Dịp Tết Đinh Dậu năm nay, mời bạn cùng gia đình xuôi về đồng bằng sông Cửu Long để được trải nghiệm khung cảnh thanh bình, thưởng thức cái hồn hậu, nghĩa tình của người dân vùng sông nước, để yêu thêm quê hương giàu đẹp của mình…

1. Vườn quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

“Lai Vung ơi cho tôi về lần nữa

Thăm lại vườn xưa hoa nở trưa hè

Mùa xuân đến cho môi em chúm chím

Trái chín đầu mùa ngọt lịm hồn quê!”.

Bạn đã chọn cho mình một địa điểm du xuân 2017 nào chưa? Hãy cùng cả nhà làm một chuyến về Đồng Tháp để thưởng thức đặc sản quýt hồng ngay nhé.

Những ngày giáp Tết là thời điểm thời tiết miền Tây Nam Bộ đẹp nhất trong năm. Vì thế, không gì thích hợp hơn là một chuyến du xuân về vùng đồng bằng trù phú này. Nhắc đến Đồng Tháp, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến món nem chua Lai Vung nổi tiếng từ bao đời. Tuy nhiên, có một “đặc sản” nữa chính là vườn quýt hồng “xứ Lai”, bạn đã từng nghe qua chưa?

Quýt hồng Lai Vung

Lai Vung nằm kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những hạt phù sa đỏ au mùa nước nổi tràn về. Đất đai ở đây quanh năm màu mỡ, người dân miệt vườn chăm chỉ, cần cù… Tất cả đã tạo nên một loại đặc sản cho vùng đất Lai Vung nói riêng và người dân Nam bộ nói chung, đó chính là loài quýt hồng. Quýt hồng còn được gọi là quýt Tiều son, cái tên dân dã mà người dân “xứ Lai” đã đặt riêng cho nó. Nếu ai đã từng ghi lại dấu chân ở vùng đất này, chắc chắn sẽ không thể quên được cái vị ngọt lịm, thơm ngon và màu đỏ cam quyến rũ của loài quýt hồng này.

Không biết từ bao giờ, quýt hồng đã trở thành một thương hiệu một thứ trái cây không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày Tết. Người dân Nam bộ tin rằng, chọn trưng quýt hồng cả nhà sẽ gặp nhiều may mắn và hạnh phúc trong năm mới. “Vương quốc quýt hồng” chỉ cho quả duy nhất một mùa trong năm. Vì thế, nếu có dịp đến đây, bạn và gia đình đừng quên cho mình cơ hội chiêm ngưỡng quýt hồng vào mùa chín rộ nhé.

Khi đến “xứ Lai”, bạn có thể ghé thăm các vườn chuyên canh quýt hồng với diện tích gần 2.000 ha ở xã Vĩnh Thới, Tân Phước, Tân Thành, Long Hậu, Long Thành. Trước Tết Nguyên đán khoảng 2-3 tuần, các vườn quýt ở Lai Vung đã rạng rỡ sắc vàng chào xuân. Đây cũng là thời gian, các nhà vườn bắt đầu đón thương lái đặt hàng và các đoàn du khách đến tham quan, chụp ảnh kỷ niệm, hái trái và thưởng thức ngay tại vườn.

Giá vé tham quan vườn: 50.000 đồng (người lớn) và 25.000 đồng (trẻ em).

2. Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp)

Làng hoa Sa Đéc

Nằm nép mình bên bờ Nam sông Tiền, làng hoa Sa Đéc (làng hoa Tân Quy Đông) là vựa hoa kiểng lớn nhất của vùng đất Nam bộ. Điểm đặc trưng ở đây chính là những chậu hoa được trồng và treo trên giàn cao. Mỗi lần chăm sóc, người làm vườn sẽ chèo ghe luồn lách một cách khéo léo giữa những giàn hoa để tưới nước và tỉa cành. Nhờ nét đặc trưng này, làng hoa Sa Đéc đã thu hút nhiều khách du lịch tới chiêm ngưỡng.

Những ngày cận Tết, hàng chục loài hoa tại làng hoa Sa Đéc đua nhau khoe sắc dưới cái nắng vàng óng ả. Đến đây, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng cả một “rừng hoa” đầy màu sắc, tỏa ngát hương thơm như cúc mâm xôi, vạn thọ, đồng tiền, thược dược, hồng nhung hay những loại cây kiểng như mai vàng, bông giấy…

Đặc biệt, bạn nhớ đừng bỏ lỡ con đường hoa hồng từ bờ sông Tiền chạy ra sông Sa Đéc nhé. Bởi nơi đây tập trung hơn 50 giống hoa hồng, tha hồ cho bạn và gia đình chụp hình lưu giữ những khoảnh khắc xuân về.

3. Quần đảo Bà Lụa (Kiên Giang)

Quần đảo Bà Lụa cũng là một trong những điểm đến không thể bỏ qua trong dịp Tết này. Với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ, nơi đây trở thành điểm du lịch biển mới lạ, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch tới tham quan.

Đến đây vào những ngày giáp Tết, bạn sẽ tha hồ được thưởng thức các loại hải sản tươi sống như cua, nghêu, mực… Ngoài ra, bạn còn được tự tay bắt những con ốc, cá, nhum (Cầu Gai) hay câu mực đêm… Đừng quên rủ cả gia đình chèo thuyền Kayak đi tham quan làng bè và chiêm ngưỡng những hòn đảo chưa có dấu chân người nhé.

