Công thức vợ tốt

Người vợ hoàn hảo là chủ đề đầy ám ảnh của nhân loại, nằm trong tầm ngắm của vô số các bộ não thông thái nhất và được bàn đi bàn lại qua hàng thế kỷ. Sống từ thời trước Công Nguyên, Socrates – triết gia Hy Lạp cổ đại, người nổi tiếng về cả đức hạnh lẫn trí tuệ đã giải thích rất rõ tầm quan trọng của một người vợ hoàn hảo: “Điều quan trọng hơn tất cả trong hôn nhân: Nếu anh kiếm được cô vợ tốt, anh sẽ hạnh phúc. Nếu vớ phải vợ tồi, anh sẽ thành triết gia”. Hàng trăm năm sau, Daniel Boone, một trong những vị anh hùng dân gian đầu tiên của nước Mỹ, khẳng khái tuyên bố: “Tất cả những gì anh cần để hạnh phúc là một khẩu súng tốt, một con ngựa tốt và một người vợ tốt”. Từ đó cho thấy, vợ tốt hay vợ hoàn hảo là điều kiện cần và đủ cho hạnh phúc của đàn ông.

Thế nào mới là vợ tốt, vợ ngoan, vợ hoàn hảo? Chanakya, một quan chức cao cấp kiêm nhà triết học nổi tiếng triều đại Chanđraguupta (Ấn Độ) thuộc thế kỷ 4 trước Công Nguyên đã luận về vợ như sau: “Vợ tốt là người chăm sóc chồng vào buổi sáng như một bà mẹ, yêu chồng trong ngày như một người chị gái và chiều chồng trong đêm như một ả kỹ nữ”. Mục tiêu cuối cùng của vợ hoàn hảo là đem lại cho đức ông chồng sự sung sướng, thư thái từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trăng lặn. Điều lạ thường là quan điểm từ thời chúa Jesu còn chưa giáng sinh này đến nay vẫn không hề cũ. Đàn ông vẫn hăm hở tìm kiếm những cô vợ làm cho họ sung sướng cả phần xác lẫn phần hồn.

Cách đây bốn năm, một nhóm nhà khoa học tại Anh đã công bố công thức toán học tạo nên người vợ hoàn hảo đúng chuẩn. Cuộc nghiên cứu dựa trên 1.074 cặp đôi từ độ tuổi 19 -75 này đã đưa đến kết luận: Để tạo được một mối quan hệ hạnh phúc và bền lâu, người vợ phải trẻ hơn chồng khoảng 5 tuổi, thông minh hơn đức lang quân 27% nhưng lại phải có nền tảng văn hóa, quan điểm sống tương đồng với anh ta. Người dẫn đầu nghiên cứu lớn tiếng khẳng định: “Nếu mọi người chọn bạn đời theo các hướng dẫn này, cơ hội họ có được cuộc hôn nhân hạnh phúc và vững bền sẽ tăng lên 20%”. Ngay khi nghiên cứu được đăng tải trên European Journal of Operational Research, nó đã gây lên cuộc tranh cãi gay gắt trong dư luận. Người này bày tỏ sự tán đồng và chẳng thấy ngạc nhiên chút nào khi được biết vợ hoàn hảo não phải “to” hơn chồng. Người kia lại nói như chửi thẳng vào mặt nghiên cứu khoa học: “Dối trá và thống kê máy móc”. Tóm lại, khoa học vẫn đang bó tay trong việc định nghĩa, định lượng hay định tính về người vợ hoàn hảo.

Hoàn hảo có mang lại hạnh phúc cho phụ nữ?

Trong chuẩn mực vợ ngoan, vợ hoàn hảo, dường như có sự thông đồng của mọi đàn ông trên toàn thế giới, bất kể châu lục, bất kể sắc tộc, bất kể văn hóa, bất kể thời gian. Những điều Chanakya nói tại Ấn Độ từ trước Công Nguyên vẫn tiếp tục vang vọng, tái sinh mạnh mẽ ngay trên đất Mỹ, xứ sở có tiếng là văn minh, hiện đại. Quý ông Hoa Kỳ năm 1955 vô cùng hào hứng liệt kê ra một bảng danh sách Hướng dẫn làm vợ tốt (The good wife’s guide) gây được tiếng vang thời đó đồng thời vẫn được truyền bá đến tận ngày nay.

