Tránh những thứ có hại cho phổi và thực hiện những thói quen tốt sẽ giúp cho lá phổi khoẻ mạnh hơn.

Tránh những thứ có hại cho phổi và thực hiện những thói quen tốt sẽ giúp cho lá phổi khoẻ mạnh hơn.

3 thứ mà phổi “sợ” nhất

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh, Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết phổi là một cơ quan chịu tác động từ môi trường, thức ăn. Khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường, thức ăn có chứa hoá chất là những thứ phổi “sợ” nhất.

Chính vì thế, để bảo vệ lá phổi, mọi người cần phải bỏ thuốc lá. Thuốc lá có tới hơn 1.000 chất độc cho cơ thể, trong đó có những chất có thể gây ung thư.

Bác sĩ nội trú Cao Sỹ Phước, Khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho rằng ngoài thuốc lá truyền thống, mọi người cũng cần bỏ hút thuốc lá điện tử.

Liên quan tới vấn đề ăn uống, bác sĩ Hạnh cũng lưu ý các thức ăn có chứa hoá chất đều có thể tác động tới phổi và làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở cơ quan này. Do vậy, các thực phẩm ăn vào cần đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

1 thói quen giúp lá phổi khỏe

Thở là hoạt động mang lại sự sống và duy trì sự sống cho con người. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhiều người có thói quen thở bằng miệng bên cạnh việc thở bằng mũi.

Bác sĩ Phước cho biết thở bằng mũi sẽ tốt hơn thở qua miệng. Bởi vì khi thở bằng mũi không khí cần đi qua lông mao sau đó mới xuống phổi. Sự cản trở của lông mao quanh mũi giúp làm ấm và cân bằng nhiệt độ không khí với môi trường cơ thể, tránh cảm lạnh. Hệ thống lông tại mũi còn có chức năng cản trở những bụi bẩn nhỏ, từ đó không khí được đưa vào phổi sẽ sạch hơn.

Ngược lại, khi thở bằng miệng, không khí sẽ đi thẳng vào phổi. Do vậy, nếu trong không khí có bụi hoặc không khí lạnh, thở bằng miệng sẽ khiến bụi và khí lạnh đi vào phổi,… Đó cũng là lý do vì sao vào sáng sớm chúng ta nên hít thở bằng mũi thay vì bằng miệng để tránh bị viêm họng do lạnh.

Bác sĩ Phước đưa thêm ví dụ, với những bệnh nhân vào viện phải đặt nội khí quản, không khí từ bên ngoài môi trường cũng trực tiếp đi vào phổi, từ đó làm tăng nguy cơ bị viêm phổi.

“Không khí đi qua mũi sẽ được làm sạch, ấm, ẩm trước khi vào phổi. Nếu hít không khí bằng miệng, không khí từ môi trường sẽ đi trực tiếp vào phổi mà không có quá trình làm sạch, ấm và ẩm”, bác sĩ Phước nói.

3 thứ mà phổi 'sợ' nhất và 1 thói quen giúp phổi khoẻ: Đơn giản nhưng không phải ai cũng biết- Ảnh 1.
Thở đúng cách giúp phổi khoẻ (Ảnh minh hoạ)

Do vậy, một cách bảo vệ phổi rất đơn giản mà chúng ta có thể làm đó là thở bằng mũi, hạn chế tối đa thở bằng miệng.

Để bảo vệ phổi, hãy thực hiện thêm những điều này

Bác sĩ Hạnh cho biết thực phẩm tốt cho phổi là những loại rau lá xanh có chứa các chất chống oxy hoá. Mọi người nên bổ sung nhóm thực phẩm này vào chế độ ăn uống để bảo vệ phổi. Bên cạnh đó, vị chuyên gia thăm dò chức năng hô hấp cũng khuyến khích mọi người nên tập luyện thường xuyên các bài tập vừa sức vì đây là hoạt động giúp phổi khỏe mạnh hơn.

Đồng quan điểm với bác sĩ Hạnh, bác sĩ Phước cũng cho rằng một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và tập thể dục đều đặn cũng là cách giúp lá phổi khoẻ hơn. Bên cạnh đó, bác sĩ Phước lưu ý mọi người khi tham gia giao thông cần đeo khẩu trang để hạn chế hít phải bụi, khói xe. Đồng thời, cần đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng để phòng ngừa các bệnh lây qua đường hô hấp.

Cả hai vị chuyên gia đều lưu ý những người lao động trong môi trường có chứa chất độc hại, ví dụ như mỏ than, mỏ silic cần phải mặc đồ bảo hộ để tránh bị suy giảm chức năng phổi.

Đặc biệt, bác sĩ Hạnh còn gợi ý bài tập đơn giản tốt cho việc cải thiện phổi mà mọi người có thể áp dụng mọi lúc, mọi nơi. Bài tập này được thực hiện như sau:

Bước 1: Hít sâu bằng mũi cho căng lồng ngực và giơ 2 hai tay lên cao.

Bước 2: Từ từ thả tay xuống thở ra bằng miệng cho hết khí cặn.

Lưu ý làm chậm, mỗi ngày tập 10-15 phút vào buổi sáng và lặp lại vào buổi tối.

Bác sĩ Hạnh nhấn mạnh đây là bài tập rất tốt cho phổi, cải thiện chức năng hô hấp. Nếu lồng ngực nhỏ, phổi không tốt, kiên trì tập sẽ tăng dung tích phổi tới 10% và phổi sẽ khoẻ lên rất nhiều.

Theo nguoiduatin.vn