nguyen-thi-minh-ngoc-3

Ảnh: nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc

Văn bản đó bây giờ đã thất lạc, tôi chỉ nhớ tôi đã mở đầu với ý tưởng: cổ tích cho chúng tôi, đàn con của Má là cuộc sống trong tù đầy oan khuất và cũng vô cùng thú vị của bà. Bà ngoại tôi mất vì băng huyết sau khi sanh em bé trong đêm giao thừa, để lại ông ngoại với hai con thơ. Ngay hồi còn nhỏ xíu, Má đã sớm hiểu thế nào là vị đắng của cảnh sống chung với người không phải là mẹ ruột của mình. Ông ngoại tôi sau đó kiếm cho Má đến gần chục bà dì ghẻ – theo hàng dọc chớ không phải dàn theo hàng ngang. Bận bịu việc kiếm tiền, ông cần người mẹ khác cho con hơn là kiếm vợ cho mình. Ngày nào khám phá ra vẻ ngọt ngào kia là xảo trá, không thoát được thói đời “dì ghẻ, con chồng” là ông cho các bà ấy lên đường.

Đến bà cuối cùng, Má “tự xử” bằng cách bỏ nhà vào Sài Gòn để học may. Chẳng ngờ trên lầu tiệm may đó là một tổ chức chống Pháp. Mật thám cho người bắt cả nhà, Má bị bắt oan, nhưng bà vẫn cho đó là điều may mắn nhất trong đời bà, vì những điều bà học được từ đó. Bà được sống chung với các nữ tù chính trị lẫn nữ tù thường phạm, các anh thư lẫn các nữ giang hồ bị buộc liệng đi dao búa ngoài chấn song nhưng cái nghĩa khí “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha” thì không tra tấn nào dập tắt được. Nhờ ba cưới, Má mới được ra khỏi tù, với tinh thần “gặp Phật – lạy, gặp quỷ – trừ”. Ra tù, Má yếu nhiều, ba mang vợ con gởi nhà bà con. Má được cho ở nhà sau, nhưng nước uống được lại ở nhà trên. Mỗi lần má thấy uống xong, con gái chủ nhà giựt cái ly đem trụng nước sôi vì sợ… lây vi trùng. Cái ngày bốn chữ “con tù Bà Rá” thoát ra từ miệng cô ta, Má rút guốc phang ngay rồi bình tĩnh thay chiếc áo trắng, chờ cảnh sát tới còng tay. Tiếng đồn về họ nội hoàng tộc ngoài Huế của chúng tôi là ba tôi đã cưới phải một nữ tặc “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.

Má sanh cho ba hơn chục người con. Không thể kể hết những gì Má đã sống và làm để đứa nào cũng ăn học nên người. Sau 1975, với tính khí khái, Má gặp biết bao khó khăn để có thể tiếp tục giúp cả nhà sống tử tế. Tiếc là khi gom lại vài bài báo viết về Má in thành sách, những đoạn đó đã bị biên tập mất mà tôi không hay. Ngày Má mất, tôi ở Mỹ bay về thì đã không còn có thể nói gì với Má nữa. Giây phút chuẩn bị đưa quan tài của Má vào lò thiêu, tôi vẫn còn nhiều điều chưa nói hết với Má, tôi vẫn chưa kể hết trong các trang viết của tôi về những điều lớn lao mà Má đã làm được cho chúng tôi. Trước cái chết, nhất là cái chết của má, tôi thấy mọi chữ nghĩa đều vô dụng.

51 tuổi, tôi mới lập gia đình. Một trong những lý do khiến tôi lập gia đình là tôi muốn Má vui. Ít ai biết, ở xứ người, nhiều khi nửa đêm tôi bật dậy, khóc ngất, chỉ vì nhớ Má. Nhớ những tối làm việc khuya, quên báo về, Má cứ ngồi ngoài cửa ngóng con. Nhìn má thức đợi, tôi hiểu, con bao nhiêu tuổi thì với má vẫn là đứa nhỏ cần hơi ấm mẹ che chở giữa bão táp cuộc đời. Tôi có người bạn, khi mẹ hấp hối, đã tụng hồi kinh Thuỷ Sám để xin chuyển bớt tuổi thọ của mình cho mẹ. Có lẽ nhờ vậy mà mẹ cô tỉnh lại. Bắt chước cô, mừng Má thọ tám mươi tuổi, thấy má yếu dần, mà mình không còn được cận kề Má nữa, tôi cũng lên chùa xin được tụng hồi Thuỷ Sám cũng với lòng thành muốn chuyển năm sống của mình cho má.

Một năm sau khi Má mất, khi lái xe trên xa lộ liên bang, chúng tôi gặp một tai nạn xe mà việc sống chết chỉ trong gang tấc. Tôi tin mình sống được có lẽ do lời vái của tôi trước đó, lẽ ra đã tới giờ tôi phải ra đi như lời cầu ước, nhưng rồi chính linh hồn của Má tôi, đã lay động được những đấng thiêng liêng nào đó, thương đứa con này mà trả lại cho tôi được sống thêm những năm tặng Má.[…]

Con gái của Má,

Nguyễn Thị Minh Ngọc

 Theo Thế Giới Tiếp Thị