Tôi chợt nhớ câu thơ Lưu Quang Vũ viết về chị: “Tóc em rối và áo em đỏ thắm, những bức tranh nổi gió ở trên tường”. Chỉ khác xưa, ngọn gió ấy bây giờ lành hơn, trong trẻo hơn, dịu ngọt hơn.

 

Nghĩ về những thăng trầm đã trải, ngôi nhà nào trong ký ức để lại nhiều dấu ấn nhất trong chị?

Ngôi nhà tuổi thơ còn in sâu đậm nhất trong ký ức tôi đến tận bây giờ là ngôi nhà bằng đất nện ở ấp Cầu Đen trên đồi Văn Nghệ, Yên Thế, Bắc Giang. Một quả đồi rất lớn trong mắt tôi hồi ấy, phía dưới là một con đường đất đỏ. Mỗi lần nhìn xuống con đường, thấy bụi đỏ tung lên, là biết có một chiếc ôtô vừa đi qua. Nhà tôi ở cạnh nhà bác Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận… Mỗi lần nhớ về ngôi nhà như nhớ về một giấc mơ, một tuổi thơ gian khổ, đầy lo toan kiếm sống nhưng rất thiêng liêng. Sau này lớn lên tôi đã trở lại quả đồi, nhà bác Nguyên Hồng và ngôi mộ của bác vẫn còn ở đó, cây ổi bên nhà vẫn còn, cả con suối nhỏ và cái giếng dưới chân đồi ngày ngày mẹ tôi vẫn đi gánh nước…Kinh ngạc nhất là hàng xóm vẫn nhớ đến mình. Đó là những ký ức thân thương, gắn liền với những bài học về tình người. Xóm Văn nghệ hồi đó sống với nhau rất chan hoà, chia ngọt xẻ bùi. Nhà nào có món gì ngon cũng mang sang cho hàng xóm. Ngày lễ, tết, cả xóm xúm lại cùng gói bánh chưng… Con người hồi đó sao mà trong sáng, chẳng có ai mưu toan, tính toán lợi quyền. Những tình cảm đó theo tôi suốt tuổi thơ đến tận bây giờ.

Còn ngôi nhà ở số 6 Hạ Hồi, nơi nhà văn Kim Lân, bố chị, đã tạo ra một không gian sống đầy nghệ thuật cho những đứa con của mình, dù trong một diện tích rất nhỏ?

Đó chỉ là căn phòng 38m2, với bảy người con và hai bố mẹ, nhưng lúc nào cũng tràn đầy tình yêu thương và sự lao động. Lao động để tồn tại, và lao động để nuôi dưỡng ước mơ của mình. Thời đó khó khăn, chị em tôi đã biết làm thêm để phụ mẹ kiếm tiền từ rất nhỏ, từ đan len, in card, nhưng lòng lúc nào cũng hướng về nghệ thuật. Bố tôi tạo ra một không gian sống rất đẹp cho từng góc nhà. Cụ tự trồng một cây cúc mốc với những đoá hoa rủ xuống duyên dáng, Dù khó cách mấy bố vẫn chắt chiu mua từng đoá hoa sen, hoa cúc, nải chuối, quả táo bày ra cho tôi học vẽ. Không ai được đụng vào hoa trái, cho đến khi thối ủng thì thôi. Ngôi nhà bé nhỏ nhưng bố cũng chừa chỗ cho một mảnh vườn, một bụi trúc thanh tao, cây đào, những chú chim, chậu cá… Cách chơi đồ cổ của bố cũng rất khoáng đạt, nghệ sĩ. Không chắt bóp, giữ riêng cho mình, mà chia sẻ. Tôi nhớ bác Nguyễn Tuân mỗi lần đến nhà chơi đều được bố tặng cho một món đồ thật đẹp. Tất cả ngấm sâu vào máu của các con sự yêu thích cái đẹp, một không gian sống đẹp và một lối sống thanh cao.

Rất tiếc ngôi nhà ấy không còn giữ lại được. Để nhớ bố, chị em tôi đã có cùng một tâm nguyện là tái tạo lại không gian sống chứa đầy kỷ niệm về cụ, cũng là cách để gìn giữ một quan niệm sống, một nền nếp gia phong cho con cháu sau này gắn bó với nhau hơn. Nhà thì đã có rồi, kỷ vật vẫn còn nguyên, nhưng làm sao có thể trồng được một chậu hoa cúc đại đoá đẹp như bố từng trồng, làm sao có thể nuôi được chú chim hót hay như bố từng nuôi… Mỗi ngày, cụ cặm cụi pha loãng nước thuốc lào lau từng chiếc lá mộc lan để không bị mạt ăn lá, đi vớt giun cho cá ăn đều đặn kiên nhẫn và chịu khó kinh khủng.

Chị đã học được từ mẹ điều gì để có thể nuôi dưỡng con gái sau này?

Mẹ tôi không phải là người hiểu biết sâu rộng như bố, nhưng là người đứng đằng sau, ủng hộ tất cả những chuyện của bố. Mẹ nấu ăn rất ngon, đặc biệt các món cỗ cổ truyền, đặc biệt là cá kho, bánh chưng, gỏi, bún riêu cua… không ai nấu ngon bằng mẹ. Tôi đã học những đường kim mũi chỉ đầu tiên về thêu thùa may vá, những bài học đầu tiên về cái đẹp từ không biết bao nhiêu chiếc tã cho các em. Cụ vẽ con chim, con cá trên vải trắng cho mình học thêu. Cụ rất Tây, rất nghệ sĩ, nhưng vẫn giữ nền nếp của những gia đình cổ. Rất nghiêm khắc, bố mắng mẹ không bao giờ bênh.

