Hầu hết khi các cuộc đánh ghen xảy ra, người bị đánh là người thứ 3, còn người đàn ông vẫn “vô tội”. Vì sao lại có tâm lý này?

“Một cây làm chẳng nên non”. Nếu không có sự hưởng ứng của chồng bạn thì chẳng bao giờ có chuyện người thứ 3 xuất hiện. Chúng ta đều biết điều đó. Chúng ta đều hiểu điều đó. Người có lỗi đâu chỉ cô gái chen chân vào chuyện tình yêu của mình mà người có lỗi còn có cả chồng mình nữa. Nhưng, tại sao muốn đánh ghen, chúng ta chỉ nhằm vào “tiểu tam” chứ chẳng bao giờ…đánh chồng?

Ai nỡ đánh người mình từng thương?

Tuy ngoại tình nghĩa là đối phương đã có lỗi với mình nhưng… dù sao họ cũng là người mình từng thương, người mình muốn gắn bó cả đời, người mình đầu ấp tay gối. Do đó, giận thì có giận, ghét thì có ghét. Nhưng để nói là đánh thì lại chẳng… nỡ.

Tuy nhiên, chuyện tiểu tam thì lại khác. Không như chồng mình, Tuesday là người “trên trời rơi xuống”, là người dưng bỗng xen vào chuyện tình cảm của mình. Không có bất kỳ mối liên hệ hay tình cảm nào, thậm chí còn là kẻ thù của chúng ta. Vậy thì, cứ thẳng tay mà đánh ghen thôi!

Phụ thuộc quá nhiều vào chồng

Tuy phụ nữ ngày nay ngày càng giỏi giang hơn, có thể đi làm, có thể kiếm tiền nhưng cũng có không ít các gia đình còn giữ mô hình “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Việc kiếm tiền là việc của anh. Việc ở nhà cơm nước, lo lắng chăm sóc cho cả gia đình là việc của tôi.

Đến lúc phát hiện ra ừ chồng ngoại tình đấy, muốn đánh ghen lắm mà chẳng dám, vì mình còn phụ thuộc vào chồng kia mà! Phụ nữ thường có tâm lý lo sợ, sau khi làm ầm ĩ mọi chuyện sẽ khiến chồng mình không còn lo cho mình nữa hoặc sẽ không còn chu cấp kinh tế cho mình. Cũng chính vì vậy, thôi thì chín bỏ làm mười với chồng, tìm “tiểu tam” để giải quyết bởi cô ta và mình chẳng phụ thuộc gì nhau cả.

Sợ mất chồng

Dù tâm trạng sau khi biết chồng có tình nhân bên ngoài rất khó chịu, nhưng… Thực tế vẫn không ít người hận thì hận đấy, chứ đâu thể ngừng yêu? Chúng ta vẫn hy vọng “gương vỡ lại lành”. Chúng ta vẫn chờ mong chồng rồi sẽ quay về bên mình.

Do đó, phụ nữ ngại đánh ghen với chồng, vì sợ làm xấu đi hình ảnh của chính mình. Chúng ta sợ sau khi cãi vã, tình cảm sẽ càng thêm nhạt phai dẫn đến tình huống xấu nhất: Cả hai đưa nhau ra tòa và kết thúc cuộc hôn nhân. Đối với một vài người, chấp nhận chồng có người thứ 3, san sẻ một nửa tình cảm còn hơn là ly hôn, chẳng thể ở bên nhau.

Làm gì có chuyện bạo hành gia đình “ngược”?

Chuyện thường thấy ở nước phương Đông, bao gồm cả Việt Nam là các cuộc bạo hành gia đình đều do chồng đánh vợ, cha đánh con. Nói một cách hơi “thực tế” thì sức mạnh của người phụ nữ cũng chẳng thể so với đấng mày râu. Do đó, chuyện đánh ghen chồng, suy cho cùng vẫn là mình thiệt thòi. Chi bằng đánh một người phụ nữ khác, cũng có thể tạm ví von là “ngang tài ngang sức”, đúng không nào?

Sợ xã hội đánh giá

Chúng ta thường rất dễ bị ảnh hưởng bởi những lời nói xung quanh mình. “Con kia coi vậy mà hung dữ, dám đánh cả chồng, “Cái thứ đàn bà như sư tử hà đông, đánh ghen chồng thì sau này ly dị, ai còn dám lấy”… Những câu nói tưởng chừng như cay nghiệt chẳng thể nói ra lại nhan nhản trong đời sống hàng ngày.

Nói chuyện với người thứ 3 thì ai ai cũng ủng hộ nhưng cay nghiệt với chồng thì liền bị gièm pha. Sự đời vẫn thường như thế! Điều này đã ít nhiều khiến người phụ nữ e dè hơn, cố gắng im cho xong chuyện khi thấy chồng mình đang đầu ấp tay gối với một người khác.

Đánh ghen tiểu tam thì dễ, với chồng thì khó. Lý do thì có muôn vàn. Nhưng chung quy lại, chồng hay tiểu tam cũng chẳng nên đánh. Bởi chọn cách đánh dằn mặt như thế nghĩa là chúng ta đã tự làm tổn thương chính mình. Thôi thì chấp nhận buông tay cho nhẹ lòng, bạn nhỉ?

 

Theo mevacon