3 thế kỷ đi qua, 140 thế hệ học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn đã lần lượt bước từ sân trường vươn ra biển lớn, sống hết mình cho công cuộc cách mạng dân tộc, xây dựng đất nước phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế.

Cái nôi ươm mầm cách mạng

Trường Collège Chasseloup Laubat được thành lập vào năm 1974 với mục đích ban đầu là để phục vụ nhu cầu đào tạo cho con em thực dân Pháp. Thời gian đầu, trường chỉ nhận học sinh người Pháp, dạy từ tiểu học đến tú tài theo chương trình Pháp. Việc nhận học sinh người Việt được thực hiện vào đầu thế kỷ XX. Và tuy mục đích ban đầu là phục vụ nhu cầu đào tạo của con em bộ máy cai trị thực dân Pháp nhưng chính buổi ban đầu đó đã nhen nhóm những nhân tố góp phần quan trọng vào phong trào học sinh sinh viên thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp, đòi quyền tự do cho dân tộc. Ngay trong phong trào bãi khóa để tang nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, lúc trường còn đặt dưới sự quản lý của thực dân Pháp, học sinh trường đã viết tắt 4 chữ A.B.L.F (A bas les Francais – Đả đảo thực dân Pháp). TS. Nguyễn Bình Minh, người từng học và tham gia phong trào học sinh sinh viên tại trường năm 1948 nhớ lại: Ngày đó, chúng tôi giấu truyền đơn trong người, chờ đến giờ ra chơi thì rải xuống sân trường rồi len lỏi trong đám đông học sinh trong sân trường. Ông Kiều Xuân Long, người từng tham gia phong trào “trí vận” với sự tham gia của đông đảo tầng lớp trí thức giai đoạn 1950-1960 cho biết: Chính từ ngôi trường này, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng và những người tham gia phong trào trí vận đã cho ra đời tuyên ngôn đòi chấm dứt chiến tranh với hơn 400 chữ ký của giới trí thức gồm các giáo viên, bác sĩ, luật sư, nhà chính trị, học sinh sinh viên… Chính trong những ngày đất nước còn đắm chìm trong đêm dài nô lệ, mái trường này là nơi mà những chiến sĩ Cộng sản, trong đó có người là cán bộ lãnh đạo học tập như GS. Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ; bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; GS.viện sĩ Trần Đại Nghĩa, người chủ công cải tiến tên lửa Sam 2 bắn hạ B52, Anh hùng Võ trang nhân dân Đỗ Ngọc Thạch, Bí thư Đảng đoàn học sinh Sài Gòn…

Các thế hệ học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn gặp lại tay bắt mặt mừng sau hàng chục năm tái ngộ

Ngay sau Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam 30-4, sáng 1-5-1975, Trung tâm Giáo dục Lê Quý Đôn (tên trường lúc bấy giờ) đã chứng kiến một giây phút trọng đại: Họp mặt giữa các thầy cô giáo với các chiến sĩ giải phóng quân. Ông Nguyễn Trọng Luân, chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 64 (F320A) thuộc Sư đoàn 3, người từng tham gia cuộc gặp gỡ ngày hôm ấy khẳng định: Sau 40 năm, ông vẫn như trong tâm thế người học trò trở về thăm trường cũ “Ngay trong thời khắc ấy, Trường Lê Quý Đôn là ngôi trường duy nhất thực hiện một công việc nhạy cảm nhất ngay trong thời điểm quan trọng nhất của lịch sử. Chúng tôi, những người lính từng chiến đấu trong gian khổ không bao giờ quên những khoảnh khắc xúc động, thiêng liêng ấy”. TS. Hồ Thiệu Hùng, nguyên Phó ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng bồi hồi cho biết: Trường THPT Lê Quý Đôn là ngôi trường gắn kết 3 thế hệ trong gia đình ông. “Cha tôi, một cựu học sinh vốn đã mở phòng mạch tư ở Sài Gòn ngay sau năm 1945 cũng đi theo phong trào cách mạng cũng đi theo tiếng gọi kháng chiến, trở thành bác sĩ và được người dân ưu ái gọi là “bác sĩ Hai Nghĩa”. Bản thân tôi sau năm 1954 cũng tập kết ra Bắc, trở thành người thầy đầu tiên dạy lớp chuyên toán của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Con trai tôi cũng từng học tại ngôi trường này và hiện đang đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.

Hội nhập cùng thế giới

140 năm trôi qua, 140 thế hệ học sinh đã lần lượt rời xa mái trường đủ để khẳng định: Trường THPT Lê Quý Đôn không chỉ là ngôi trường lâu đời nhất tại TP.HCM mà còn thực sự là một vườn ươm nhân cách, một lò đào luyện nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, thầy và trò Trường THPT Lê Quý Đôn ngày nay đã và đang nỗ lực hết mình để đưa trường lên một tầm cao mới với những sứ mệnh mới. Năm học 2006-2007, trường được UBND TP.HCM chọn là trường thực hiện thí điểm mô hình “Trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế”. Gần 10 năm thực hiện, tập thể sư phạm nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực đưa những phương pháp tiên tiến, hiện đại vào nhà trường để xây dựng nên một thế hệ công dân tự tin, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa đất nước đi lên.

Tiến sĩ Nguyễn Bình Minh – cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, người từng tham gia phong trào học sinh – sinh viên tại trường năm 1948 – chia sẻ những năm tháng đấu tranh với học sinh thế hệ thứ 140 của trường.

Có mặt tại buổi lễ kỷ niệm 140 năm ngày thành lập trường, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải khẳng định: Điều thành công nhất trong việc thực hiện mô hình tiên tiến ở Trường Lê Quý Đôn là tạo được niềm tin hứng thú học tập, học sinh chủ động, tích cực, sáng tạo, biết san sẻ, học hỏi lẫn nhau, từ đó phát huy tối đa năng khiếu, kỹ năng thực hành xã hội. Đó là hành trang quý giá, thiết thực để các em vững bước vào đời, hăng hái đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Bí thư cũng nhắc nhở: Để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế mà nghị quyết TW Đảng đề ra, thầy và trò Trường THPT Lê Quý Đôn phải tích cực và nỗ lực hơn nữa. “Mục đích tôn chỉ của mô hình Trường THPT Lê Quý Đôn không chỉ là tỷ lệ đậu tốt nghiệp, đậu ĐH cao mà tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, đáp ứng thực chất, hiệu quả trong đổi mới dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới tư duy đầu tư trang thiết bị, biên chế lớp học, đổi mới tổ chức quản lý nhằm phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Các em đang được học tập và rèn luyện trong một môi trường hết sức thuận lợi, đất nước hòa bình, ổn định, thành phố không ngừng đổi mới, phát triển. Trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của gia đình, trong ngôi trường có truyền thống bề dày về học tập và rèn luyện tích cực, tôi mong các em hãy tìm hiểu sâu sắc để phát huy tối đa năng lực, trở thành những người con ưu tú của đất nước”, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhắn nhủ.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Theo Giáo dục online