Bài học quý nhất mà chị đã học được từ bố, để có thể theo đuổi đến cùng con đường nghệ thuật?

Tôi nhớ mãi năm 12 tuổi, lần đầu tiên xem tranh Van Gogh, tôi bị ấn tượng mạnh tới nỗi vẽ cây cối, trời mây đều xoắn tít mà cứ đinh ninh rất modern, rất hiện đại. Tôi đem khoe bố, nghĩ chắc bố khoái lắm. Chờ rất lâu vẫn không thấy bố nói gì, tôi bắt đầu lo. Cụ khẽ khàng: “Làm nghệ thuật không đơn giản như con nghĩ đâu. Nếu định bắt chước người khác thì không bao giờ con được là chính mình. Vẽ chính là để tìm tới sự tự do. Chỉ khi là chính mình con mới có thể thành công”. Câu nói của bố thấm sâu vào hiểu biết của tôi, dù sau này có gặp khó khăn cách  mấy tôi vẫn không thể sống khác.

Chồng chị đã mất, con gái lại đi học xa, làm thế nào để chị vượt qua nỗi cô đơn và tiếp tục sống, sáng tạo nghệ thuật?

Cuộc đời chẳng có ai hanh thông mãi. Tôi luôn cố gắng dạy con biết vượt qua những bất trắc cuộc đời, để đứng dậy bước tiếp. Thành công quá cũng có người ganh tỵ, tôi chẳng màng lời khen, cũng không quan trọng quá chuyện tiền bạc. Cần thiết nhất với một con người là dù khó khăn cách mấy cũng phải nuôi dưỡng một đam mê chính đáng, có như vậy mới đủ sức vượt qua tất cả, kể cả trong lúc tuyệt vọng nhất. Khi chồng mất, có người hỏi tôi sao không giữ con lại? Tôi nghĩ như thế là quá ích kỷ. Con có con đường của nó, tương lai của nó. Du học nước ngoài là cơ hội để cháu tiếp xúc với nghệ thuật quốc tế. Sau nhiều đêm cô độc đầy nước mắt, tôi hiểu mình phải vẽ, phải đọc, phải tái tạo lại cho mình một hơi thở mới.

Vì sao đến giờ, khi đã có đủ kinh tế để có thể sống trong một ngôi nhà khang trang hơn, chị vẫn chọn cách gắn bó với căn gác nhỏ ở góc phố ồn ào này?

Tôi không muốn phí sức mình vào những việc khác. Bây giờ còn sức khoẻ, tôi muốn dành hết thời gian để vẽ. Tôi mong muốn được vẽ về những người bạn cùng thời, và vẽ về những đứa trẻ. Tôi muốn trồng nốt những cái cây cuối cùng trên ngọn đồi nghệ thuật của mình, như ngày xưa tôi đã trồng một rừng cây trên đồi Non Tứa, rồi cũng để lại cho cuộc đời thôi chứ có mang theo được gì đâu. Ngôi nhà quý là ở cái ruột bên trong.

Thức dậy mỗi buổi sáng giữa một rừng những bức tượng cổ tĩnh tại này dường như giúp chị yên bình, thanh thản hơn?

Không gian sống của tôi là những bức tượng mình yêu quý. Trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, điêu khắc, đồ gốm, nghệ thuật chạm khắc đến trước nhiều so với hội hoạ. Ngắm nhìn một cái thố trắng đời Lý, màu nâu giản dị trên bức tượng Phật Quan Thế Âm, Thế Chí, tôi thu nhận vào trong mình tinh thần của bao thế hệ tiền nhân, và cái đẹp hiện diện. Bộ sưu tập hệ thống tôn giáo Việt Nam, từ đạo Phật, đạo thánh, những hoành phi, câu đối, những chiếc thạp gốm ta… luôn là nguồn sức mạnh giúp tôi hiểu không có gì cứu cánh bằng lao động sáng tạo. Và mỗi lần được tiếp thêm sức mạnh, mình lại có thể đóng cửa, nhập thất, quay mặt vào toan và vẽ.

Một góc kệ sách liền với giường ngủ. Những cuốn sách cũng là những vật kỷ niệm đi cùng hoạ sĩ qua nhiều năm tháng. Chiếc thuyền múa rối nước truyền thống Việt Nam

Phòng khách cũng là nơi hoạ sĩ đang hoàn thiện bộ tranh sơn mài Những đứa trẻ. Không gian đan xen vô số món đồ cổ kim 

 

Góc uống trà là một bộ đồ “sập gụ, câu đối, hoành phi” nguyên bản của nhà quan lại, phú gia thời xưa. Đây cũng là một bộ đồ gỗ chạm lộng tinh xảo còn lại rất ít.

 

Những chiếc bình Hán được hoạ sĩ dùng làm ống cắm bút

 

 

 Hiền Minh Gallery (đường Lê Công Kiều) cũng là nơi triển lãm các tác phẩm sơn dầu, sơn mài, điêu khắc của nữ hoạ sĩ 

Một góc phòng ngủ với sách, tranh, kỷ vật của các cố hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Văn Cao vẽ tặng… 

 

Một tác phẩm mới đang hoàn thành với chủ đề Trẻ thơ của nữ hoạ sĩ

 
Theo  Kim Yến, ảnh Tường Huy / TC Kiến Trúc & Đời Sống