Anh Nguyễn Văn Tánh đang chăm sóc những bầu lúa “kiểng” chuẩn bị cho đường hoa xuân Phú Mỹ Hưng năm nay. Ảnh: N. VINH

Cần chú thích với bạn đọc, chuyện trên không phải ở đồng quê, mà ngay tại trung tâm Phú Mỹ Hưng – khu đô thị “sang” nhất của Sài Gòn. Nơi đó, cùng với đám ruộng của ông Tư, những rẫy bắp, giàn bí bầu, cải ngồng, ao sen… đang rạo rực từng ngày dưới bàn tay lam lũ của những nông dân, chuẩn bị khoe hương đồng gió nội trong đường hoa Tết Nguyên đán nơi đô thị mới.

Công phu “lúa kiểng”

Ông Tư, tên thiệt là Lê Văn Kế, 55 tuổi, nhà ở ấp 3, Tân Kiểng, Nhà Bè, tự nhận mình từng là dân “làm ruộng rặt”. Cách đây chín năm, ông vào làm công nhân Công ty Công viên cây xanh Lê Thanh đặt tại Phú Mỹ Hưng. Tưởng đi làm công nhân rồi thì sẽ giã từ ruộng đồng, ai ngờ ngay năm đầu tiên, ông Tư được sếp phân công… đi làm ruộng để chuẩn bị lúa cho đường hoa Tết. “Vừa mừng vừa lo. Mừng là vì có cái việc được ăn theo lương tháng mà mỗi năm một mùa, vẫn được gắn bó với bùn đất, lúa má. Nhưng lo, là vì ở đây, ngay trong lòng phố xá này lấy đâu bùn sình mỡ màu mà nuôi lúa. Cũng may có mấy chú làm kỹ thuật hướng dẫn, thưng bạt giữ nước, bơm bùn, rải phân tro, cộng với kinh nghiệm của mình trong chọn giống, canh cây… mà năm nào lúa cũng trổ đúng hội”, ông Tư kể.

Ông Tư tự hào khoe rằng chín năm “mần ruộng” cho đường hoa, chưa năm nào lúa trổ sai hẹn.

Cùng “lĩnh vực lúa” với ông Tư, là anh Nguyễn Văn Tánh, 39 tuổi. Trước, anh Tánh cũng là dân làm ruộng ở Châu Đốc. Về với Công ty Lê Thanh ba năm nay, năm nào đến gần Tết, anh cũng được trở về với đời sống nông dân chân lấm tay bùn, nên cũng vơi bớt nỗi nhớ ruộng đồng. “Làm lúa ở đây khó hơn làm ruộng ở quê chứ. Nhưng Tết nhứt, nhìn thiên hạ đi hội hoa, ăn mặc đẹp đến ngắm nghía, chụp hình với hoa màu mình trồng, thấy họ vui, mình cũng vui lây” – vừa tưới nước vào các bầu lúa “kiểng”, anh Tánh vừa chia sẻ.

Gọi là “lúa kiểng”, là vì mọi năm thì ông Tư và anh Tánh gieo ra từng vạt đất, nhưng làm vậy khi đưa vào đường hoa, phải xếp lúa vào bầu rất tốn công, cây lại dễ yếu; năm nay, họ gieo hẳn từng cụm lúa vào bầu như cách trồng cây kiểng, đến ngày chỉ bưng bầu vào, sắp xếp là xong. Chỉ cần chăm chỉ ngày tưới hai lần sáng và chiều, phân tro ổn, kinh nghiệm theo dõi sâu bịnh kỹ là bầu nào cũng xanh tốt.

Thường thì lúa được chọn làm vườn hoa là giống lúa ngắn ngày, khoảng 20-12 bắt đầu gieo là lúa trổ vừa kịp Tết. Năm nay, đường hoa xuân Phú Mỹ Hưng có chủ đề là Mùa gặt, nên lúa là chủ điểm, phần việc của ông Tư và anh Tánh nhiều hơn mọi năm. Ông Tư nhẩm tính, đám “ruộng” đang làm chắc cũng cỡ bảy công (7.000 mét vuông) chứ chẳng ít.

