Khi Samsung quảng cáo khắp nơi rằng QLED là công nghệ ra đời sau và vượt trội hơn so với OLED thì LG tỏ ra không mấy ấn tượng. Thậm chí LG còn tuyên bố QLED chẳng phải là cách mạng gì hết và chỉ giống như LCD mà thôi.

Samsung và LG là hai đối thủ cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ trong ngành công nghệ, và đặc biệt lĩnh vực TV, cả hai đều  ĐẶT CƯỢC  vào những công nghệ cho tương lai khác nhau với một mục tiêu chung nhất là khiến cho trải nghiệm xem TV của người dùng được thực hơn. Gần đây nhất, LG tung ra sản phẩm OLED TV còn Samsung xuất hiện kế tiếp với QLED TV. Vậy công nghệ nào mới là tương lai?

Qled tivi

Khẩu chiến về OLED và QLED

Samsung, nhà sản xuất TV số 1 thế giới, vừa bắt đầu bán các dòng TV cao cấp 2017 ở một số thị trường. Các TV cao cấp mới của Samsung hiện được quảng bá với cái tên mới mẻ là TV QLED. Trong khi đó, đối thủ LG, nhà sản xuất TV số 2 thế giới, sẽ tiếp tục bán TV cao cấp sử dụng công nghệ tấm nền OLED. Các hãng Philips, Panasonic và sắp tới là Sony cũng sẽ bán TV OLED nhưng tấm nền trong TV OLED của các hãng này đều được cung cấp bởi LG Display.

Trước đó, tại triển lãm điện tử tiêu dùng IFA diễn ra ở Berlin năm ngoái, Samsung đã bước lên sân khấu và giới thiệu chiếc TV chấm lượng tử 88 inch KS9800 của mình. Samsung tuyên bố theo đuổi công nghệ chấm lượng tử và hứa hẹn sẽ cách mạng hóa cả thị trường TV.

lg-oled-tv_sjyo

LG OLED TV

Thế nhưng LG không bị thuyết phục. Gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc vốn cạnh tranh với Samsung trên tất cả mọi lĩnh vực từ thiết bị gia dụng tới smartphone, cho rằng công nghệ màn hình diot phát quang hữu cơ (OLED) mới là tương lai. Trong khi đó, Samsung lại lựa chọn bỏ qua OLED.

Tại IFA, cả hai hãng đều đã có cơ hội để “đào bới” công nghệ của nhau. Tại buổi họp báo tại sự kiện, ông Michael Zoeller, Giám đốc mảng màn hình châu Âu của Samsung đã trích dẫn một bài kiểm tra của hãng HDTVtest trong đó chỉ ra rằng TV của Samsung chiến thắng TV của LG về độ sáng và độ tương phản khi xem các nội dung HDR.

Những hình ảnh được chụp ở chế độ HDR khiến sự tương phản giữa màu sáng và màu tối nổi bật hơn để những điểm màu sáng thậm chí còn sáng hơn. Mục đích là nhằm làm cho hình ảnh trên màn hình nhìn thực hơn.

LG cũng không kém cạnh và lập tức đáp trả: “Bạn không thể chỉ lựa chọn một vài khía cạnh của cuộc kiểm tra sau đó nói lại với người dùng. Nếu bạn chỉ nhìn vào độ sáng, chấm lượng tử với LCD sẽ sáng hơn OLED. Vấn đề đó thuộc về vật lý rồi”, phát ngôn viên LG trả lời trang CNBC.

“Cái chúng tôi muốn nói đến là người dùng nhìn chung muốn nhiều hơn chứ không đơn thuần chỉ là độ sáng, họ muốn độ tương phản, màu sắc, gam màu, và còn rất nhiều cách để đo hiệu năng của một chiếc TV. Nếu bạn nhìn vào tổng thể và so sánh OLED với các TV khác, tất cả các chuyên gia TV đều sẽ nói rằng OLED là công nghệ tốt hơn”.

Cuộc khẩu chiến giữa hai bên không dừng lại ở đó, tháng 1 năm nay, tại triển lãm CES, Samsung tuyên bố những chiếc TV QLED của mình mang lại chất lượng hình ảnh tốt nhất từ trước tới nay, đánh dấu một “sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp thị giác”, theo thông tin đưa trên Techtimes.

Cũng ngay tại sự kiện này, LG đã phản pháo thông tin Samsung đưa ra và cho rằng công nghệ TV QLED mới của Samsung chẳng phải là cách mạng gì hết. LG sẽ vẫn tiếp tục tập trung vào phát triển những chiếc TV OLED và công nghệ TV QLED thì đúng là có điểm mạnh thật đấy, nhưng nó chẳng đáng kể.

Cụ thể hơn, phát ngôn viên của LG còn ám chỉ QLED có độ sáng hơn nhưng đó là tất cả những gì mà dòng TV QLED mới vượt trội hơn những chiếc TV chấm lượng tử của Samsung đã ra đời trước đó, Techtimes đưa tin.

