Việt Nam là một trong những nước có chỉ số tia cực tím rất cao quanh năm, nhất là những tháng hè.

Tiếp xúc với tia cực tím giúp cho cơ thể người tổng hợp vitamin D, một vitamin đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển xương, hoạt động hệ miễn dịch và tạo tế bào máu. Tuy nhiên khi tiếp xúc quá nhiều hoặc quá lâu với tia cực tím sẽ gây tổn hại cho da.

COVER

Tác động của tia cực tím lên da

Khi tiếp xúc với một lượng quá nhiều tia cực tím trong môt thời gian ngắn sẽ  gây rám da, bỏng nắng, đau rát, trường hợp nặng hơn, da có thể bị phồng rộp.  Nếu tiếp xúc lâu dài với tia cực tím sẽ làm biến đổi kết cấu và giảm độ đàn hồi da, dẫn đến các biểu hiện lão hóa sớm như nếp nhăn, chùng da, túi mỡ, xạm da, đồi mồi, tàn nhang…, trong đó biến chứng lâu dài và nguy hiểm nhất là ung thư da.

Các biện pháp phòng ngừa tác hại của tia cực tím

Để phòng ngừa các tác hại của tia cực tím, chúng ta cần hạn chế tiếp xúc với ánh nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, vì đây là khoảng thời gian có lượng tia cực tím mạnh nhất trong ngày.

Trong tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay, cộng với tình trạng không khí ô nhiễm, đầy khói bụi ở thành phố, thì việc đội nón rộng vành, đeo khẩu trang, mặc áo quần dài tay khi đi ngoài đường cũng rất cần thiết. Tốt nhất nên sử dụng kem chống nắng khi có việc phải ra ngoài trời nắng. Để sử dụng kem chống nắng đạt hiệu quả tích cực, nên sử dụng loại kem chống nắng phổ rộng (có tác dụng bảo vệ cả tia UVA lẫn UVB) và có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên. Nên bôi 20 phút trước khi ra ngoài trời, bôi lên tất cả những vùng da tiếp xúc với ánh nắng và nên bôi trở lại sau khi ra mồ hôi nhiều hay sau khi tắm.

Nguồn: Tạp chí sức khỏe