Mai Hắc Đế là kịch bản của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ và được tác giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên dàn dựng. Đây cũng là một trong số những vở diễn hiếm của sân khấu phía Bắc được đầu tư dàn dựng với mức kinh phí lên đến vài tỷ đồng, trong đó phần lớn là từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Mai Hắc Đế là vị vua cách thời đại chúng ta hơn 1300 năm và trong lịch sử, các tư liệu viết về ông không nhiều. Tuy nhiên qua những tài liệu nghiên cứu cho thấy Mai Hắc Đế luôn là tấm gương sáng về lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự do, tự cường, tự tôn dân tộc. Từ một chàng trai mồ côi, ông đã nuôi chí lớn, đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đường và xưng Đế trị vì đất nước, tạo nên một trang sử oai hùng trong lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta. Đặc biệt, ông là một trong những thủ lĩnh đầu tiên trong lịch sử đã sử dụng sức mạnh liên kết giữa các quốc gia để cùng chống lại đế quốc xâm lăng. Cụ thể ở đây, ngoài việc liên kết được cả 32 châu ở An Nam, Mai Thúc Loan đã kết giao với 3 nước lân bang là Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân để làm nên chiến thắng vang dội của cuộc khỏi nghĩa Hoan Châu, đánh đuổi giặc Đường.

Với 8 màn diễn trong thời lượng 150 phút, vở diễn Mai Hắc Đế đã dẫn dắt người xem đến với cuộc đời của vị vua được mệnh danh là Vua Đen trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là từ khi cậu bé Mai Thúc Loan chào đời, thiếu cha và mang họ mẹ. Lớn lên, cậu say mê luyện võ và rồi khi mẹ mất, Mai Thúc Loan đã được hào trưởng Đinh Thế không chỉ nhận làm con nuôi mà còn gả con gái là Ngọc Tô cho chàng thanh niên luôn ấp ủ trí lớn này. Với Mai Thúc Loan, Ngọc Tô không chỉ là người vợ mà còn là một người cộng sự tin cậy trong những ngày ông nuôi chí lớn và mưu đồ sự nghiệp…

Xuyên suốt từ đầu đến cuối vở diễn, chân dung của Mai Thúc Loan được tái hiện một cách bình dị, kể cả khi đã trở thành một vị vua thì tâm hồn và cốt cách của ông cũng luôn toát lên điều đó. Không chỉ vậy, hình ảnh Mai Hắc Đế trong vở diễn còn là một tâm hồn yêu thi ca. Điều đó thể hiện trong cảnh diễn Mai Thúc Loan gặp và đối đáp thi ca với hồn thần thi Vương Bột khi qua đêm gần miếu thờ của ông. Vương Bột là thi sĩ nổi tiếng nhà Đường và con thuyền chở Vương Bột bị sóng đánh chìm trong một lần đi thăm cha đang làm huyện lệnh ở An Nam. Tương truyền sau đó xác của Vương Bột đã dạt vào bờ biển và được người dân chôn cất, lập miếu thờ… Rồi cảnh diễn Mai Thúc Loan và vợ Ngọc Tô cùng tâm sự trên thuyền trong đêm trăng trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra cũng để lại cho người xem nhiều cảm xúc.

Chính thức ra mắt khán giả từ cuối tháng 1/2015, Mai Hắc Đế đã tạo được tiếng vang lớn trên sân khấu Thủ đô bởi 4 đêm diễn miễn phí với khán phòng luôn chật kín khán giả. Vở diễn cũng nhận được nhiều phản hồi tốt từ dư luận cũng như đông đảo người xem. Đặc biệt là vở diễn được dàn dựng công phu và hoành tráng với mức kinh phí lớn cho phục trang cũng như các thiết bị hỗ trợ.

Với Mai Hắc Đế, đạo diễn không chỉ sử dụng màn hình Led với kỹ xảo để hỗ trợ thêm cho vở diễn mà còn huy động lực lượng diễn viên quần chúng và kỹ thuật viên lên đến hơn 100 người. Có lẽ vì vậy mà số tiền đầu tư cho mỗi đêm diễn của Mai Hắc Đế sẽ khoảng gần 200 triệu đồng, một con số không hề nhỏ đối với một tác phẩm sân khấu.

Theo kế hoạch, sau khi lên sóng truyền hình tối 28/2, Mai Hắc Đế sẽ có đợt lưu diễn trong những ngày tháng Giêng này. Cụ thể: Ngày 13 tháng Giêng sẽ diễn tại NVH Lao động tỉnh Nghệ An. Tối ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn khai mạc Lễ hội vua Mai tại Đền thờ Vua Mai ở Nam Đàn, Nghệ An. Tối 16 và 17 tháng Giêng, Mai Hắc Đế sẽ ra mắt khán giả Hà Tĩnh. Và tối ngày 19 tháng Giêng, vở diễn sẽ được biểu diễn phục vụ khán giả tại tỉnh Thanh Hoa.

Lan Hương

maskonline