Đưa bực tức lên giường ngủ chính là hành động gián tiếp hủy hoại cuộc sống vợ chồng bạn. Vì sao lại như thế nhỉ? Mời bạn cùng xem chia sẻ sau đây

Cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những lúc giận hờn, cãi vã. Nhưng vấn đề ở đây là cách giải quyết sau những ồn ào, tranh cãi ấy. Nhiều cặp vợ chồng sau khi to tiếng vào buổi tối, nếu “chiến tranh” không được giải quyết, họ sẽ ôm “cục tức”… đi ngủ. Các chuyên gia tâm lý cho rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng bởi 7 lý do sau:

Thứ 1: Cuộc chiến trước giờ đi ngủ dễ khiến bạn mất ngủ và gây ra hàng loạt các vấn đề cho sức khỏe như: giảm trí nhớ, tiểu đường, tim mạch, nhanh lão hóa…

Thứ 2: Nếu cứ ôm nỗi bực dọc đi ngủ, buổi sáng hôm sau khi thức dậy, hai bạn còn có thể “châm ngòi” cho một cuộc cãi vã khác. Một khi nỗi ấm ức chưa đi xuống mà còn “mắc nghẹn” trong cổ họng, chỉ một hành động nhỏ của đối phương cũng rất dễ khiến bạn “chướng mắt” và tuôn ra những lời lẽ không hay.

Thứ 3: Khi cơn tức giận chưa nguôi ngoai, chắc chắn rằng chẳng ai muốn “đụng chạm” vào người kia. Đời sống vợ chồng bạn sẽ nhanh chóng trở nên vô vị, nhạt nhẽo, mở đường cho “người thứ 3” xuất hiện.

Tránh đưa bực tức lên giường ngủ, bí quyết hạnh phúc của người phụ nữ thông minh. (Ảnh minh họa)

Thứ 4: Việc không giải quyết được những xung đột cuối ngày cũng làm gia tăng nguy cơ trầm cảm cho cả hai, nhất là phụ nữ, người thường suy nghĩ, trăn trở nhiều hơn trong các cuộc cãi vã. Đừng xem nhẹ vấn đề này nhé, không ít người mất khả năng kiểm soát lý trí chỉ vì những sự việc nhỏ nhặt thế này thôi đấy.

Thứ năm: 60 – 90% nguyên nhân đau đầu là do căng thẳng. Chúng thường khởi phát theo sau giai đoạn bị kích thích, căng thẳng tâm lý, cãi vã hoặc trầm cảm… Khi nỗi hậm hực còn đang bốc khói ngùn ngụt trong lòng, các tế bào nơ ron thần kinh về cảm giác bị ảnh hưởng, gây ra những cơn đau đầu vô cùng khó chịu.

Thứ sáu: Nếu như bạn có con nhỏ và chúng ngủ cùng với ba mẹ thì việc cãi nhau trước mặt con cái thực sự là một thảm họa. Những hình ảnh, âm điệu, lời nói gây tổn thương ấy khiến tinh thần của trẻ sa sút. Trẻ sẽ khó ngủ, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt vào ngày hôm sau và quan trọng hơn cả là hình ảnh ba mẹ không còn lung linh trong mắt của trẻ như trước nữa.

Thứ 7: Có những giấc mơ thật đẹp, nó khiến người ta thư thái khi tỉnh giấc nhưng cũng có những cơn ác mộng ập đến trong giấc ngủ mà khi tỉnh dậy, không một ai muốn nhớ lại. “Ôm cục tức” đi ngủ chính là cách mang bạn đến gần với những cơn ác mộng một cách nhanh nhất.

Chẳng ai muốn bị ám ảnh bởi những thứ đen tối như thế. Vậy nên đừng đưa sự bực tức lên giường ngủ, bạn nhé. Đây cũng chính là bí quyết hạnh phúc của người phụ nữ thông minh mà ai cũng nên học hỏi.

Theo mevacon