Bản danh sách hùng hồn ấy có khoảng 15 điều, phân tích tỉ mỉ các đức tính cần thiết cho một bà vợ tốt, ưu tiên hàng đầu là phải phục vụ chồng thật tốt, luôn làm vui lòng chồng, luôn tuân lời anh ta, không cãi, không hỏi, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên và phải biết vị trí của mình ở đâu cũng như ai là chủ trong nhà. Trí tuệ Trung Hoa cao tay hơn, đã rót tất cả những tinh túy để làm nên người vợ hoàn hảo vào trong cụm từ “tam tòng, tứ đức”, biến nó thành một loại bùa chú đã giam cầm thế giới tinh thần của đàn bà Trung Quốc nói riêng và đàn bà châu Á nói chung.

Hấp thụ gần như trọn vẹn quan điểm về người phụ nữ đúng chuẩn của bạn láng giềng Trung Quốc, dân ta cũng rầm rì xét nét “công, dung, ngôn, hạnh”, cũng nhỏ to “thắt đáy lưng ong, đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”. Chung thủy, đảm đang, nhẫn nhịn, tảo tần… trở thành định nghĩa cho những “mỹ đức” nơi phụ nữ Việt. Song hành cùng với sự phát triển của xã hội, người phụ nữ đã bước ra khỏi cái bóng của đàn ông và làm nảy sinh khái niệm “đấu tranh bình đẳng giới”. Thế giới mau mắn tặng cho họ ngày mùng 8/3 để tự hào. Phụ nữ Việt Nam cũng có ngày 20/10 để cùng chung niềm vui được tôn vinh khi là đàn bà Việt. Song bên cạnh sự tôn vinh đó, họ vẫn được kỳ vọng trở thành người hoàn hảo, thành mẹ hiền, vợ đảm, dâu ngoan… Sự kỳ vọng ấy có gì sai? Trở thành người hoàn hảo có gì không tốt? Câu trả lời là không sai và cũng không có gì không tốt. Điều bất thường duy nhất là các tiêu chuẩn ấy chưa chắc thực sự hữu ích cho chính phụ nữ.

Đàn bà hoàn hảo không phải cho chính mình mà để đem đến hạnh phúc cho gia đình, cho chồng con và khiến cho gia tộc họ hàng cảm thấy hài lòng. Thật vậy, chuẩn mực người vợ hoàn hảo đòi hỏi phụ nữ phải hy sinh, phải quên mình cho lợi ích tốt đẹp của đàn ông, gia đình và xã hội. Tiêu chuẩn vợ hoàn hảo được đánh giá qua lăng kính của đức ông chồng, người được thụ hưởng lợi ích nếu may mắn sống cùng phụ nữ hoàn hảo. Trong khi đánh giá, người đàn ông sẽ đặt vào trong đó bao nhiêu phần tư lợi, ích kỷ cá nhân của anh ta? Nói đến cùng, khái niệm người vợ hoàn hảo cũng giấu trong nó thứ cạm bẫy tinh thần khiến người phụ nữ bị lừa dối, thậm chí trở nên mê muội. Đã hàng thế kỷ trôi qua, nhân loại chưa từng tìm thấy chiếc khuôn nào đúc vừa người vợ đức hạnh và cũng chưa có chuẩn mực nào trở thành chân lý vĩnh hằng. Bởi vì, trên thực tế, tiêu chuẩn về người vợ hoàn hảo không hề tồn tại. Hôn nhân là sự kết hợp của cả vợ lẫn chồng, mái ấm gia đình đòi hỏi sự vun đắp từ cả hai phía. Còn người vợ hoàn hảo, hãy tìm cô ta trong tình yêu của người chồng. Bởi trong mắt kẻ đang yêu, bạn tình luôn hoàn hảo.

Ngọc Minh (Theo Lifestyle)