Dù vấp phải khá nhiều rắc rối trong kinh doanh, năm 2014 sau cùng vẫn là một năm đầy thành công của thương hiệu Apple. Với bản báo cáo thường niên của Best Global Brand, “trái táo” một lần nữa lại chiếm giữ vị trí hàng đầu bảng xếp hạng, trở thành một trong hai thương hiệu duy nhất đạt trị giá trên 1 tỷ USD. Chỉ trong một năm, giá trị của thương hiệu Apple đã tăng lên 21%, mức tăng trưởng mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng lấy làm mơ ước.

Steve Jobs và John Sculley năm 1984

Ma thuật của nghệ thuật tiếp thị

Tất nhiên, thành công của Apple không phải là điều khiến công chúng ngạc nhiên. Người ta đã quá quen với những điều kỳ diệu mà gã khổng lồ của thế giới công nghệ này đạt được. Thế giới này luôn có cả triệu triệu người sẵn sàng xếp hàng hàng giờ, thậm chí vài ngày để được là người đầu tiên sở hữu một sản phẩm mới nào đó của Apple. Những fan trung thành của thương hiệu không ngớt say sưa tán thưởng chất lượng sản phẩm, những dịch vụ tuyệt vời cùng những ứng dụng đầy cảm hứng mà Apple đem lại cho họ. Người ta sẵn sàng trả một số tiền rất lớn chỉ để sở hữu một sản phẩm Apple như biểu tượng cho sự sành điệu, thời thượng, thành đạt, trẻ trung hay sáng tạo, phóng khoáng…

Trong suốt hơn ba thập kỷ qua, câu hỏi tại sao thương hiệu Apple lại có thể thành công là câu hỏi vừa quen vừa bí ẩn đối với giới phân tích. Họ dễ dàng liệt ra cả một danh sách dài những yếu tố làm nên chiến tích lẫy lừng cho trái táo công nghệ nhưng cũng không ngừng tranh cãi quanh nó. Hiển nhiên, các sản phẩm mang tính đột phá của Apple không phải yếu tố duy nhất đưa Apple trở thành lực lượng hùng hậu trong thế giới máy tính và các thiết bị di động. Trên thực tế, điều khiến nhiều chuyên gia tán thưởng hơn cả ở người khổng lồ Cupertino (trụ sở mới của Apple) là khả năng phá vỡ tất cả các quy tắc cùng lúc vẫn làm chủ được nghệ thuật tiếp thị.

Apple không chỉ được coi là nhà sản xuất các sản phẩm công nghệ mà còn được định vị như một công ty marketing bậc thầy. Không phải ngẫu nhiên mà trong suốt giai đoạn những năm cuối 1980 và đầu những năm 1990, John Sculley, giám đốc điều hành của Apple đã thực hiện chiến dịch tiếp thị gần như điên cuồng cho thương hiệu này, đẩy mức kinh phí cho quảng cáo từ 15 triệu USD lên tới 100 triệu USD. Steve Jobs lúc sinh thời cũng hào phóng chi 100 triệu USD cho chiến dịch tiếp thị sản phẩm iMac cũng như tiêu những khoản tiền cực lớn trong nhiều chiến dịch quảng cáo cho các sản phẩm đỉnh cao của hãng. Marc Gobe, tác giả cuốn Thương hiệu cảm xúc, đã có nhận xét vô cùng xác đáng về sức mạnh thương hiệu Apple: “Nếu không có thương hiệu, Apple sẽ chết.”

Thương hiệu của cảm xúc

Thương hiệu Apple đã có tất cả mọi thứ, từ biểu tượng cho một phong cách thời thượng cho tới biểu tượng của sự đổi mới có tính “cách mạng”. Hãng không chỉ sáng tạo ra những iMac, iPhone, iPad mà còn sáng tạo ra những chiến dịch tiếp thị đã thuyết phục hàng triệu người rằng họ cần những sản phẩm công nghệ thông minh ấy. Với mỗi sản phẩm Apple mình sở hữu, bạn cảm thấy những xúc cảm đặc biệt. Bạn tin rằng hãng sẽ luôn ở bên cạnh sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của bạn. Trên hết, “trái táo” đặc biệt thành công trong việc thuyết phục rằng bạn đang có trong tay sản phẩm công nghệ có chất lượng tốt nhất trên thị trường.

