Lâu nay, chúng ta vẫn biết rằng uống nhiều nước ngọt dễ gây béo phì và đái tháo đường. Nhưng ít người biết rằng đồ uống có đường còn làm tăng nguy cơ gãy xương.

Hai vấn đề nghe có vẻ không liên quan, nhưng y văn đã chứng minh mối liên hệ này. Sau khi đã loại trừ yếu tố nhân khẩu học và chế độ ăn uống tổng thể, các nghiên cứu cho thấy nước ngọt làm tăng nguy cơ gãy xương gấp 2-4 lần nếu dùng thường xuyên.

Trong vài thập kỷ qua, quá trình đô thị hóa đã chuyển chế độ ăn uống truyền thống sang hướng công nghiệp. Chế độ ăn uống này đặc trưng bởi các thực phẩm chế biến và giàu năng lượng, kéo theo các bệnh mãn tính cũng tăng lên. Có mối liên hệ trực tiếp giữa chế độ ăn uống hiện đại và tình trạng gãy xương.

Một trong những thành phần quan trọng của chế độ ăn uống hiện đại là đồ uống có đường. Trong những năm gần đây, việc tiêu thụ nước giải khát đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ. Việc tiêu thụ nhiều nước ngọt làm tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường và các bệnh mãn tính khác.

Đồ uống có đường – mối nguy cho sức khỏe

Đồ uống có đường được định nghĩa là bất kỳ loại đồ uống có cồn/không cồn chứa lượng đường tự do đáng kể. Đồ uống có đường bao gồm nước ngọt, nước ngọt “không” đường, nước hương vị trái cây; đồ uống thể thao; cà-phê, trà và sữa có thêm đường; nước tăng lực; đồ uống thay thế chất điện giải. Xi-rô có hàm lượng fructose cao, hoặc xi-rô glucose-fructose là các chất tạo ngọt chính được sử dụng trong đồ uống có đường. Tiêu thụ quá nhiều các chất tạo ngọt này gây rối loạn chức năng thận, mất cân bằng khoáng chất, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của xương.

Tỷ lệ người tiêu thụ đồ uống có đường đang ngày càng gia tăng. Việc tiêu thụ đồ uống có đường có liên hệ nhân quả với các vấn đề sức khỏe như thừa cân, béo phì, đái tháo đường týp 2, sâu răng và bệnh tim mạch. Nhiều nỗ lực của ngành y tế nhằm kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường nhưng chưa thể thay đổi thói quen tiêu dùng này. Năm 2020, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nạp dưới 360 kcal mỗi tuần từ đồ uống có đường, nhưng thực tế hơn 80% dân số Hoa Kỳ vượt quá mức này.

Vì sao uống nước ngọt hại xương?

Mặc dù nguyên nhân trực tiếp của gãy xương là té ngã hoặc tai nạn va đập, nhưng nguyên nhân cơ bản là do loãng xương nhiều. Chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe bộ xương. Vai trò của canxi, vitamin D và các sản phẩm từ sữa đối với sức khỏe của xương đã được chứng minh. Chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả cung cấp các nguyên tố vi lượng và vitamin giúp tăng mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Quá trình chuyển hóa xương bị ảnh hưởng đặc biệt bởi chế độ ăn uống. Đồ uống có đường chứa axit photphoric, caffein và tính axit đều gây hại cho quá trình chuyển hóa xương: làm rối loạn sự hấp thụ canxi và cân bằng nội môi trong cơ thể, làm tăng bài tiết canxi qua nước tiểu. Ngoài ra, đồ uống có đường thường có trong bữa ăn “chất lượng kém” như ít rau, nhiều thức ăn nhanh, do đó có thể giảm lượng vi chất dinh dưỡng và canxi.

Axit được thêm vào đồ uống có đường để tạo độ chua và mùi vị thơm ngon. Hàm lượng axit photphoric cao gây hại cho quá trình chuyển hóa canxi. Việc hấp thụ nhiều axit photphoric làm mất cân bằng tỷ lệ canxi/phốt-pho và cả axit-bazơ trong cơ thể, dẫn đến loãng xương và gãy xương. Độ pH thấp của đồ uống có ga như nước ngọt (pH 1,8) có thể gây ra sự thay đổi độ pH của dạ dày và làm giảm hấp thụ canxi.

Tiêu thụ đồ uống chứa caffein, chẳng hạn như soda và cà-phê có đường, cũng làm giảm mật độ xương và tăng tỷ lệ gãy xương. Dùng nhiều caffein ảnh hưởng tiêu cực đến sụn tăng trưởng và sức khỏe bộ xương thông qua việc thay đổi các chất tiền viêm và chống viêm. Caffein có nhiều trong nước ngọt, cà-phê, trà và sô-cô-la.

Ngoài ra, dùng quá nhiều đồ uống chứa đường dẫn đến việc giảm lượng sữa tiêu thụ. Trong khi sữa là nguồn cung cấp canxi quan trọng, nhất là đối với trẻ em có bộ xương đang tăng trưởng. Khối lượng xương tăng nhanh trong độ tuổi thanh thiếu niên. Đến 90% khối lượng xương tích lũy trong khoảng thời gian này. Điều đáng nói, tuổi vị thành niên cũng là nhóm tuổi tiêu thụ nhiều đồ uống có đường.

Một nghiên cứu ở người có chế độ ăn ít canxi, uống nhiều nước ngọt trong thời gian 10 ngày làm tăng quá trình hủy xương so với uống nhiều sữa. Một nghiên cứu can thiệp khác được thực hiện trong 16 tuần cho thấy chuyển thói quen uống nước ngọt sang sữa sẽ có lợi phát triển chiều cao của trẻ em. Thanh thiếu niên uống một lượng lớn đồ uống có ga có thể làm giảm sự tích tụ các khoáng chất trong xương và làm tăng nguy cơ gãy xương trong tương lai.

Tóm lại, đường có tác động tiêu cực đến chuyển hóa xương do gây tăng thải canxi niệu và mất cân bằng canxi trong cơ thể. Đồ uống có đường làm tăng nguy cơ gãy xương. Giảm tiêu thụ đồ uống có đường nên được xem như một chiến lược thay đổi nhận thức-hành vi quan trọng đối với trẻ em lẫn người lớn. Ngoài ra, các bằng chứng cho thấy thói quen ăn uống thời thơ ấu có ảnh hưởng lớn đến thói quen ăn uống và sức khỏe khi trưởng thành. Việc kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường, khuyến khích thói quen ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng để duy trì bộ xương vững chắc từ thời trẻ và cải thiện chất lượng sống sau này.

 

Theo giacngo