1. Không… đè bẹp chàng trước khi góp ý!

Nếu bạn bắt đầu câu chuyện với người bạn đời của mình bằng một câu: “Anh thật tệ!”, “Anh có biết là em chán như thế nào không?”, “Chừng này thứ cũng làm không xong, anh xem lại xem từ trước tới giờ anh đã làm được gì cho cái nhà này”… thì bạn đã thất bại ngay từ đầu buổi nói chuyện, góp ý với chồng. Có những thứ bạn đang không hài lòng về anh ấy, chẳng hạn chàng bừa bộn quá, ở dơ quá, chàng tiêu tiền hoang phí quá, chàng hay về muộn quá, hay bỏ cơm nhà quá… Nhưng một khi đã muốn góp ý với chồng, muốn chồng lắng nghe thì bạn không bao giờ nên bắt đầu bằng lời chê thẳng thừng kiểu đó.

Sẽ chẳng ai còn đủ hứng thú nghe bạn nói tiếp những điều góp ý (dù là bạn góp ý đúng đi nữa). Bình tĩnh nhé! Nên bắt đầu thế này: “Em nghĩ là cuộc sống gia đình mình rất ổn. Tuy nhiên có lẽ có vài điểm mình cần bàn lại với nhau một chút xem sao anh ạ. Anh có thể cùng nói chuyện với em không?”.

2. Chỉ nêu vấn đề và… lắng nghe!

Thói quen của các bà vợ khi bắt đầu cuộc “góp ý” là trút ra cho bằng sạch những điều chất chứa trong lòng và kể lể, than vãn đủ điều. Tuy nhiên, kỳ thực là bạn nên học cách lắng nghe và đặt mình vào hoàn cảnh của chồng để hiểu chồng hơn, nhằm cùng nhau tìm ra cách tốt nhất để giải quyết vấn đề.

Bạn nhớ nhé!

Điều tối kỵ khi góp ý cho chồng là… lôi cả họ hàng và gia đình của anh ấy vào, cho rằng anh ấy cũng “cùng một giuộc”. Chỉ cần một câu bạn nói: “Họ nhà anh ai cũng nhậu như hũ chìm ấy. Anh cũng muốn giống như họ chứ gì?” thì không cần nói thêm nữa. Chắc chắn có thể đoán ra kết quả của cuộc nói chuyện thế nào rồi.

Ví dụ bạn muốn góp ý với chồng chuyện anh đi nhậu quá nhiều, thường xuyên bỏ cơm nhà và về trễ. Thay vì bạn sẽ tuôn ra hàng tràng lời “kết tội”,rằng anh có biết em đã chờ cơm như thế nào không, anh có biết rượu rất hại cho sức khỏe không, anh nhậu xỉn có chuyện gì rồi ai nuôi con…, hãy chỉ đặt vấn đề đơn giản: “Dạo này em thấy anh hay về trễ và đi nhậu ở ngoài. Em có thể biết vì sao không?”.

Khi bạn “mở đường” bằng cách đó, có thể bạn sẽ được nghe nhiều lý do hơn mà chồng chưa từng nói. Chẳng hạn: “Thằng bạn thân của anh đang gặp chuyện buồn, anh đi nhậu với nó cho nó có người tâm sự”, “Công việc của anh dạo này phải tiếp khách khứa nhiều quá. Hi vọng xong dự án này rồi thì mọi việc sẽ kết thúc”. Khi có cái nền đó, hiểu chồng hơn, những lời góp ý của bạn sẽ trở nên rất nhẹ nhàng, mang tính xây dựng để giúp mọi thứ tốt đẹp hơn.

