Vợ chồng sống chung đã 5 năm, có những 2 mặt con thế nhưng mỗi lần nhắc đến “đức ông chồng”, chị Ly đều cười… méo xệch: “Tôi biết cuộc hôn nhân của mình không ổn từ trước ngày cưới cơ, nhưng…”

Thôi thì… cưới quách cho xong

Tình cảnh của chị ly không phải là cá biệt. Thực tế, không phải đôi “trai tài gái sắc” nào xúng xính bên nhau trong ngày cưới cũng toàn tâm toàn ý với cuộc hôn nhân của mình.

“Phụ nữ vậy chứ nhiều áp lực chuyện chồng con lắm. Như tôi lúc cưới, thấy mình đã quá 30, kén chọn nữa thì không được nên cuối cùng cũng xiêu lòng với ông xã bây giờ cho rồi. Quen nhau đã lâu, biết hết những điều không ổn ở nhau, thật lòng tôi không tin mình có thể hạnh phúc được với một người đàn ông như thế. Nhưng dứt bỏ hết để làm lại, quen người khác thì tôi không dám. Không còn thời gian nữa, gia đình đều muốn tôi cưới cho xong. Vậy là cưới. Cưới mà đinh ninh rõ trong lòng cả chuyện một hai năm nữa li dị thì cẩn phải làm gì, ra sao?” Chị Minh – một phụ nữ khá quyết đoán, thành đạt trong công việc vậy mà vẫn “vấp” phải tình cảnh tréo ngoe như thế.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến chuyện… ráng cưới thường là quen nhau đã quá lâu, tuổi tác đôi bên cũng đã cao, đã có những ràng buộc về tài chính, gần gũi như “vợ chồng” công thêm cảm giác mệt mỏi, không muốn bắt đầu mối quan hệ mới. Chính những áp lực này khiến nhiều phụ nữ dù biết rõ mình không hợp tính với bạn trai, có cưới cũng sẽ chịu nhiều chuyện “trầy vi tróc vẩy” nhưng vẫn phải… cố “dứt” điểm cho xong bằng một đám cưới hoành tráng, mở mày nở mặt gia đình rồi sau đó đến đâu thì đến.

Biết không ổn, vẫn ráng cưới liệu có hạnh phúc? (Ảnh minh họa)

Trường hợp khác, cô dâu nhìn ra ở chú rể cả những thói tật biết chắc rằng không thể sửa chữa được như trăng hoa, ghen tuông quá mức, vũ phu, rượu chè, cờ bạc… Thế mà vì nhiều lý do khác nhau, họ vẫn quyết định “tiến tới” để rồi xem cuộc hôn nhân như điểm kết thúc luôn cho một mối quan hệ quá mệt mỏi không biết rồi sẽ đi về đâu.

Cưới trong tâm thế sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người” như vậy nên chẳng có gì lạ khi chỉ một thời gian ngắn sau đám cưới, cả cô dâu lẫn chú rể đều phải đối mặt với một cuộc sống gia đình nhiều sóng gió.

Làm gì trước tình cảnh ấy? Có người chọn giải pháp li dị như một bước đã định sẵn trong “kế hoạch ráng cưới” của mình như tính toán từ trước. Có người lầm lũi chịu đựng cho “qua ngày đoạn tháng” nhưng vẫn có nhiều người khác, cố gắng thực hiện một việc khác tích cực hơn, đó là “cải thiện tình hình”!

Hành trình “tróc vẩy” tìm lại hạnh phúc

Có thể nói, ngay cả một đôi uyên ương hạnh phúc rạng ngời trong ngày cưới thì khi bước vào đời sống hôn nhân thực sự còn gặp không ít trục trặc, trở ngại trong quá trình dung hòa hai cái tôi. Nói thế để hình dung được là nếu đến với nhau không được toàn tâm toàn ý, ngày cưới đã linh cảm được những bất ổn thì tình hình còn… tệ tới mức nào?

Bỏ mặc, buông xuôi hay vứt bỏ hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của người trong cuộc. “Nói thật, hành trình cải tiến chồng tôi toát mồ hôi hột chứ đâu có sung sướng gì? Nhưng tôi cứ động viên mình, đằng nào thì cũng đã bước lên con thuyền chung với nhau rồi, nếu mình cố hơn một tí biết đâu có thể khơi gợi tình cảm nơi chồng? Cứ bằng cách ấy, mà cuộc sống của chúng tôi sau 3 năm đỡ hơn thời điểm sau đám cưới rất nhiều” – Chị Minh Anh cho biết.

Kết thúc có hậu này còn mỉm cười với cả những đôi ngày cưới đến với nhau chưa trọn lòng, nhưng sau đó, nhờ thái độ tích cực thay đổi của cả hai tình hình đã được “đảo chiều”.

Thế nhưng, đừng “ráng cưới” nếu bạn rơi vào những trường hợp dưới đây:

– Không yêu thương nhau: Tình yêu là yếu tố nền tảng nhất trong hôn nhân. Nếu có tình yêu (hoặc ít ra là chút cảm giác hợp nhau), bạn còn có cơ hội cứu vãn một cuộc hôn nhân với quá nhiều khác biệt, khó khăn. Nhưng nếu không có tình yêu, thì chuyện tan vỡ chỉ còn là vấn đề sớm muộn.

– Sở thích và nhu cầu khác nhau hoàn toàn: Kết hôn với một người có những suy nghĩ, sở thích, quan niệm về cuộc sống hoàn toàn khác mình thì thật lòng là dù lạc quan đến mấy, cũng không dám hi vọng bạn có được kết quả tốt đẹp. Khi không có được dù chỉ chút ít sự hòa hợp, những khác biệt đó sẽ càng ngày càng đẩy hai bạn ra xa nhau, cảm thấy phải “chịu đựng” nhau đến lúc không còn “chịu đựng” nổi.

– Người bạn đời có quá nhiều tật xấu thuộc dạng “bản tính khó rời”: Một số tính cách có thể thay đổi theo thời gian, nhưng một số tính cách khác, rất tiếc phải nói với bạn rằng hoàn toàn không dễ thay đổi và chỉ khiến bạn mỗi lúc một đau lòng hơn. Ví dụ như tính lăng nhăng, trăng hoa, vũ phu, lừa lọc, dối trá, nghiện ngập, cờ bạc… đã “ngấm” vào máu.

Theo mevacon