Một số trẻ có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo sớm, một số trẻ chỉ có một số dấu hiệu cảnh báo ban đầu. Một số dấu hiệu có thể ban đầu nhẹ nhàng, sau đó càng trở nên rõ hơn khi trẻ lớn hơn

Thỉnh thoảng mình lại gặp ba mẹ cho con đến khám vì nghi ngờ con bị tự kỷ. Ngoài những trường hợp vui, là ba mẹ ông bà quá lo lắng, nhận diện không đúng và trẻ bình thường, có những trường hợp người nhà “cho qua” không nghi nhận tốt, nghĩ rồi con lớn chắc sẽ hết, đến khi trẻ lớn khoảng gần vào lớp 1, những bất thường quá rõ ràng không phủ nhận được, khi đến khám thấy đúng nghi ngờ Tự Kỷ và phải chuyển qua cho bác sĩ tâm lý khám và theo dõi điều trị, mình đều rất tiếc vì nếu trẻ được phát hiện sớm, có thể can thiệp hỗ trợ hành vi hiệu quả hơn và giúp trẻ hoạt động tốt hơn, trong sinh hoạt hằng ngày, trong học tập, trong phát triển tri thức và giao tiếp, trong gia đình và ngoài xã hội,…

dấu hiệu sớm nghi ngờ trẻ tự kỉdấu hiệu sớm nghi ngờ trẻ tự kỉ

Thông thường, trong hai năm đầu đời của trẻ, những bước phát triển giao tiếp xã hội là những dấu hiệu nhạy cảm có thể giúp chúng ta nhận biết sớm liệu cần nghi ngờ con mình có bị rối loạn phổ tự kỷ hay không.

Dưới đây là những dấu hiệu “ĐỎ” chúng ta không nên bỏ qua ở trẻ:

Tương tác xã hội

• Trẻ không chỉ vào đồ vật hoặc đưa đồ vật lên cho người đối diện xem. Trẻ không chia sẻ hoặc cho người khác biết trẻ muốn thứ gì. Ví dụ như, trẻ không chỉ con chó, con gà, không nhìn lại xem người được chỉ có thấy điều đó không.

• Trẻ không đáp ứng khi được gọi tên.

• Ngay cả khi trẻ a ơ, tạo âm thanh bi bô trước mặt bạn, mà bạn có cảm giác trẻ không phải nói chuyện tương tác với bạn.

• Trẻ không hiểu những hướng dẫn đơn giản và không làm theo, ví dụ như: Đưa ba đồ chơi, hoặc “Chỉ cho mẹ con chó đi nào”

• Trẻ bắt chước những gì người khác hoặc TV nói, vì dụ như, nếu bạn hỏi “Con có muốn uống nước thêm không” trẻ trả lời như “vọng lại”: “uống nước thêm không”.

Giao tiếp không lời

• Trẻ không tự làm nếu không được hướng dẫn: Trẻ không vẫy tay chào nếu không được kêu làm, thậm chí trẻ không bắt chước vẫy tay khi người khác vẫy tay với trẻ.

• Không giao tiếp bằng mắt để làm người khác quan tâm – ví dụ: Nếu trẻ muốn ăn snack, trẻ không nhìn vào mắt ba mẹ rồi sau đó nhìn vào đồ snack để ra hiệu trẻ muốn điều đó.

• Trẻ không tự cười với người khác, hoặc chỉ cười khi người khác cười với trẻ trước hoặc chỉ cười khi thọc cù lét mà thôi.

 

Chơi và tạo dựng mối quan hệ

• Trẻ không có vẻ hứng thú với những trẻ khác.

• Trẻ không chơi được những trò chơi ú òa hay chơi vỗ tay với bạn.

• Trẻ không chơi được những trò đóng vai tưởng tượng, ví dụ như: trẻ không giả bộ cho búp bê ăn uống, cho búp bê ngủ,…

Quan tâm hạn chế

• Trẻ rất hứng thú với một số đồ vật, và gần như bị “mắc kẹt” ở một số đồ chơi hoặc đồ vật đặc biệt nào đó, ví dụ như trẻ chỉ chơi được với xe hơi, hoặc trẻ chỉ thích mỗi chuyện bật công tắc đèn lên xuống liên tục.

• Chỉ chơi với đồ chơi/ đồ vật bằng một lối chơi duy nhất, thay vì chơi nhiều cách khác nhau, ví dụ như, khi chơi xe hơi, trẻ chỉ xoay bánh xe hơi, chứ không cho xe chạy dưới sàn nhà.

• Chỉ thích thú với một hoạt động bất kì nào đó, ví dụ như xếp đồ vật thẳng hàng,…

 

Thói quen

Trẻ cần được hoạt động theo một sắp xếp, thứ tự nhất định, lúc nào cũng phải như thế. Nếu khác đi, trẻ sẽ dễ dàng tức giận. Ví dụ như trẻ cần được đi ngủ, được ăn hoặc rời khỏi nhà, mỗi lần, mỗi ngày, đều phải y chang nhau.

Những cử chỉ lặp đi lặp lại

Trẻ lặp đi lặp lại những cử động cơ thể, hoặc có những cử động cơ thể bất thường, ví dụ như: ưỡn lưng, vẫy hai tay, co cứng cẳng tay, hoặc đi nhót ngón chân.

Giác quan nhạy cảm

• Trẻ cực kì nhạy cảm với những cảm nhận giác quan, ví dụ như: trẻ dễ dàng tức giận bởi những tiếng động nào đó hoặc chỉ ăn được những thức ăn có cấu trúc nhất định.

• Trẻ tìm kiếm những kích thích giác quan, như thích những vật rung, rung ngón tay trước mắt để thấy ánh sáng chấp chới,…

Một số trẻ có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo sớm, một số trẻ chỉ có một số dấu hiệu cảnh báo ban đầu. Một số dấu hiệu có thể ban đầu nhẹ nhàng, sau đó càng trở nên rõ hơn khi trẻ lớn hơn. Đồng thời, nếu có bạn khi lớn lên đột nhiên mất dần các kĩ năng từng đạt được, nhất là trong tương tác giao tiếp gia đình xã hội và kỹ năng từ ngữ, bạn cũng nên quan tâm bạn nhé!

Nhiều gia đình chăm chăm vào một dấu hiệu, ví dụ như đi nhón chân, rồi lo con mình bị tự kỉ, trong khi con trẻ tươi vui, biểu lộ tình cảm tốt, tiếp xúc tốt, vậy là không nên!Nhưng nếu bạn thấy con bạn KHÔNG TIẾP XÚC MẮT TỰ NHIÊN với bạn, và KHÔNG BIỂU LỘ CẢM XÚC với bạn, bạn nên nghĩ đến và theo dõi con thêm, hoặc cho con đi khám bạn nha!

Theo khoe24h