Trồng lúa coi vậy mà đơn giản hơn trồng… bèo. Dưới một con lạch nhân tạo, anh Võ Hữu Trung đang “quần lộn” với đám bèo cái mới thả mấy bữa mà đã lan kín, xanh um mặt nước: “Phải tỉa bớt bèo, hãm lục bình để sen, súng, rau nhút phát triển, chưa nói là phải “xử” bọn sâu bệnh, ốc bươu vàng bằng thuốc chứ tới lúc “dọn lên” mà ủ rũ quá, ai thèm coi” – anh Trung mô tả thêm về công việc -“Xưa giờ đi làm ruộng, có dính tới mấy món thủy sinh này đâu. Nhờ từ năm ngoái làm đường hoa chủ đề thủy sinh suốt ngày sì soạp với cái ao bèo, nên cũng có chút chút kinh nghiệm, bớt ngỡ ngàng”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hồng, 54 tuổi, mướt mồ hôi sau một buổi sáng tưới, và thúc phân cho mấy luống cải ngồng. Ông ước tính đám cải ngồng mà mình đang trồng chừng một công (1.000 mét vuông). “Đất cát khác, nếu chỉ có kinh nghiệm làm ruộng dưới Củ Chi hai mươi mấy năm thì thịu thua. Gieo được hột cải ở đây cho ra được bông để ngắm thôi cũng chua lắm ông ơi, phải phân tro tưới tắm liên tục”, ông Hồng cười nói.

Bên giàn bầu xanh um đầy bông, những thanh niên trẻ đi tỉa từng chiếc lá. Họ vui vẻ khi phát hiện ra những trái bầu ra sớm thấp thoáng sau bờ lá. Hay tại giàn chanh dây, thỉnh thoảng cả nhóm xúm lại coi mấy trái chanh lúc lỉu. Họ trở về với bản năng của những nông dân bên hoa màu đồng đất, thứ mà nhiều năm bôn ba phố thị, tưởng đã mai một, phôi phai.

Lộc của mùa màng

“Làm ruộng đã không đơn giản, nhưng làm cho thiên hạ coi càng không hề dễ đâu ông ơi. Biết vậy, nên tui phân công đến hơn 70 người lo chăm sóc hoa màu, trong đó có 5 kỹ sư nông nghiệp để chuẩn bị cho cây trái đường hoa xuân. Công ty cũng khuyến khích anh em bằng lương thưởng để họ chí thú với công việc. Nhưng quan trọng hơn, tinh thần ai cũng vui vì thấy trái bầu, trái bí, cây cải, cây lúa, cái ao bèo mình chăm chút đem lại niềm vui cho nhiều người, nhất là đem lại trải nghiệm, hiểu biết đồng quê cho mấy em thiếu nhi thành phố…”, ông Phan Quốc Thanh, Giám đốc Công ty Lê Thanh, nói.

“Tết nhứt, nhìn thiên hạ đi hội hoa, ăn mặc đẹp đến ngắm nghía, chụp hình với hoa màu mình trồng, thấy họ vui, mình cũng vui lây” .

“Tám năm làm đường hoa, đôi khi cũng có sự cố nho nhỏ – ông Thanh cười, kể – Như đường hoa năm ngoái, khi đem một bầy vịt về thả dưới ao cho bà con chụp hình, đương vui thì bị bộ phận kiểm dịch ập đến lập biên bản chỉ vì tội… thả vịt chưa qua kiểm dịch. Vì vậy mà năm nay tụi tui mua nguyên một chuồng dê 20 con ở Đồng Tháp, để tránh rầy rà, phải cho kiểm dịch trước khi lùa về”.

Trên “cánh đồng” chuẩn bị cho đường hoa Tết Phú Mỹ Hưng, ai cũng tất bật với phần việc của mình. Mồ hôi đổ ròng ròng dưới nắng Sài Gòn tháng Chạp nhưng đâu đâu cũng bắt gặp những nụ cười hồn hậu. Huỳnh Lưu Phiên, kỹ sư phụ trách chính về kỹ thuật trồng trọt chuẩn bị cho đường hoa, giới thiệu với khách từng loại cỏ, mái dầm, ô rô, dừa nước được trồng, đặc tính từng loại hoa màu, cách buộc dây cầu khỉ cho đến cách hạn chế sâu bệnh sao cho cây xanh tốt, nở hoa ra trái như ý muốn. Chàng trai gần ba mươi tuổi, quê gốc Bến Tre nói rằng: “Nhờ có kiến thức học ở trường cộng với vốn hiểu biết đồng quê, tui cũng thuận tay và hứng thú khi hỗ trợ mấy chú, mấy anh lo về kỹ thuật. Mình như được trở về với công việc đồng áng của cha mẹ, anh em mình ở quê vẫn làm. Vui lắm khi giới thiệu được một chút đồng nội với người thành phố. Mình cũng là con cái nông dân ra mà”.

Năm nào Phiên cũng sắp xếp cho vợ về quê ăn Tết trước, còn mình thì ở lại trực đường hoa với anh em công nhân. Thức đêm thức hôm để canh hoa, canh lúa là chuyện bình thường. Quan trọng là ai cũng thấy vui khi cây trái được mùa. Nói như ông Tư, người phụ trách đồng lúa: “Chăm cho lúa được mùa, thì sau khi dọn dẹp đường hoa, anh em tụi tui còn gặt chia nhau người một ít đem về ăn, lấy lộc đầu năm nữa mà”.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn online