Một phần xưởng SX hương của Cty Dân Sinh

Sinh năm 1953 ở xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thời thanh niên, ông Trần Ngọc Tiếp đã được đào tạo tại Trường ĐH Kỹ thuật Thông tin liên lạc và các học viện: Quốc phòng, Chính trị Quốc gia, Hành chính Quốc gia.

Ông đã tham gia đánh Mỹ, đánh quân Pônpôt tại mặt trận biên giới Tây Nam, tiễu Phun rô ở Tây Nguyên và sau năm 1975, đã tham gia điều hành nhiều DN Nhà nước trên cương vị Phó Giám đốc, được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, sau đó được Bộ Bưu chính Viễn thông điều về làm Phó Chánh Thanh tra Bộ.

Khi ngành Thông tin sáp nhập vào Bộ Bưu chính – Viễn thông thành Bộ Thông tin- Truyền thông, ông tiếp tục là Phó Chánh thanh tra của Bộ này.

Làm việc ở Thủ đô, nhưng lúc nào ông Tiếp cũng đau đáu một nỗi niềm: Phải làm một việc gì cho quê hương mình, cho những bà con nông dân ở đó bớt nghèo, thoát khổ, và góp phần làm cho quê hương mình phát triển. Sau một thời gian dài suy nghĩ, năm 2006 ông bắt đầu gây dựng DN làm hương xuất khẩu.

Kết quả là Cty Cổ phần Dân Sinh được thành lập, có trụ sở và xưởng SX ngay tại làng An Khoái, xã Liêm Sơn (Thanh Liêm, Hà Nam) do ông làm Giám đốc. Năm 2013, đến tuổi nghỉ hưu, ông chuyển hẳn từ Hà Nội về Liêm Sơn để điều hành Cty.

Hỏi tại sao lại chọn nghề làm hương, ông Trần Ngọc Tiếp cho biết:

Thứ nhất, nguyên liệu làm hương là những loại rẻ tiền, rất sẵn ở địa phương. Do vậy chi phí cho nguyên liệu không cao. Thứ hai, số tiền mua sắm thiết bị, máy móc cũng không lớn, rất thích hợp cho những người có lưng vốn mỏng như tôi. Thứ ba là làm hương không quá khó. Những bà con nông dân quê tôi, chỉ cần qua đào tạo ít ngày là có thể làm chủ được kỹ thuật. Và thứ tư, là nhu cầu về hương trên thị trường, nhất là thị trường châu Á, rất lớn.

Đúng là nguyên vật liệu làm hương nhìn chỗ nào cũng thấy. Tăm hương làm từ tre luồng. Lúc đầu ông Tiếp tổ chức SX tại chỗ, nhưng sau thấy không kinh tế, nên ông sắm máy chẻ tăm cho bà con nông dân ở Thanh Hóa mượn để họ SX rồi chuyển ra bán cho ông.

Mùn cưa mua từ các cơ sở chế biến gỗ trong vùng. Than hoa vụn mua từ các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Keo bời lời được chuyển từ Tây Nguyên về, gọi một cú điện thoại, hôm sau có hàng ngay. Mạt đá vôi ở Hà Nam thì “mênh mông bể sở”.

Chỉ có mấy thứ nguyên vật liệu đó thôi. Mùn cưa và than hoa làm cho que hương cháy ngún. Keo bời lời làm chất dính. Mạt đá vôi làm tàn hương trắng xốp. Máy làm hương do các cơ sở cơ khí trong tỉnh chế tạo.

Hương do Cty Dân Sinh SX là hương mộc, tức là hương chưa có mùi thơm, được xuất sang Ấn Độ và một số nước Châu Á khác. Các nhà nhập khẩu nhập hương mộc về, phun chất thơm vào rồi bán ra thị trường. Thị trường trên 1 tỷ dân này có nhu cầu về hương rất lớn. Ông Tiếp bảo:

Một Cty của Ấn Độ đặt hàng tôi mỗi tháng 100 tấn hương mộc, hơn thế nữa thì càng tốt. Nhưng sức của Cty Dân Sinh hiện chỉ mới đáp ứng được 60 tấn mỗi tháng. Tôi đang đi tìm thêm các đối tác trong nước để họ tổ chức SX rồi nhập cho tôi. Từ khi thành lập, doanh số của Cty Dân Sinh năm sau luôn cao hơn năm trước từ 30 – 50%. Năm nay, tôi cố gắng đạt mức xuất khẩu 1 triệu đô la Mỹ.

Biết biến những loại vật liệu chỉ đáng vứt đi thành tiền. Biết làm giàu trên một vùng quê nghèo. Ông Trần Ngọc Tiếp đã biến ước mơ “làm gì để góp phần cho quê hương phát triển” của mình thành hiện thực.

Xưởng SX hương của Cty Dân Sinh thường xuyên có khoảng 50 công nhân, trong đó có 18 cháu khuyết tật, quê ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng…

Ông Tiếp cho biết, khi còn công tác ở cơ quan Thanh tra Bộ Thông tin- Truyền thông trong những lần lên các tỉnh đó, ông đã gặp và rất thương hoàn cảnh các cháu. Nên khi DN được thành lập, thấy công việc làm hương phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh của các cháu, ông đã đón các cháu về.

Xuống thăm xưởng SX, bố mẹ các cháu đều rất phấn khởi và cảm động, khi thấy con mình đã tự lo được cuộc sống, thay vì trở thành một gánh nặng cho gia đình như trước.

Được làm việc trong môi trường tập thể, các cháu trở nên vui khỏe hơn, tự tin hơn. Đã có mấy cặp thành đôi với nhau, đang đưa nhau về quê tổ chức hôn lễ, sau Tết âm lịch mới xuống, như cặp Thái – Thi, cặp Cương – Huệ. Ngoài 18 cháu khuyết tật trên, số còn lại là bà con nông dân trong làng.

Cty trả lương theo chế độ khoán. Mức thu nhập của một công nhân đạt bình quân 3 – 3,5 triệu đ/tháng. Với một vùng quê nghèo như Liêm Sơn, thì mức thu nhập trên rất có ý nghĩa. Công ty lo bữa trưa cho công nhân. Riêng các cháu khuyết tật được ăn, ở tại xưởng miễn phí……

Nguồn: nongnghiep.vn