Ung thư phổi là nguyên nhân tử vong do ung thư thường nhất trên thế giới. Tần suất Ung thư phổi tăng dần từ đầu thế kỷ 20 theo đà tăng của hút thuốc lá. Số bệnh nhân tử vong do Ung thư phổi trên toàn thế giới là 0,6 triệu vào năm 1995 đã tăng lên 1,1 triệu ca năm 2000. Theo cơ quan thống kê về ung thư toàn cầu GLOBOCAN năm 2012, ở Việt nam, Ung thư phổi là ung thư mới mắc và gây tử vong cao nhất ở nam và là ung thư gây tử vong đứng hàng thứ 2 ở nữ, sau ung thư vú. Tuy nhiên, Ung thư phổi có thể phòng tránh, chẩn đoán sớm và điều trị được.

Tại sao ung thư phổi có tỷ lệ tử vong cao?

Ung thư phổi có tính ác cao, có khuynh hướng di căn sớm và vì vậy hầu hết (60-80%) đến trong giai đoạn trễ, khó điều trị và dễ gây tử vong hơn so với các loại ung thư khác.

Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm, vậy chúng ta có thể phòng tránh được?

Hầu hết ung thư phổi liên quan đến hút thuốc lá. Không hút thuốc hoặc dừng hút thuốc trên 15 năm làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi đáng kể ngang với tần suất mắc ung thư của người không hút thuốc.

Nếu đã hút thuốc nhưng chưa bỏ được, làm sao để phát hiện bệnh sớm?

Người trên 55 tuổi, hút thuốc trên 30 gói/ năm (ví dụ 1 gói/ngày trong 30 năm hoặc 1 gói rưỡi/ngày trong 20 năm) nên được làm chụp cắt lớp ngực liều thấp hàng năm. Các khoa Phổi hoặc khoa Hô hấp các bệnh viện tỉnh, thành phố sẵn có các phương tiện như chụp cắt lớp, nội soi phế quản và sinh thiết xuyên ngực, có thể xét nghiệm và tầm soát phát hiện bệnh ngay từ sớm, giúp giảm tỷ lệ tử vong của bệnh.

Được bác sĩ phát hiện có tổn thương nghi ung thư, liệu có bị ung thư thật không?

Để chẩn đoán ung thư, các bác sĩ cần lấy một ít mô u (sinh thiết) và xét nghiệm các đặc tính của nó để biết chắc liệu một khối u có phải ung thư hay không. Một số tổn thương dạng u vẫn có thể là lao, nấm,… Vì vậy, việc sinh thiết là cần thiết. Xét nghiệm khối u còn cho biết các đặc tính về gen và miễn dịch, giúp hướng dẫn điều trị chính xác riêng cho từng bệnh nhân.

Làm sao biết ung thư phổi được phát hiện sớm hay trễ?

Phân giai đoạn ung thư phổi giúp xác định phương thức điều trị ung thư phù hợp và tiên lượng bệnh. Ung thư phổi hầu hết là ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia 4 giai đoạn:

• Giai đoạn I bướu chỉ ở phổi.

• Giai đoạn II và III, bướu chỉ ở trong lồng ngực.

• Giai đoạn IV, bướu đã lan đến các phần khác của cơ thể.

Đã bị ung thư phổi, liệu có thể còn chạy chữa được không?

Bệnh nhân ung thư một khi điều trị mà có thể sống thêm 5 năm không tái phát có thể coi là đã được chữa lành. Ung thư phổi có thể được chữa lành nếu có thể phẫu thuật được. Các bệnh nhân ở giai đoạn I là ứng cử viên tốt nhất cho phẫu thuật. Bệnh nhân ở giai đoạn II và III cần thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ về khả năng phẫu thuật để điều trị bệnh. Tần suất bệnh nhân có thể sống thêm 5 năm sau điều trị phẫu thuật và hóa trị sau phẫu thuật là 60%. Liệu pháp nhắm đích vừa được chứng minh là kéo dài thời gian sống thêm ở bệnh nhân đã phẫu thuật có đột biến gen EGFR.

Trường hợp bác sĩ nói bệnh ung thư hiện tại chưa mổ được, như vậy đã hết hy vọng?

