Nằm giữa Đèo Cả và Đèo Cù Mông, giữa những địa danh vốn nức tiếng gần xa với du khách quốc tế cả trăm năm nay như Nha Trang – Khánh Hòa, Quy Nhơn – Bình Định, Phú Yên xinh xắn và trầm lặng đẹp theo cách riêng của mình…

Thiên nhiên ưu đãi

Đến Tuy Hòa, ngay từ trên máy bay, du khách đã được “diện kiến” một trong những thành phố có đường bờ biển dài và đẹp nhất cả nước, tới hơn 30 km. Dài miên man, phẳng lặng, những bờ cát mịn màng đắm đuối là lời chào ngọt ngào nhất cho những bước chân đầu tiên khám phá hành trình.

Sân bay Tuy Hòa vốn dĩ trước kia là căn cứ không quân quan trọng của không lực Hoa Kỳ, sau năm 1975 thì trở thành sân bay dân sự. Tuy nhiên không vì thế mà nó không… đáng mến. Nhỏ bé, những bức tường kính mái vòm với những bụi cây đẹp đẽ, xinh xắn hệt như tính tình chất phác đôn hậu của người dân bản địa. Nơi đây đã từng là phim trường của bộ phim nổi tiếng lấy đi bao tình yêu của những người mê điện ảnh: Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Đạo diễn Victor Vũ).

zf

Thành phố Tuy Hòa nhỏ bé, chỉ vỏn vẹn hơn 100 km2, với tổng số lượng phòng lưu trú khiêm tốn chưa tới 3000 phòng nhưng lại có rất nhiều điều thú vị để khám phá. Ngay trong thành phố là Tháp Nhạn – một công trình văn hóa Chăm; ghé chân tới đây, lên ngọn núi đầy bóng mát và tràn ngập sự an yên, tĩnh lặng, thốt nhiên câu ca nổi tiếng “Anh còn nợ em, chim về núi Nhạn…” dường như có chút… liên quan. Mảnh đất này nên thơ, mỗi địa danh lại thường được gắn liền với những câu thơ ngọt ngào lãng mạn. Ví như Lẻ loi như cụm núi Sầm/ Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan… Hay “Chiều chiều mây phủ Đá Bia / Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng / Mất chồng như nậu mất trâu / Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bôm”.

ze

Thành phố Tuy Hòa du khách có thể khám phá trong ngày nhưng các địa danh khác du khách sẽ… mất công hơn chút. Đi về phía Bắc của Tuy Hòa chừng 30 km, là Ghềnh Đá Đĩa, một danh thắng thiên nhiên nổi tiếng của đất Phú. Với chiều rộng hơn 50m và dài khoảng 200m, nhìn từ xa, Ghềnh Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ, ánh lên màu đen huyền bí nổi bật giữa một vùng trời biển trong xanh. Càng tiến lại gần, du khách sẽ càng ngỡ ngàng khi trước mắt hiện ra hàng chục nghìn cột đá có tiết diện hình lục giác, hình vuông hoặc hình tròn, lớp nọ xếp nối lên lớp kia, liền khít nhau như có sự sắp đặt của bàn tay con người. Có những chỗ đá xếp cao và thẳng, có chỗ lại xếp trải dài hoặc nghiêng, trông như chồng bát đĩa. Theo dòng chảy thời gian cùng những đợt sóng dồn từ biển, các cột đá ở đây không hề tách rời hay đứt gãy mà cứ bám vào nhau, lớp nọ nối tiếp lớp kia vươn mình ra biển lớn.

zc

Đứng giữa biển trời lồng lộng, trên những viên đá đĩa được sắp xếp tự ngàn xưa hẳn mỗi du khách sẽ có những cảm nhận hoàn toàn khác biệt so với nắng, gió và biển của Nha Trang hay Bình Định. Đi về phía Đông Nam của thành phố là những Bãi Môn, Đại Lãnh, Mũi Điện (một trong hai nơi đón ánh mặt trời đầu tiên của Việt Nam)… Đâu đâu những địa danh trên đất Phú hiền hậu này du khách đều sẽ cảm nhận được sự hoang sơ, tĩnh lặng mà hết sức an yên. Phải nói, đất này thật là được thiên nhiên  ưu đãi…Không chỉ là thắng cảnh đẹp có một không hai, ẩm thực của Phú Yên cũng rất đa dạng. Đặc sản của Phú Yên có thể kể đến là Cá Ngừ – Phú Yên được xem là phân xưởng sản xuất cá ngừ lớn nhất cả nước. Những “hộp” cá ngừ tươi ngon nhất ở đây được xuất đi một trong những thị trường khó tính nhất thế giới đó là Nhật Bản. Rồi ở đây còn có bò một nắng, sò huyết (Đầm Ô Loan), ghẹ Sông Cầu, cua Huỳnh Đế, bún mực, gỏi cá mai… Món nào cũng rẻ, cũng ngon cũng làm nức lòng du khách…

zb

za

Phú Yên bé nhỏ và hào sảng, con người Phú Yên cũng hiền hậu và ôn hòa. Người Phú Yên thích trò chuyện, thích giao lưu hát hò bên các bàn nhậu. Cứ chiều chiều, tan giờ làm là họ lại ngồi kín hai bên bờ sông Đà Rằng… Thế nên mới có câu: Phú Yên kẹp giữa hai đèo/ Mải ăn mải nhậu nên… nghèo quanh năm… Nghèo đâu không thấy nhưng đất này giàu tình cảm, giàu tình người, an ninh đường phố tốt và nhiệt tình thì vô biên… Không tin, du khách cứ tới và hỏi đường và cùng giao lưu với người dân đất Phú mà xem…

zd

Theo tapchithoitrangtre