Thường xuyên ăn bí đao, củ cải sống, nước râu ngô, nước lá sen, cháo đậu xanh nấu bí… có thể giảm cân.

Cân nặng là kết quả cân bằng giữa lượng năng lượng nhập vào từ thực phẩm và năng lượng cơ thể xuất ra sử dụng cho các hoạt động hàng ngày. Nếu nhập nhiều hơn xuất, năng lượng dư thừa sẽ dự trữ dưới dạng mỡ.

tra-la-sen.jpg
Lá sen sắc uống hoặc sắc đặc lấy nước nấu cháo hoặc lá chè đun sôi làm nước trà đậm uống hàng ngày – có thể giảm cân

Ăn uống quá độ cộng với thiếu hoạt động là nguyên nhân chính dẫn đến béo phì. Một số yếu tố khác góp phần gây béo phì như ngủ quá ít, môi trường ô nhiễm, một số rối loạn tâm lý gây ăn uống quá độ, phụ nữ sau mỗi lần có thai và sinh nở, dùng một số thuốc chữa bệnh, yếu tố di truyền, bệnh tăng theo tuổi…

Béo phì thường không tốt với sức khỏe, gây mất thoải mái trong cuộc sống, giảm hiệu suất lao động, kém lanh lợi, giảm đẹp. Béo phì là yếu tố nguy cơ cao của các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, sỏi mật, bất thường mỡ trong máu, đột qụy, ngưng thở khi ngủ…, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.

Có nhiều cách điều trị béo phì, với sự hỗ trợ của thay đổi lối sống một cách tích cực, bao gồm chế độ ăn, hoạt động thể lực và các yếu tố hành vi. Ăn ít chất béo, bột, đủ chất đạm, vitamin, muối khoáng, tăng cường rau và hoa quả, tạo thói quen ăn uống theo đúng chế độ.

Đông y từ xưa đã ghi nhận về chứng béo phì và chia hình thể con người làm 3 loại gồm phì, cao, nhục. Nằm lâu, ngồi lâu, vận động quá ít, khí hư tích tụ khiến việc vận hóa bị ngăn trở, mỡ tích tụ gây béo phì. Thất tình nội thương như vui quá, buồn quá, giận quá… làm can khí tụ lại, can đởm mất sự điều tiết, không chỉ ảnh hưởng đến sự vận động của tỳ mà còn làm dịch mật không thể tiết ra thấm vào chất dinh dưỡng một cách bình thường, mỡ tích tụ bên trong gây béo phì.

Đông y cho rằng béo phì thường là bệnh trong hư ngoài thực, trong hư chủ yếu là khí hư. Bệnh ở các tạng phủ tỳ, can, đởm, phế và tâm. Trường hợp nhẹ, người bệnh sinh hoạt bình thường. Trường hợp trung bình và nặng, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, sợ nóng, ra mồ hôi nhiều, hoạt động nhiều thì tim hồi hộp khó thở, bụng đầy, lưng đau, táo bón, đau đầu chóng mặt, phụ nữ thường rối loạn kinh nguyệt…

Điều trị béo phì bằng Đông y cần tuân thủ ba vấn đề cơ bản gồm thay đổi thói quen ăn uống bằng thực đơn cụ thể; thay đổi lối sống, vận động người bệnh đi bộ, tránh ngồi nhiều, tránh nằm nhiều…; sử dụng các phương pháp điều trị của y học cổ truyền. Cần phân biệt kỹ từng thể loại bệnh để kết hợp điều trị thích hợp, điều trị theo nguyên tắc lấy lại cân bằng âm dương cho cơ thể.

Đông y có nhiều phương pháp điều trị béo phì như dùng thuốc, điện châm, cấy chỉ, nhĩ châm…. Nhiều người quan niệm dùng thuốc Đông y sẽ béo, điều này không có cơ sở bởi không phải cứ thuốc bổ Đông y là làm cho mọi người béo.

Món dân gian giảm béo

Lá sen sắc uống hoặc sắc đặc lấy nước nấu cháo.

Thường xuyên ăn bí đao, nấu canh hoặc kho, xào.

Lá chè đun sôi làm nước trà đậm uống hàng ngày.

Thường xuyên ăn củ cải sống.

Râu bắp (ngô) lượng vừa đủ, hãm nước sôi uống thay nước trà.

Củ mài nấu cháo ăn.

Một trái thị xanh, 30 g cành dâu, sắc nước uống một ngày.

Lá mã đề, hạ khô thỏa đều 30g, sắc với 10 lá liễu uống trong một ngày.

Rong biển 100 g, đậu xanh 100g, cả hai thứ nấu canh, cho gia vị vừa đủ, ăn ngày một lần.

Gạo tẻ 50g, bí rợ 150g, đậu xanh 50 g, nấu nhừ ăn ngày một lần.

Gạo tẻ 100 g, hạt bo bo (ý dĩ) 30 g, hạt sen 20 g, nấu cháo ăn ngày hai lần.

Một lá sen tươi xắt vụn, gạo tẻ 100 g, đậu xanh 100 g, nấu cháo ăn trong một ngày. Nếu không có lá sen tươi, có thể dùng lá sen khô nhưng trước khi dùng phải ngâm nước cho mềm.

Sơn tra tán bột, mỗi lần uống 6 g, ngày uống 3 lần, hoặc dùng 18 g bột sơn tra, sắc uống như nước trà trong ngày.

Hoa mồng gà 30 g, hạt dành dành (chi tử) 15 g, hạt bo bo 30 g sắc uống trong một ngày.

Theo giacngo