Bạn đừng từ bỏ hy vọng. Bên cạnh phẫu thuật, trong trường hợp Ung thư phổi đến ở giai đoạn trễ hơn, thường cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị. Các điều trị toàn thân như liệu pháp nhắm đích, hóa trị, liệu pháp miễn dịch, có thể thu gọn và làm giảm giai đoạn khối u. Khi đó, những phương tiện điều trị tại chỗ tại vùng như phẫu thuật và xạ trị, có thể được sử dụng phối hợp nhằm kiểm soát khối u một cách tốt nhất.

Nếu bị ung thư phổi giai đoạn IV vậy không còn cách nào nữa?

Người ta đang cố biến Ung thư phổi giai đoạn IV thành bệnh mạn tính giống tăng huyết áp hay đái tháo đường mà bạn chỉ cần duy trì thuốc mỗi ngày. Các điều trị mới ngày nay dần dà đang hiện thực hóa ước mơ này. Bạn cần lạc quan và tin tưởng vào bác sĩ của bạn. Giữ tinh thần vui khỏe lạc quan cũng là một cách chữa bệnh quan trọng. Nếu bạn cảm thấy buồn rầu hoặc hết hy vọng hãy chia sẻ điều này với bác sỹ và người thân để được giúp đỡ.

Điều trị ung thư phổi ngày nay có gì mới?

Phẫu thuật ngày càng ít xâm lấn hơn với việc ứng dụng phẫu thuật nội soi. Xạ trị ngày càng tiên tiến hơn với xạ trị 4 chiều với chiều thời gian mà tia xạ di chuyển cùng với khối u theo từng nhịp thở. Ngoài hóa trị, ngày nay chúng ta còn có thêm liệu pháp đích và liệu pháp miễn dịch.

Nhiều phương pháp điều trị như vậy, làm sao biết nên điều trị bằng phương pháp nào?

Chọn lựa điều trị chính xác riêng cho từng bệnh nhân được gọi là cá thể hóa điều trị Ung thư phổi. Việc xét nghiệm khối u về các đặc điểm sinh học phân tử như các biến đổi di truyền như gen EGFR, chuyển đoạn ALK…cũng như đặc điểm miễn dịch của khối u giúp chọn lựa điều trị tốt nhất cho bạn.

Khối u sinh thiết quá khó khăn, mẫu lấy được quá nhỏ không thể xét nghiệm hết các chỉ điểm hướng dẫn điều trị?

Ngày nay các dấu ấn giúp hướng dẫn điều trị có thể thực hiện bằng cách lấy máu làm xét nghiệm. Xét nghiệm trực tiếp khối u thường có nhiều ưu điểm hơn so với gián tiếp qua lấy máu, nhưng lấy máu luôn dễ dàng hơn và có vài ưu điểm riêng. Hãy thảo luận với bác sĩ liệu trong trường hợp của bạn lấy máu xét nghiệm để định hướng điều trị liệu có giúp ích?

Liệu pháp miễn dịch có tốt hơn hóa trị?

Liệu pháp miễn dịch ít tác dụng phụ hơn hóa trị nhưng đắt hơn. Thuốc chưa được thanh toán Bảo hiểm y tế tại Việt Nam nên việc tiếp cận nhìn chung là khó khăn. Một số nghiên cứu tại các viện lớn như Chợ Rẫy, BV Ung bướu TP. HCM, Viện K,… sử dụng thuốc miễn dịch đem lại cơ hội sử dụng thuốc miễn phí cho bệnh nhân đang được tiến hành trên cả nước.

Nếu không có bảo hiểm y tế liệu đã hết cách?

Dù có bệnh hay chưa có bệnh, mua bảo hiểm y tế giúp cho bản thân và người khác có điều kiện chữa bệnh. Đừng quá tính toán thiệt hơn cho sức khỏe quý hơn vàng của bạn. Lỡ may bạn vẫn chưa có bảo hiểm y tế hãy xem xét tham gia các nghiên cứu điều trị thuốc miễn phí.

Nếu đã thất bại điều trị ban đầu?

Bạn đừng đánh mất lạc quan và hy vọng. Nhiều phương pháp điều trị bước đầu chưa sử dụng nay có thể lại có hiệu quả. Việc thay đổi chọn lựa các thuốc khác chưa sử dụng một lần nữa phụ thuộc vào kết quả sinh thiết u hoặc sinh thiết lỏng lấy máu tìm các hướng dẫn điều trị. Một số trường hợp xét nghiệm thêm như vậy sẽ giúp phát hiện bệnh đồng mắc, ví dụ như lao khá thường gặp ở bệnh nhân u phổi tại Việt Nam.

Theo khoe24h