The Woods” bắt đầu ở phần hai, khi câu chuyện cổ tích không dừng lại ở kết thúc có hậu như trong sách vở. Phần kết của bộ phim cũng cho thấy cổ tích cũng khốc liệt không kém gì đời thường. Vợ chồng người thợ làm bánh trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, đã vô tình để lại một sai lầm hết sức nghiêm trọng, khiến cho toàn bộ vương quốc cổ tích có nguy cơ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, cũng bắt đầu vào điểm mốc này, câu chuyện của “Into The Woods” mất đi sức hấp dẫn của phần đầu. Không có nhiều điểm mới lạ ở phân đoạn sau của phim, câu chuyện cũng bắt đầu đi vào lối mòn với những bài giảng giải quen thuộc trong chuyện cổ tích.

Một điểm trừ nữa đối với riêng khán giả Việt Nam, đó là “Into The Woods” là một bộ phim được chuyển thể từ một vở nhạc kịch thuần túy. Các ca khúc trong phim cũng là lời thoại của chính các nhân vật. Do đó, không có bài nhạc nào thực sự đáng nhớ sau khi xem. Ngoài ra, vì các nhà làm phim muốn hướng phiên bản điện ảnh của “Into The Woods” đến với nhiều đối tượng khán giả, cả người lớn lẫn trẻ em; vì vậy, cả bộ phim không có một trường đoạn nào thực sự nổi bật.

Nhìn chung, khi đã đóng mác là sản phẩm của hãng Disney, thì “Into The Woods” vẫn là một lựa chọn thích hợp để cả nhà cùng xem vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, bộ phim có lẽ sẽ hợp hơn với những ai thích đắm chìm vào âm nhạc thuần túy và có thể bỏ qua những khiếm khuyết về nội dung.

Sơn Phước

Nguồn: maskonline