Châm cứu là một liệu pháp y học cổ truyền được áp dụng để cân bằng năng lượng của cơ thể, mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe của bạn.

Ngày càng có nhiều người chuyển sang châm cứu như một liệu pháp an toàn và hiệu quả cho nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, từ mất ngủ đến căng thẳng, đau bụng kinh đến đau thắt lưng. Liệu phương pháp y học cổ truyền này có hiệu quả như thế nào?

Châm cứu là gì?

Châm cứu là phương pháp y học cổ truyền có từ lâu đời, người thực hiện sử dụng kim không gỉ nhỏ, mỏng, rắn để đâm xuyên qua da người bệnh. Với phương pháp châm cứu, người thực hiện sẽ dùng tay để xoay hay làm cho kim chuyển động nhẹ nhàng, từ đó kích thích các huyệt đạo trên cơ thể người bệnh để cải thiện kinh mạch (dòng năng lượng bên trong cơ thể kết nối các huyệt đạo với nhau).

Phương pháp châm cứu ngày xưa có thể hơ nóng kim để kích thích vùng cơ thể đang thực hiện châm cứu. Ngày nay, với sự kết hợp giữa y học cổ truyền và hiện đại, nhiều nơi sử dụng dòng điện để làm chuyển động các đầu kim khi kích thích các vùng cơ thể. Người bệnh có thể cảm thấy hơi đau và tê nhẹ khi kim đâm vào.

Thông thường, phương pháp châm cứu cần được thực hiện bởi những chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm. Không nên tự châm cứu tại nhà. iệc dùng kim chưa được khử trùng, đâm kim sai vị trí có thể gây nên những tác dụng phụ nguy hiểm.

Ngoài châm cứu, còn có một số phương pháp các được dùng để kích thích các huyệt đạo, điều trị đau nhức hay giúp thư giãn, chẳng hạn như bấm huyệt, mát xa, giác hơi,…

châm cứu

Các lợi ích sức khỏe của phương pháp châm cứu

Theo y học cổ truyền Trung Quốc, những chiếc kim nhỏ được đưa vào các huyệt của cơ thể có thể cân bằng năng lượng và sức khỏe. Các lợi ích sức khỏe của phương pháp này gồm có:

Giảm đau mãn tính

Châm cứu có thể giúp giảm đau thắt lưng và đau đầu gối do viêm xương khớp. Một phân tích tổng hợp được công bố vào tháng 5 năm 2017 trên tạp chí Pain đã kiểm tra gần 18.000 bệnh nhân bị đau mãn tính (bao gồm đau lưng, cổ và vai; viêm khớp đầu gối; đau đầu hoặc đau nửa đầu).

Theo báo cáo trên, tác dụng giảm đau của một đợt điều trị bằng phương pháp châm cứu kéo dài hơn 12 tháng. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác được thực hiện cũng chỉ ra rằng, châm cứu có thể giúp giảm đau lưng, đau thắt lưng, đau vai,… và hiệu quả có thể xuất hiện ngay sau lần đầu tiên điều trị.

Mặc dù cần có những nghiên cứu sâu hơn có thể làm sáng tỏ chức năng của châm cứu, nhưng y học đang bắt đầu coi châm cứu là một phương pháp tích hợp hợp lý để kiểm soát cơn đau mãn tính.

Kiểm soát bệnh hen dị ứng

Châm cứu có thể là một phương pháp điều trị bổ trợ hữu ích cho bệnh hen suyễn – cụ thể là hen dị ứng – một loại hen suyễn được kích hoạt do hít phải các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi, thức ăn và nấm mốc.

Người bị hen dị ứng có thể kết hợp châm cứu với những phương pháp điều trị thông thường khác. Theo các nghiên cứu, châm cứu giúp làm giảm interleukin-6 (IL-6), một loại cytokine được tạo ra khi bạn bị nhiễm trùng hoặc chấn thương. Nếu mức IL-6 của bạn tăng quá cao, điều này có thể góp phần gây ra tình trạng viêm mãn tính.

Vì bệnh hen suyễn được đặc trưng bởi tình trạng viêm mãn tính nên châm cứu có thể giúp kiểm soát hen suyễn bằng cách giảm các protein gây viêm như IL-6 và từ đó giảm viêm.

Các lợi ích sức khỏe của phương pháp châm cứu

Kiểm soát buồn nôn và nôn

Buồn nôn và nôn là tác dụng phụ thường gặp của hóa trị. Các loại thuốc dùng để kiểm soát buồn nôn và nôn thường không đủ và việc tăng liều lượng để tăng hiệu quả điều trị buồn nôn hay nôn lại có thể gây ra các tác dụng phụ khác, chẳng hạn như đau đầu, chóng mặt và táo bón.

