“Đất rừng phương Nam” – Quang Dũng đạo diễn, Trấn Thành đóng và góp vốn – dựng đại cảnh chợ nổi thập niên 1920, với 300 diễn viên.

Êkíp giới thiệu một trong những cảnh đầu tiên của phim, tái hiện xóm chợ nổi trong tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi. Nguyên tác miêu tả cảnh quay này qua góc nhìn nhân vật bé An: “Tôi ngồi đong đưa hai chân trên chiếc mui thuyền chở gạo ngóng lên chợ. Đèn măng-sông ở các hiệu buôn, các tiệm ăn của người Hoa kiều thắp lên sáng rực”.

Một góc chợ nổi - một trong những đại cảnh lớn nhất phim Đất rừng phương Nam. Ảnh: Huyền Đỗ

Một góc chợ nổi – một trong những đại cảnh lớn nhất phim “Đất rừng phương Nam”. Ảnh: Huyền Đỗ

Quang Dũng cho biết chọn rừng tràm Trà Sư (An Giang) làm bối cảnh để thể hiện chất “rừng” như trong tiểu thuyết, do nơi đây còn giữ nét đẹp hoang sơ của rừng Nam bộ. Hơn 300 diễn viên quần chúng tham gia phân cảnh được đầu tư nhất phim. Một cổng chợ được dựng lên với biển hiệu cửa tiệm vẽ tay như “Tiệm vàng – cầm đồ Kim Sang”, “Tiệm buôn Nhị Bình”… Đoàn làm phim dàn cảnh hàng chục chiếc ghe thuyền tập hợp trên kênh rạch.

Hoạ sĩ Bùi Bảo Quốc – đảm nhận khâu thiết kế mỹ thuật – cho biết êkíp dựng mới 70% cho bối cảnh, do rừng tràm Trà Sư đang được khai thác làm khu du lịch sinh thái, một số cơ sở vật chất không phù hợp để quay. Tổ thiết kế mất 1,5 tháng để dựng bối cảnh chợ nổi, phủ một lớp màu tạo nét cổ kính, bài trí hàng trăm món nội thất, phụ kiện.

Tạo hình người dân miền Tây Nam bộ đầu thế kỷ 20 trong Đất rừng phương Nam. Ảnh: Huyền Đỗ

Tạo hình người dân miền Tây Nam bộ đầu thế kỷ 20 trong “Đất rừng phương Nam”. Ảnh: Huyền Đỗ

Êkíp về miền Tây ghi hình ngày 9/12. Ngoài ba gương mặt nhí đóng An, Cò, Xinh – dàn nhân vật chính của phim, các diễn viên còn lại gồm nghệ sĩ Công Ninh, Kiều Trinh, Trấn Thành, Hứa Vĩ Văn, Tuyền Mập, Tuấn Trần… Trấn Thành đồng đầu tư dự án và tham gia một vai chưa được tiết lộ. Bối cảnh trải dài nhiều tỉnh như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh…

Đại cảnh quy tụ 300 diễn viên của phim Đất rừng phương Nam

Phim “Đất rừng phương Nam” mất gần 2.000 ngày chuẩn bị trước khi bấm máy. Ảnh: Huyền Đỗ

Đơn vị sản xuất nắm bản quyền làm phim từ 5 năm trước, song lúc đó chưa đủ kinh phí lẫn điều kiện sản xuất. Quang Dũng giữ lại tên phim giống tiểu thuyết gốc, thay vì lược mất chữ “rừng” như bản truyền hình Đất phương Nam năm 1997. Khi đó, kịch bản buộc bỏ bớt yếu tố “rừng” để giảm chi phí sản xuất. Quang Dũng tự tin có thể thực hiện tác phẩm đúng tinh thần nguyên tác của nhà văn Đoàn Giỏi.

Nghệ sĩ Vinh Sơn – đạo diễn Đất phương Nam – làm cố vấn sản xuất. Diệp Thế Vinh đảm nhận đạo diễn hình ảnh, nhạc sĩ Đức Trí là giám đốc âm nhạc. Phim do nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan – giám đốc đơn vị làm phim Bố già, Tiệc trăng máu, Tháng năm rực rỡ – phụ trách. Êkíp kỳ vọng quay tác phẩm thành nhiều phần, mỗi phần là một trải nghiệm của cậu bé An với từng vùng đất, con người Nam bộ, phần đầu sẽ là Cậu bé tìm cha.

Phim truyền hình Đất phương Nam ra mắt năm 1997, dài 11 tập, về cậu bé An mồ côi mẹ, tha phương đi tìm cha. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những mảnh đời lầm than dưới ách áp bức của địa chủ, thực dân. Hoàn cảnh đưa đẩy họ trở thành những nông dân khởi nghĩa. Tuy cực khổ, An vẫn luôn sống trong sự đùm bọc của những người thương yêu – nguồn động lực đưa cậu vượt qua gian khổ. Sau khi phát sóng, tác phẩm gây sốt, trở thành một trong những phim truyền hình kinh điển với nhiều thế hệ khán giả.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, 44 tuổi, tốt nghiệp lớp Đạo diễn điện ảnh trường Sân khấu – Điện ảnh TP HCM năm 1999. Thập niên 2000, anh được biết đến với loạt phim giải trí như Hồn Trương Ba – da hàng thịt, Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết, Những nụ hôn rực rỡ... Nhiều phim của anh đoạt doanh thu cao như Tháng năm rực rỡ– 85 tỷ đồng, Tiệc trăng máu– 175 tỷ đồng…

 

Nguồn: Vnexpress