Sức mạnh tiềm ẩn trong chiến dịch marketing thương hiệu Apple là sự tin tưởng mà hãng đã xây dựng được trong lòng các khách hàng của mình. Người sử dụng sản phẩm Apple không chỉ đơn giản là những fan hâm mộ trung thành của “trái táo” mà đại đa số họ còn là những chiến binh dũng cảm luôn sẵn sàng hành động, ra mặt bảo vệ cho thương hiệu trước các thế lực “thiếu cảm tình” với hãng trên toàn thế giới. Lòng tin ấy không thể định giá nhưng nó là sức mạnh không thể phủ nhận cũng như là một thành công tuyệt vời của Apple. Nó được xếp vào hạng thượng hiệu cảm xúc điểm hình. Apple không đơn thuần là thân thuộc với khách hàng, nó được khách hàng yêu quý và cứu rỗi. Đến nay, thương hiệu Apple trở thành biểu tượng của trí tưởng tượng, thiết kế và sáng tạo. Điều Apple làm được đã vượt qua khái niệm thương mại thông thường để tiến thẳng vào thế giới cảm xúc, tình yêu của người sử dụng.

Chiến dịch marketing khác biệt

Chiến lược marketing của Apple đã làm được nhiều điều khiến ngay cả các bậc thầy trong ngành này cũng phải thấy kinh ngạc. Nó luôn khác biệt với các đối thủ cạnh tranh khác. Ngay từ những năm 1984, marketing của Apple đã được đánh giá là sự kết hợp nhuần nhuyễn của chiến thuật tạo cảm giác “chậm chân thì mất phần” và tâm lý “ăn theo” cho khách hàng. Nó khiến cho mọi người mê mẩn và sẵn sàng bỏ công xếp thành hàng dài để chờ được mua sản phẩm mới của hãng. Với chiến thuật “Think Different” – “Suy nghĩ khác biệt”, Apple đã nắm giữ vị trí quyền lực của mình trong làng công nghệ với những dòng sản phẩm được được nhận định bằng sự hoàn hảo, khác biệt và dẫn đầu. Và kể từ ngày Steve Jobs bước lên sân khấu Moscone Center với chiếc iPhone cùng lời giới thiệu bất hủ “Ngày hôm nay, Apple sẽ định nghĩa lại điện thoại”, hãng đã định nghĩa và tái tại lại nhiều sản phẩm công nghệ khác.

Trên “mặt trận” công nghệ cao, Apple có những đối thủ vô cùng đáng gờm. Sản phẩm iPhone, một trong những con gà đẻ trứng vàng cho Apple, đã nhiều lần bị đối thủ kèn cựa, thậm chí là vượt mặt. Các hãng LG, Samsung, HTC… đều tung ra sản phẩm có tiện ích tương tự như iPhone. Song song với lực lượng fan hùng hậu, Apple cũng có lượng anti-fan ghê gớm không kém. Thế nhưng, bất chấp mọi “lời ong tiếng ve”, vị thế của Apple vẫn vững chãi như núi. Lý do là Apple đã nhanh chân tạo lập uy tín và luôn đi trước một bước so với các đối thủ của mình. Apple có thể không phải là người đầu tiên phát minh ra một sản phẩm công nghệ mới nhưng luôn là người tái tạo lại và khiến sản phẩm đó tốt hơn. Nó không ngừng đưa ra những thay đổi mạnh mẽ, đem tới sáng tạo đột phá hơn và không ngừng tìm kiếm những sản phẩm độc đáo và hoàn mỹ, thiết kế đẹp và thân thiện. Trái táo công nghệ kỳ diệu này luôn biết cách trỗi dậy và tỏa sáng bằng sức mạnh ma thuật của mình.

Theo Nam Dương

Nguồn: tapchilifestyle.com