Và châm cứu chính là một giải pháp hỗ trợ phù hợp, an toàn đối với những bệnh nhân ung thư đang phải vật lộn với chứng buồn nôn và nôn do hóa trị liệu gây ra.

Đáng chú ý, bạn có thể không cần phải đâm kim vào cơ thể mới có tác dụng. Bạn có thể áp dụng phương pháp bấm huyệt (dùng ngón tay ấn vào các huyệt đạo) để giảm buồn nôn tại nhà.

Châm cứu cũng có thể giúp giảm bớt và ngăn ngừa buồn nôn khi mang thai. Phụ nữ mang thai thỉnh thoảng châm cứu sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, ít buồn nôn hơn và cũng ít có các dấu hiệu ốm nghén hơn.

Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Châm cứu có thể là một liệu pháp hữu ích cho những người bị mất ngủ và những người bị rối loạn giấc ngủ. Khi bạn bị mất ngủ, bạn thường có xu hướng sử dụng thuốc ngủ để đi vào giấc ngủ nhanh hơn. Mặc dù thuốc ngủ hay các loại thuốc an thần có thể mang đến hiệu quả nhanh nhưng việc sử dụng lâu dài có thể gây ra tác dụng phụ tiêu cực đối với sức khỏe của bạn. Bạn có thể bị phụ thuộc vào thuốc ngủ.

Có một số cách trị mất ngủ không cần dùng thuốc mà bạn có thể áp dụng để cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình. Trong đó, châm cứu là một trong những biện pháp hiệu quả mà bạn có thể áp dụng. Một tuần có thể châm cứu 3-4 lần để có sự cải thiện đáng kể về chất lượng giấc ngủ, giúp bạn ngủ ngon và sâu hơn.

Thông qua việc kích thích các huyệt cụ thể khi châm cứu, các hóa chất thúc đẩy sự thư giãn và ngủ như serotonin và axit gamma-aminobutyric có thể được kích hoạt và sản sinh nhiều hơn. Từ đó bạn sẽ thấy dễ chịu và ngủ ngon hơn.

châm cứu giúp ngủ ngon

Giúp ngăn ngừa và giảm mức độ nghiêm trọng của chứng đau đầu và đau nửa đầu

Nghiên cứu cho thấy rằng ngoài việc giúp giảm bớt một số loại đau mãn tính, châm cứu còn có thể làm giảm đau đầu hoặc đau nửa đầu. Cơ chế hoạt động của phương pháp châm cứu sẽ giúp kích thích sản sinh các loại hormone làm cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn.

Không chỉ vậy, châm cứu cũng giúp bạn thư giãn, nhờ đó cải thiện được tình trạng đau đầu do căng thẳng.

Giảm đau bụng kinh

Châm cứu cũng có thể là một liệu pháp tích hợp hữu ích với những ai thường xuyên bị đau bụng khi tới ngày hành kinh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, châm cứu bình thường và có tác dụng điện đều có khả năng giúp làm giảm đau bụng kinh so với việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid.

Tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ được thực hiện trên một nhóm đối tượng nhỏ nên vẫn cần khảo sát rộng rãi hơn để chứng minh hiệu quả của việc giảm đau bụng kinh nhờ vào châm cứu.

châm cứu giúp giảm đau

Hỗ trợ phục hồi sau phẫu thuật

Quá trình hồi phục sau phẫu thuật có thể giống như một chặng đường dài. Một số bệnh nhân phải đối mặt với nhiều triệu chứng khác nhau sau phẫu thuật, bao gồm buồn nôn và nôn do gây mê toàn thân, đau quanh vết mổ, bồn chồn và khó ngủ, táo bón và đau họng.

Để giảm bớt một số triệu chứng này và thúc đẩy quá trình hồi phục sức khỏe diễn ra nhanh hơn, bạn có thể thực hiện châm cứu vài lần 1 tuần. Thường xuyên châm cứu giúp thiện đáng kể về chất lượng giấc ngủ, lo lắng, đau đớn, mệt mỏi, buồn nôn,…

Châm cứu được biết đến là một phương pháp y học cổ truyền hiệu quả, mang đến nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng châm cứu chỉ là phương pháp hỗ trợ điều trị, không nên lạm dụng và bỏ qua các biện pháp điều trị khác bạn nhé!

Theo mevacon