Sinh mổ chủ động bằng cách chọn ngày giờ đẹp ngày càng trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Liệu phương pháp này có gây ảnh hưởng gì đến mẹ và bé?

Với phương pháp sinh mổ chủ động này, liệu thứ mà sản phụ và gia đình nhận được sẽ thiên về lợi ích hay tác hại?

Bất cứ bậc làm cha mẹ nào cũng muốn sinh ra những đứa con khỏe mạnh, xinh đẹp, ngoan ngoãn, tài giỏi, thông minh. Ngày sinh tháng đẻ của mỗi con người rất quan trọng, nó liên quan mật thiết đến cuộc đời sau này của chính họ.

Vì quá “thần thánh hóa” điều này, nhiều phụ huynh lựa chọn biện pháp tính “ngày đẹp, tháng tốt”, “ngày vàng”, “giờ vàng” hay năm sinh hợp mệnh, hợp tuổi cha mẹ… mổ bắt con chào đời. Song, dường như ý tốt này của cha mẹ lại khiến đứa trẻ và cả sản phụ lãnh đủ những nguy hiểm về lâu về dài.

Nguy hiểm cho trẻ

Một đứa trẻ được sinh nở tự nhiên sẽ trải qua các giai đoạn và “hưởng lợi” như khi đi qua ống âm đạo, phổi được ép để tống các chất dịch ra ngoài. Với trường hợp sinh mổ bắt con, trẻ sẽ không được chui ra từ âm đạo tự nhiên nên trong dạ dày và phổi có thể vẫn còn nước ối. Sự tồn ứ dịch trong phổi này có thể khiến trẻ tăng nguy cơ suy hô hấp, gây bệnh màng trong.

Tất nhiên, sau khi mổ bắt trẻ thành công các bác sĩ sẽ dùng những biện pháp hỗ trợ cho bé khỏe mạnh nhất. Những nguy hiểm này có thể rất ít khi xảy ra, xong nếu chúng xảy ra thì lại là một hiểm họa khôn lường mà cả đứa trẻ và người lớn phải gánh chịu cả về tiền bạc, thời gian, công sức…

Trẻ bị ngạt thở sau sinh cũng là biến chứng mà nhiều phụ huynh “ép” con chào đời sớm, hay chậm hơn vài tuần để rơi vào “ngày vàng” gặp phải bởi hệ hô hấp của trẻ chưa có đủ thời gian để phát triển toàn diện. Ngạt sơ sinh là biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tới não bộ và tính mạng của trẻ nếu không được xử lý kịp thời.

 Chọn ngày giờ để “bắt con” là một sai lầm? (Ảnh minh họa)

Song song với đó khi người mẹ chuyển dạ tự nhiên, cơ thể cũng sản sinh ra nhiều hóc môn giúp em bé tăng sức đề kháng. Giai đoạn đầu đời khi hệ miễn dịch còn non yếu, sức đề kháng tốt sẽ giúp trẻ chống lại vô số bệnh tật. Ở trẻ sinh mổ, do sản phụ không trải qua quá trình này nên cơ thể chúng cũng thiếu đi lượng hóc môn cần thiết giúp bảo vệ cơ thể, phòng chống nhiều tác nhân gây bệnh đầu đời.

Nguy hiểm cho mẹ

Những tưởng sinh mổ chủ động bằng cách chọn ngày đẹp, giờ đẹp mổ bắt con ra ngoài sẽ giúp mẹ vững vàng tâm lý hơn bởi biết chính xác khi nào mình được… lên bàn mổ. Nào ngờ, sinh mổ chủ động kiểu này thậm chí còn gây nguy hiểm nhiều hơn cho người mẹ.

Tử cung của sản phụ co dãn tốt nhất khi họ trải qua sự chuyển dạ. Điều này tránh được 2 nguy cơ to lớn nhất sau sinh có thể dẫn tới tử vong trong tích tắc cho mẹ đó là nguy cơ tai biến và nguy cơ băng huyết sau sinh. Bên cạnh đó, sinh thuận theo tự nhiên cũng giúp quá trình phục hồi sau sinh nhanh chóng, nhẹ nhàng.

Ngoài 2 biến chứng nguy hiểm nhất kể trên, còn vố số nguy hiểm nối đuôi rình rập người mẹ như: Sinh các con sau sẽ đều phải mổ, nguy cơ chưa ngoài dạ con, vỡ tử cung, nhau thai bám vào vết mổ cũ…

Sinh mổ tự nhiên và sinh mổ bắt con để hợp giờ, hợp mệnh

Phải nói thêm rằng, sinh mổ tự nhiên và sinh mổ bắt con ra đời vào “ngày vàng”, “giờ vàng” là 2 điều hoàn toàn khác nhau. Nếu thai nhi gặp những vấn đề trục trặc như: Thai ngược, bị tràng hoa quấn cổ, thai nhi quá to hay người mẹ sinh nhiều con cùng lúc, mẹ mắc các bệnh có nguy cơ lây nhiễm cho trẻ, mẹ quá yếu… Việc sinh mổ lúc này hoàn toàn cần thiết để đứa trẻ sinh ra lành lặn, khỏe mạnh và người mẹ cũng vậy.

Còn đối với việc chọn “giờ vàng”, “ngày vàng” để mổ bắt trẻ thì đây lại là điều không được các bác sĩ khuyến khích. Chúng ta chỉ có thể quyết định sinh mổ chủ động hay không dựa trên sức khỏe của người mẹ cũng như sự an toàn của thai nhi mà thôi.

Theo mevacon