4. Làng du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ)

Làng du lịch Mỹ Khánh, một trong những địa điểm du xuân 2017 được nhiều gia đình chọn làm nơi nghỉ dưỡng trong những ngày Tết. Đến với làng du lịch Mỹ Khánh, du khách có thể thoải mái khám phá đời sống của người dân miệt vườn, tham quan nhà cổ Nam Bộ, làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái và thưởng thức chương trình văn nghệ đờn ca tài tử.

Làng có hệ thống nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi, mang phong cách miệt vườn Nam bộ. Đây chắc chắn là một địa chỉ hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời và thú vị nhất trong dịp xuân Đinh Dậu.

5. Làng hoa Mỹ Phong (Tiền Giang)

Làng hoa Mỹ Phong rộn ràng ngày Tết

Men theo quốc lộ 50 đi khoảng 70 km từ TP. HCM, bạn sẽ đến làng hoa Mỹ Phong, tỉnh Tiền Giang. Trong những ngày cận Tết, không khí ở đây vô cùng nhộn nhịp. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bản giao hưởng của sắc màu với không biết bao nhiêu là hoa, là lá.

Những ngày cuối tháng chạp, người dân ở làng hoa Mỹ Phong lại náo nức bước vào mùa thu hoạch hoa. Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân làm vườn, những đóa hoa thi nhau khoe sắc với không biết bao nhiêu là kiểu dáng độc đáo, lạ làm say lòng du khách thập phương. Đến với làng hoa Mỹ Phong, bạn sẽ có dịp thưởng ngoạn và chụp ảnh lưu niệm với các loài hoa như cúc, đồng tiền, mai, cát tường, dừa cạn…

6. Chợ Lách (Bến Tre)

Vào thời điểm cận Tết, các vườn hoa ở chợ Lách không chỉ tràn ngập sắc màu của các loài hoa kiểng mà còn rộn lên không khí nhộn nhịp, vui tươi của những ngày thu hoạch trái cây bán Tết.

Khi đến với Chợ Lách, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng vườn hoa rực rỡ sắc màu, những vườn cây cảnh đã có tuổi đời gần 100, mà còn được tản bộ dưới tán cây hồng xiêm, nhãn sai trĩu quả và những hàng dừa xanh cao vút. Tất cả các giác quan của bạn sẽ được “chiêu đãi” bằng một bữa tiệc vô cùng thịnh soạn.

7. Làng hoa Thới Nhựt (Cần Thơ)

Làng hoa Thới Nhựt hay còn gọi là làng hoa Bà Bộ, có tuổi đời trên 100 năm và nổi tiếng với cúc vạn thọ, loài hoa bình dị nhưng mang một ý nghĩa tinh thần to lớn với người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dịp Tết, các gia đình ở đây thường trưng vạn thọ trong nhà với mong ước sức khỏe dồi dào, bình an và êm ấm.

Ngoài vạn thọ, làng hoa Thới Nhựt cũng có rất nhiều loài hoa đặc trưng ngày Tết như cúc mâm xôi, thược dược, mai vàng… Còn gì tuyệt vời khi được đắm mình giữa hàng ngàn bông hoa rực rỡ khoe sắc đón xuân, phải không bạn?

8. Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang)

Chợ nổi Cái Bè tấp nập hoạt động mua bán trong những ngày giáp Tết

Một trong những địa điểm du xuân 2017 không thể không nhắc đến chính là chợ nổi Cái Bè. Chợ nổi là một nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước Tây Nam Bộ. Chợ mang tính cộng đồng rất cao, bởi nó không chỉ là nơi người dân đến đây trao đổi, mua bán mà còn là dịp để họ trao đổi tâm tình, chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống.

Vào những ngày cuối năm, không khí mua bán trên chợ nổi Cái Bè diễn ra hối hả, nhộn nhịp. Những con thuyền lớn, bé, ghe xuồng từ các nơi chở đầy ắp hoa trái và bánh kẹo phục vụ cho ngày Tết. Nét đặc trưng của chợ là “sào nào, thức ấy”, trên ghe bán loại nông sản nào thì trên sào sẽ treo thức ấy. Người mua dễ dàng nhận biết và người bán cũng không phải rao mời vất vả. Chợ thường họp vào khoảng 2 giờ sáng và tan vào lúc 8 giờ, nhưng trong những ngày cận Tết sẽ nổi hoạt động suốt ngày đêm để phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa và tham quan của du khách.

Thưởng thức đặc sản miệt vườn:

Kiên Giang: Bún cá, bánh canh ghẹ chả, xôi xiêm, bánh ống lá dứa, cà xỉu, nấm tràm, gỏi cá trích, bánh thốt nốt…

Cần Thơ: Lẩu mắm, bánh xèo, phở cá, bánh tằm bì, ốc nướng tiêu xanh, bánh tét lá cẩm, bánh cống, gỏi xoài khô cá sặc…

Đồng Tháp: Chuột quay lu, bông súng mắm kho, tắc kè xào lăn, cơm gói lá sen…

Tiền Giang: Ốc gạo, bánh vá, sam biển, chả nướng, chuối quết dừa…

Bến Tre: Chuối đập, bì cuốn, bánh canh bột xắt, cháo cua đồng, bánh xèo ốc gạo…

Mách nhỏ: Du xuân miền Tây Nam bộ, bạn nhớ mang theo

– Mang nón, áo khoác tránh nắng, nên ưu tiên vải màu dễ giặt để tránh bị dây bẩn.

– Chuẩn bị thêm giày thấp, đế mềm và có quai hậu để di chuyển cho thuận tiện, nhất là khi qua cầu, đi ghe thuyền.

– Đừng quên mang theo các loại thuốc chống côn trùng

Theo mevacon