Năm nào cũng vậy, khi cơn gió heo may ùa về mang theo không khí mát lành, khi vầng trăng tròn nhất trong năm vành vạnh chiếu sáng xuống thế gian và những tiếng trống tùng rinh rinh tưng bừng khắp các ngõ phố – đó cũng là lúc nhà nhà Việt lại hân hoan đón chào tết Trung Thu.

Theo phong tục của người Việt, tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là vào ngày Rằm tháng Tám Âm lịch hằng năm. Đây được coi là ngày lễ lớn thứ hai sau tết Nguyên Đán cổ truyền và cũng là dịp mọi thành viên trong gia đình đoàn tụ bên nhau sau nửa năm xa cách. Trung Thu vì vậy còn được nhiều người ưu ái gọi là “tết đoàn viên” hay “tết của tình thân”. Và có lẽ, trong sâu thẳm tâm hồn, ai ai cũng lưu giữ cho mình góc kỷ niệm về những mùa trăng tròn của thời thơ ấu.

Thương làm sao mùa Tết của đoàn viên, nhà nhà lại sửa soạn cỗ cúng gia tiên và cùng tụ họp bên nhau ngắm trăng, phá cỗ. Trẻ con thì í ới rủ nhau rước đèn quanh các ngõ phố, được thỏa thích vui chơi và coi múa lân. Đây cũng là dịp các bé được ông bà, bố mẹ tặng những món đồ chơi như đèn ông sao năm cánh, đèn kéo quân hay những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon. Người lớn thì lại quây quần bên tách trà nóng hổi hay bên bầu rượu thơm để cùng trò chuyện tâm tình và thưởng trăng.

trung-thu-1-700x466

Trung thu xưa không có điện, các gia đình thường thắp đèn bày cỗ trước sân nhà, sau khi cúng trăng xong sẽ cùng nhau phá cỗ. Ánh trăng ấm áp cùng ánh nến lung linh làm đong đầy thêm khoảnh khắc sum vầy, cho rạng ngời hơn những gương mặt đang sáng bừng niềm hạnh phúc sum họp. Rồi cứ thế, những câu chúc, những lời thăm hỏi, những tiếng cười lại rộn vang khiến cho tết Trung Thu càng trở nên tròn đầy, đầm ấm tình thân.

Một hoạt động không thể thiếu trong phần hội của Rằm tháng Tám đó là không khí tươi vui tới từ các đoàn múa Lân. Phong tục múa Lân ra đời để cầu mong cho đất nước luôn hưng thịnh, thái bình. Bởi vậy, trong dịp Trung Thu, đâu đâu cũng rộn rã những tiếng trống chiêng, những điệu múa sôi động nhưng cũng đầy mạnh mẽ của các đoàn múa Lân này. Ngoài ra, mỗi dịp tết Trung Thu, các em nhỏ cũng rất thích thú với những trò chơi dân gian như rồng rắn lên mây, thả đỉa ba ba… vừa hát những bài đồng dao dí dỏm, vừa tíu tít rước đèn quanh đường làng. Những cái tết Trung Thu đó tuy giản dị mà thật đáng nhớ!

Ngày nay, đời sống ngày càng tân tiến và gấp gáp hơn nên tết Trung Thu đã khác xưa rất nhiều. Trung Thu giờ đã vượt ngoài tầm sở hữu của trẻ em mà trở thành một dịp phần lớn dành cho người lớn. Trên mọi ngả đường, tuyến phố thì bày bán đủ các loại bánh trung thu với hình thức cầu kỳ và giá thành rất cao. Người ta mua bánh Trung Thu, ngoài việc để thưởng thức thì nó còn là món quà cao sang để biếu tặng với mục đích cầu thân, ngoại giao hay đền đáp. Đằng sau những hộp bánh Trung Thu có giá tới 4-5 triệu đồng còn kèm thêm rượu tây, thậm chí có cả “nhân vàng”. Thứ bánh vốn được trẻ em trông ngóng và háo hức mỗi dịp Trung Thu đã biến thành một thứ “lễ vật” cho người lớn mưu cầu danh lợi gì đó?!.

Các đồ chơi Trung Thu cho trẻ em cũng tân tiến và đa dạng hơn. Những đồ chơi truyền thống đã thưa vắng mà xuất hiện ngày càng nhiều những món đồ điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc. Đó là những chiếc đèn phát sáng bằng pin, những đồ chơi có phát nhạc, có cả những sản phẩm đồ chơi có tính chất bạo lực và độc tố gây ảnh hưởng tới sức khoẻ và tâm lý của trẻ như đao, kiếm… xuất hiện tràn lan trên thị trường. Thời của những đèn ông sao, đèn kéo quân, trống bỏi, tò he… đã không còn được trẻ em ưa chuộng như xưa. Thay vào đó tết Trung Thu như biến thành ngày lễ hoá trang Halloween khi rất nhiều thanh thiếu niên mang trên người những chiếc mặt nạ, những bộ áo quần với hình dạng kì quái và kinh dị. Những mâm cỗ Trung thu với hoa quả và bánh dẻo, bánh nướng là đặc trưng của đêm Rằm tháng Tám, nay cũng thưa thớt hơn trong mỗi gia đình mà thay vào đó là những bữa tiệc sang trọng trong các nhà hàng, hay những buổi nhậu linh đình với bia rượu và đồ ăn chín. Trẻ con cũng quên trò chơi rước đèn, sự tích “cây đa chú cuội” cũng ít được người lớn đề cập tới nữa.

Tại các thành phố lớn, thú vui ngắm trăng rằm dịp tết Trung Thu cũng không thể thực hiện được do những toà nhà cao chọc trời che khuất hay những ánh đèn điện ne-on làm lu mờ. Vào dịp tết Trung Thu có khi các em nhỏ còn được người thân tặng vé đi coi phim, xem biểu diễn ca múa, xem xiếc… không còn phá cỗ trông trăng hay hát vui mời chị Hằng chú cuội xuống chơi như trước đây. Trong nhịp sống của xã hội hiện đại, các trò chơi trên mạng cũng khiến các em nhỏ hầu như không còn biết đến sự tồn tại của các trò chơi dân gian. Không khí của tết Trung thu chỉ được cảm nhận như một ngày bình thường, người lớn thờ ơ và trẻ nhỏ cũng không chờ đợi ngày tết lớn như xưa.

Phải chăng, cuộc sống càng phát triển thì những giá trị của tết Trung Thu cũng dần mất đi? Nên chăng cần phải có những biện pháp để bảo tồn và giữ gìn những nét đẹp truyền thống của dịp lễ này trong các gia đình, nhà trường cũng như tại các tổ chức đoàn thể xã hội.

Không khí của một mùa trăng lên lại đang lan toả và rộn ràng khắp nơi nơi. Trung thu về, mong những bộn bề của công việc sẽ được tạm gác lại; những xô bồ của cuộc sống sẽ trở nên thong thả hơn. Mong cho thiếu nhi từ triền núi cao tới nơi cửa biển, từ thành thị tới thôn quê đều reo vang tiếng cười trong trẻo. Mong cho những ai đang đi làm nơi xa đều trở về quê nhà, đoàn tụ bên gia đình thân yêu. Và hãy cùng nhau sắm sửa mâm cỗ, cùng rước đèn, cùng ngắm trăng, cùng hát vang những bài hát về đêm rằm, cùng trao những lời yêu thương, những lời chúc từ tâm, chia sẻ những ngọt ngào trong một mùa trăng đoàn viên để tất cả chúng ta trao cho nhau hơi ấm của tình thân.

Theo Hội quán các bà mẹ