3. Không chuyện nọ “xọ” chuyện kia!

Thói quen của phụ nữ là hay… nói nhiều, nói dài, và nói vòng quanh. Đang nói chuyện này, bạn có thể nhảy sang chuyện khác. Từ chuyện anh hay nhậu, bạn có thể đẩy sang chuyện anh làm biếng làm việc nhà, rồi đến chuyện tháng này anh đưa tiền chẳng đủ chi tiêu (trong khi anh lại xài quá nhiều cho những chi phí xã giao). Trong khi đó, cách tiếp nhận vấn đề của đàn ông có sự khác biệt hoàn toàn (theo đặc thù giới tính) so với phụ nữ. Chàng chỉ có thể tiếp nhận duy nhất một vấn đề trong một lúc, và thích cách nói đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng.

Chẳng hạn, nếu chàng hay đi nhậu, bạn chỉ cần đưa ra những lời góp ý xoay quanh đúng tác hại của việc nhậu, không “đá” lòng vòng sang chuyện khác. Và ngay khi đạt được “thỏa thuận” với chàng về vấn đề đó (ví dụ anh hứa sẽ bớt nhậu đi), thì lập tức kết thúc buổi góp ý. Hãy nở một nụ cười và rủ chồng cùng đi dạo với bạn bên ngoài, hoặc kể sang chuyện vui khác.

4. Hãy góp ý với một nụ cười trên mặt

Rất khó! Bạn đang đùng đùng tức giận kia mà. Nhưng hãy nghĩ xem, lúc ở công ty, trong buổi họp bạn muốn góp ý chuyện gì đó, bạn làm thế nào? Có phải bạn rất lựa lời, nói với giọng điệu rất nhẹ nhàng, nụ cười trên môi để giảm bớt cảm giác căng thẳng, và vừa góp ý vừa lắng nghe giải thích của người khác không? Vậy thì tại sao không áp dụng điều đó cho người thân của mình – đặc biệt là chồng mình?

Hãy thật nhẹ nhàng, có thể nấu cho anh một bữa cơm ngon lành toàn món anh thích trước đó. Lựa lúc anh vui, thư giãn và bắt đầu cuộc nói chuyện với một nụ cười. Suốt buổi nói chuyện, cũng nên cố gắng giữ nụ cười này. Bạn thử xem! Chắc chắn là rất khó, nhưng kết quả nó mang đến thì có thể khiến bạn bất ngờ lắm đấy.

5. Không so sánh chàng với người khác

Nguyên tắc góp ý với đàn ông là tuyệt đối không bao giờ so sánh chàng với người khác. Bạn nhớ thật kỹ điều này nhé! Đừng lôi ông hàng xóm, hay anh họ chàng, hay ông bác nào đó ra để… làm gương cho chàng. Đừng nói với chàng rằng: “Anh nhìn bên hàng xóm nhà mình, coi vợ chồng người ta ngày nào cũng ăn tối chung với nhau ra sao đi. Tại sao anh luôn luôn bỏ bữa cơm nhà?”. Góp ý kiểu so sánh không mang lại kết quả gì cả. Nó chỉ khiến chồng bạn nổi đóa lên và quát: “Vậy thì cô đi mà… lấy ông hàng xóm, chứ lấy tôi làm gì!”. Hết chuyện!

6. Luôn cho chàng biết, điều bạn góp ý là vì yêu chàng!

Người đàn ông rất cứng rắn nhưng cũng rất mềm yếu, rất thích “cao ngạo” nhưng lại rất dễ lắng nghe những câu nói ngọt ngào. Ví dụ bạn thấy chồng hay thức khuya chơi game, bạn nên tỏ ra cho chàng biết sự lo lắng của bạn: “Anh, em thấy dạo này sức khỏe của anh không tốt. Sức khỏe quan trọng lắm, anh có biết là em lo cho anh như thế nào không? Anh là trụ cột gia đình, nếu có chuyện gì em biết làm sao?”.

Khi hiểu rằng mọi điều vợ góp ý đều dựa trên nền tảng yêu thương, nghe vợ nhắc đến nhiều lần những yêu thương, trái tim của người chồng sẽ thúc đẩy anh ấy lắng nghe. Việc tiếp nhận vấn đề sẽ không còn quá khó khăn cho bạn nữa.

Nguồn: mevacon.com.vn