Theo thông tin đưa trên trang Business Insider, ông Han Sang-beom, Phó Chủ tịch mảng Màn hình của LG phát biểu: “Sự thay đổi duy nhất giữa sản phẩm mới và trước đây của Samsung Electronics chính là độ sáng. Trong chấm lượng tử, độ sáng có thể thay đổi nhờ đèn nền. Thực sự là Samsung đã cải thiện được hiệu năng của chấm lượng tử, nhưng nó là một phần rất nhỏ của tổng thế. Nó vẫn chỉ là một tấm LCD mà thôi”. Bình luận này được Phó Chủ tịch LG đưa ra để đáp lại những lời ca ngợi của Chủ tịch Samsung Electronics, Kim Huyn-seok dành cho công nghệ TV QLED. Ông còn cho biết “việc so sánh hơn nữa về chất lượng hình ảnh thì chỉ là vô nghĩa”.

Công nghệ

Vậy hai công nghệ này là như thế nào? TV màn hình tinh thể lỏng (LCD) hoạt động bằng cách chiếu sáng một tấm nền qua các bộ lọc màu sắc để tạo nên hình ảnh trên màn hình. Nhưng quy trình này khiến nhiều ánh sáng bị mất đi, màu sắc thiếu hoàn hảo và không đủ độ tương phản.

Giải pháp của Samsung đó là đem một lớp chấm lượng tử vào giữa quy trình này. Chấm lượng tử (quantum dot) là những phân tử cực nhỏ khi được ánh sáng chiếu vào sẽ phát ra những màu sắc khác nhau. Trong các TV QLED 2017 của Samsung, các chấm lượng tử được đặt trong tấm phim và ánh sáng chiếu qua tấm phim đó từ những đèn LED nền. Ánh sáng đó sẽ đi qua vài lớp khác trong TV gồm lớp tinh thể lỏng (LCD) để tạo ra hình ảnh. Ánh sáng từ nguồn đèn LED được truyền qua các lớp đến bề mặt màn hình. Điều này sẽ khiến chiếc TV đem đến màu sắc sáng hơn.

Trái lại, công nghệ OLED chỉ là một lớp vật liệu duy nhất chiếu sáng một số màu sắc khi dòng điện được truyền qua đó. Ưu điểm của công nghệ này là các chấm pixel riêng biệt trên màn hình có thể được tắt đi để trở thành màu đen tuyệt đối.

Cả hai công ty đã ĐẶT CƯỢC vào hai công nghệ khác nhau nhưng lại cùng sử dụng những công nghệ này để hỗ trợ các hình ảnh HDR. HDR sẽ cho phép màu trắng trắng hơn, màu đen tối hơn và tạo ra độ chân thực cao hơn cho các hình ảnh dạng 3D.

Samsung tuyên bố hãng đang hợp tác cùng Netflix và Amazon để sản xuất các nội dung HDR và cả hai cam kết sẽ đem đến nhiều nội dung với chuẩn chất lượng này trong tương lai. LG cũng chia sẻ với trang CNBC rằng công ty đang làm việc với tất cả các dịch vụ stream video lớn.

HDR cũng có rất nhiều tiêu chuẩn được sử dụng bởi nhiều nhà sản xuất và phát nội dung khác nhau. Trước IFA, LG tuyên bố những chiếc OLED TV của hãng hỗ trợ 3 chuẩn HDR là HRD10, Dolby Vision và HLG. Điều đó có nghĩa là về mặt lý thuyết, với TV LG người xem có thể xem được nhiều nội dung với chất lượng này hơn, và theo LG thì đây là điểm mà hãng nổi trội hơn so với Samsung.

Trả lời phỏng vấn CNBC, phát ngôn viên LG cho biết: “Chúng tôi vẫn là chiếc TV duy nhất phù hợp với mọi định dạng. Nếu bạn muốn xem được cả ba, lựa chọn duy nhất của bạn là LG”.

Ai sẽ thắng?

lg-vs-samsung-tv_epcn

OLED cho bạn màu đen tối hơn, trong khi chấm lượng tử cho bạn màu trắng sáng hơn. Điều khó là làm sao để tìm ra được sự hòa hợp giữa cả 2 công nghệ và đem đến những nội dung HDR tốt hơn, theo các nhà phân tích.

Cuối cùng, lựa chọn sẽ tùy vào người dùng TV muốn đem sản phẩm nào về nhà, theo Paul Gray, nhà phân tích chính của IHS, chuyên về thị trường TV.

Tuy nhiên ông Gray cho biết LG là hãng duy nhất tập trung vào OLED và điều này sẽ dẫn đến việc chậm cải tiến.

“Về lâu về dài OLED sẽ gặp khó khăn với tốc độ cải tiến và giá thành của LCD bởi chỉ có một công ty duy nhất đối đầu cả ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp LCD có quy mô hơn. OLED là một công nghệ chưa trưởng thành khi mà chỉ có một công ty tự cải tiến, họ đang làm tốt nhưng chỉ có một mình thì rất khó khăn”.

Xét cho cùng OLED hay QLED tốt hơn hoàn toàn tùy thuộc vào mắt nhìn của bạn, bạn thích màu đen tối hơn hay màu trắng sáng hơn. Cuộc chiến giữa QLED và OLED sẽ chẳng kết thúc cho đến khi một công ty đưa ra công nghệ mới, tận dụng được ưu điểm của cả hai.

Theo bizlive