Ảnh minh họa IE

Luật Bảo vệ Môi trường 2014 gồm 20 chương và 170 điều – tăng 5 chương và 34 điều so với Luật Bảo vệ Môi trường 2005. Về cơ bản, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 kế thừa các nội dung của Luật Bảo vệ Môi trường 2005; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ Môi trường 2005; đồng thời luật hóa chủ trương của Đảng, bổ sung một số nội dung mới về bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới.

Nội dung Luật Bảo vệ Môi trường 2014 đã cụ thể hóa tinh thần Điều 43 Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”, với một số điểm mới cơ bản đó là quy hoạch bảo vệ môi trường. Đây là nội dung hoàn toàn mới của Luật Bảo vệ Môi trường 2014. Quy hoạch bảo vệ môi trường sẽ giúp chúng ta có cách nhìn tổng thể, dài hạn và chủ động triển khai công tác bảo vệ môi trường, thực sự gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, an sinh, xã hội và là cơ sở để điều chỉnh hoặc xây dựng các quy hoạch phát triển khác, đảm bảo phát triển bền vững.

Về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), Luật Bảo vệ Môi trường 2014 quy định danh mục các nhóm chiến lược, quy hoạch cần lập báo cáo ĐMC theo hướng cụ thể hơn, thu hẹp đối tượng phải lập ĐMC khi không quy định lập ĐMC đối với các kế hoạch. Quy định kết quả ĐMC phải được xem xét và tích hợp với nội dung của chiến lược, quy hoạch; trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch trong việc lập ĐMC; bổ sung nội dung cần tham vấn và đề xuất điều chỉnh chiến lược, quy hoạch trong nội dung ĐMC.

Trước đó Luật Bảo vệ Môi trường 2005 có quy định về cam kết bảo vệ môi trường nhưng, trên thực tế, việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường có nhiều khó khăn, thiếu thực thi, mang tính lý thuyết và trong nhiều trường hợp đã dẫn đến tiêu cực trong công tác quản lý, dù từ “cam kết” cũng có ý nghĩa tích cực nhất định.

Để khắc phục những hạn chế, tạo điều kiện cho chủ dự án thực hiện trách nhiệm và chủ động trong bảo vệ môi trường. Mặt khác sẽ thuận lợi cho công tác quản lý bảo vệ môi trường đối với các đối tượng không lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Luật Bảo vệ Môi trường 2014 quy định 6 điều mới về kế hoạch bảo vệ môi trường .

Đáng chú ý, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 cũng quy định chương riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì biến đổi khí hậu và nước biển dâng là vấn đề đang thách thức, ảnh hưởng lớn đến toàn cầu trong đó có nước ta. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 có một chương quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu, để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay, thể chế hóa một số nghị quyết của Đảng về nội dung này.

Ngoài ra, Luật còn bổ sung các quy định về tăng trưởng xanh, cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm hướng tới sự phát triển bền vững; bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm. Bổ sung và làm rõ hơn trách nhiệm công bố thông tin về môi trường, về tình trạng môi trường, trách nhiệm báo cáo công tác quản lý môi trường của cơ quan nhà nước, v.v…

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 cũng có một chương quy định về bảo vệ môi trường biển và hải đảo, nhằm bảo đảm tính thống nhất và toàn diện của Luật Bảo vệ Môi trường. Chương này chỉ quy định những nội dung cơ bản, có tính nguyên tắc, không có sự trùng lặp với những nội dung dự kiến được xây dựng trong Luật Bảo vệ & Tài nguyên & Môi trường biển do Bộ Tài nguyên & Môi trường đang xây dựng.

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 còn bổ sung quy định nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong một điều riêng; quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ khác thay cho quy định cũ giao cho bộ, ngành . Đặc biệt là trách nhiệm xây dựng văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nghĩa vụ và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp và cộng đồng dân cư đã được quy định tại một chương riêng. Đồng thời, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc bảo đảm quyền của các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng dân cư.]

BT (tổng hợp)

Nguồn: tinmoitruong