Có một điểm tạo nên sự khác biệt giữa Xóm đèn lồng Phú Bình với những nơi khác, đó là ở nguyên liệu. Các nan khung dùng để làm đèn lồng phải là tre lồ ô, được lấy từ tận Bình Phước.

Ở Sài Gòn, khi nhắc tới lồng đèn vốn đa số người ta biết đến “Phố đèn lồng” tọa lạc tại Quận 5 – khu vực sinh sống của người Hoa. Tuy nhiên, cũng ở thành phố hoa lệ này còn có một nơi khác được mệnh danh là “Cái nôi của lồng đèn”. Đấy chính là “Xóm đèn lồng” nằm trên đường Lạc Long Quân, Quận 11 gần khu vực nhà thờ Phú Bình.

Một trong những tiệm đèn lồng tại “Xóm đèn lồng” Bình Phú, Quận 11. 

“Xóm đèn lồng” được hình thành từ cách đây cả trăm năm. Những người thành lập ra xóm đèn lồng là những nghệ nhân gốc Nam Định, di cư vào Sài Gòn lập nghiệp, Vào những năm 90 của thế kỷ trước, đây là thời kỳ đèn lồng giấy đang cực thịnh.

Nhiều năm sau, khi đèn lồng giấy dần thoái trào, thay vào đó là những chiếc đèn lồng điện tử lên ngôi xóm đèn lồng cũng thưa dần, bởi nhiều hộ đã chuyển nghề. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20 hộ dân trung thành đi theo cái nghề truyền thống mà ông cha để lại.

Chị Thu, 39 tuổi – nghệ nhân đời thứ 3 trong một gia đình có truyền thống làm đèn lồng ngót nghét 70 năm chia sẻ: “Giá của mỗi chiếc lồng đèn nhỏ dao động từ 15.000 – 25.000 đồng/chiếc, loại trung thì 70.000 – 100.000 đồng, vài trăm ngàn cũng có”.

Đèn lồng ở đây đa dạng từ chủng loại đến sắc màu.

Mua trung thu năm nay, chị vui vẻ cho biết thị trường đèn lồng so với những năm trước có vẻ khả quan hơn. Giá đèn lồng nhích hơn một chút, số lượng người đặt cũng tăng. Loại đèn lồng mà khách đặt nhiều nhất là đèn lồng hình con gà, hình ông sao và hình chiếc thuyền.

Tuy vậy, những nghệ nhân ở “Xóm đèn lồng” vẫn sáng tạo đa dạng các loại đèn lồng và kích cỡ khác nhau để đáp ứng nhu cầu của những khách hàng khó tính nhất. Ngoài đèn lồng truyền thống, họ còn sáng tạo thêm những chiếc đèn lồng thời thượng như đèn lồng hình chú Mèo máy Doremon, đèn lồng hình trực thăng, gấu hoạt hình…

Có một điểm tạo nên sự khác biệt giữa “Xóm đèn lồng” Phú Bình với những nơi khác, đó là ở nguyên liệu. Các nan khung dùng để làm đèn lồng phải là tre lồ ô, được lấy từ tận Bình Phước. Loại tre này khi vuốt mỏng có thể uốn cong dễ dàng thành nhiều hình thù nhưng vẫn bảo đảm được sự chắc chắn.

Các nan khung dùng để làm đèn lồng phải là tre lồ ô, được lấy từ tận Bình Phước.

Tiệm đèn lồng của chú Huân nằm sâu trong hẻm nhưng vẫn rất đắt khách. Đã có nhiều năm gắn bó với nghề, song nét mặt chú tỏ ra chững lại, buồn bã tiết lộ đây sẽ là mùa cuối cùng bán đèn lồng của gia đình chú. Năm sau, ngôi nhà sẽ được giao lại cho con trai chú để gây dựng cuộc sống mới. “Cái nghề này làm cho vui thôi, chứ không mong giàu có được” – chú Huân tâm sự.

“Xóm đèn lồng” chuẩn bị cho những ngày cận kề Trung thu. 

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Cứ mỗi mùa Trung thu, có lẽ ở xóm nhỏ này thì chú Lượng (65 tuổi) là người vui nhất. Đã gần 20 năm nay, chú chuyên chịu trách nhiệm chở đèn lồng thuê cho các hộ dân xung quanh. Giá của mỗi chuyến giao hàng sẽ dao động trong khoảng 50.000 ngàn tới 200.000 ngàn hay 300.000 tùy thuộc vào khoảng cách giao.

Tuy hiện nay chỉ còn khoảng 20 hộ giữ được nghề, nhưng “Xóm đèn lồng” Phú Bình vẫn là một trong những “cái nôi” của nghề làm đèn lồng tại Việt Nam. Cuộc sống xô bồ là thế, nhưng chỉ cần đặt chân tới Phú Bình, ai ai cũng cảm nhận được sự, gần gũi, thân thiện tới bình yên.

Theo mevacon