Đau bụng kinh là hiện tượng xảy ra ở 90% nữ giới trong độ tuổi sinh sản, đau nhiều hay ít là tùy vào thể trạng của từng người. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài kèm theo triệu chứng nóng sốt, đau đầu, buồn nôn… thì sẽ rất nguy hiểm.

Đau bụng kinh (hay còn gọi là thống kinh) là hiện tượng đau âm ỉ vùng bụng dưới khi đến ngày kinh nguyệt. Đây là nỗi ám ảnh của nhiều chị em phụ nữ khi kì nguyệt san ghé thăm, nhẹ thì bụng ê ẩm, thỉnh thoảng quặn từng cơn, còn nặng thì đau quằn quại, mồ hôi đầm đìa.

Nguyên nhân gây ra đau bụng kinh

bestie-dau-bung-kinh

– Tác động bởi tâm lí: sự chịu đau của chị em kém, điều này khiến cho chứng đau bụng kinh càng trở nên đáng sợ hơn mỗi tháng.

– Ảnh hưởng yếu tố thần kinh: Căng thẳng kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn tới rối loạn kinh nguyệt và hiện tượng đau bụng kinh.

– Tử cung không ổn định: Do tử cung co thắt quá mạnh, vị trí tử cung bị lệch về phía trước hay phía sau không đúng so với vị trí bình thường. Điều này làm cho máu lưu thông chậm và cơ tử cung phải co bóp nhiều đẩy máu kinh ra ngoài khiến các chị em đau bụng kinh.

– Ống cổ tử cung quá hẹp: Bởi dị tật ở cổ tử cung khiến máu kinh khó chảy ra ngoài làm đau bụng quằn quại.

Những căn bệnh tiềm ẩn khi đau bụng kinh

Viêm vòi trứng

Vòi trứng của bạn bị viêm do u nang buồng trứng hoặc các chứng viêm nhiễm khác. Bệnh này khiến cho trứng khó di chuyển qua vòi trứng, thường gây đau khi rụng trứng.

Lạc nội mạc tử cung

bestie-dau-bung-kinh

Theo các nghiên cứu, cứ 100 phụ nữ phải cắt bỏ tử cung thì có tới 15-20 phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung. Bệnh gây tổn thương vòi trứng và ống dẫn trứng, dẫn tới 30-50% phụ nữ bị vô sinh. Những tổn thương này cản trở nhu động ống dẫn trứng và gây rối loạn phóng noãn.

Trong tử cung có các lớp mô gọi là nội mạc tử cung. Hàng tháng, khi bước vào ngày kinh nguyệt, những mô này sẽ bong ra và được đẩy ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên vì nhiều lý do, nó lại “đi lạc” vào khoang bụng, buồng trứng, ruột hoặc trực tràng,… rồi bám vào đó và phát triển, gây nên tình trạng gọi là lạc nội mạc tử cung.

Khi các mảnh nội mạc tử cung này đi nhầm chỗ và phát triển, nó sẽ làm vùng xung quanh đó dày lên, tạo thành các mô sẹo, gây tổn thương, u nang… Một số phụ nữ bị căn bệnh này mà không có biểu hiện gì hoặc chỉ bị một chút biểu hiện nhẹ, nhưng một số khác thì lại đau bụng kinh dữ dội kèm theo các biểu hiện chóng mặt, mệt mỏi, chân tay run rẩy…

Viêm vùng chậu mạn tính

Nếu bị đau bụng trầm trọng, đó có thể là bệnh viêm vùng chậu. Bệnh này thường lây truyền qua đường tình dục, cũng có thể do u nang bị nhiễm trùng và vỡ. Viêm vùng chậu có thể gây đau dữ dội và thường không khỏi ngay lập tức. Bệnh hay tái phát và dễ trở thành mạn tính.

U xơ tử cung

bestie-dau-bung-kinh

U xơ tử cung được gọi là u nhưng đây là khối u lành tính ít gây biến chứng ung thư. Thông thường, khối u này có thể teo sau sinh hoặc khi ở tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là bệnh không gây nguy hiểm, bởi nếu còn trong độ tuổi sinh sản mà bị u xơ tử cung, bệnh có thể gây những vấn đề nghiêm trọng như:

– Bí tiểu, tiểu rắt, về lâu dài có thể gây suy thận.
– Gặp vấn đề về đại tiện (táo bón, đi đại tiện ra máu).
– Đau bụng dưới và vùng chậu dữ dội
– Mất nhiều máu trong những ngày hành kinh, làm cơ thể mệt mỏi, uể oải.
– Với phụ nữ mang thai, u xơ có thể chèn ép gây sẩy thai, ngôi thai bất thường hoặc sinh non,…

Ung thư tử cung

bestie-dau-bung-kinh

Ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung chưa có biểu hiện gì rõ rệt. Khi các tế bào ác tính phát triển và xâm lấn thì bệnh mới bắt đầu có triệu chứng, bao gồm:

– Chảy máu âm đạo bất thường
– Tiết dịch âm đạo bất thường
– Đau khi giao hợp
– Đau vùng chậu, vùng dưới rốn, có khi đau bụng kinh dữ dội
– Đau hoặc phù chân

Ung thư tử cung là một căn bệnh nguy hiểm thường gặp ở phụ nữ (chỉ sau ung thư vú). Nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh sẽ gây ra những biến chứng nặng, có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng.

Hẹp cổ tử cung

bestie-dau-bung-kinh

Hẹp cổ tử cung nguyên nhân có thể do bẩm sinh hoặc cũng có thể do mắc một số bệnh nào đó, ví dụ như do viêm, dính sau hút nạo thai; sau khi làm thủ thuật có liên quan đến cổ tử cung. Những người bị hẹp tử cung thường bị đau bụng nhẹ đến dữ dội trong kì kinh nguyệt, đau khi quan hệ tình dục, chảy máu bất thường ở âm đạo hoặc vô kinh.

Khi bị hẹp cổ tử cung, người phụ nữ sẽ chậm hoặc khó có thai vì tinh trùng bị cản trở không thể di chuyển vào buồng tử cung đến vòi trứng.

Đau bụng kinh có thể do nguyên nhân sinh lý nhưng cũng có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh nguy hiểm. Chúng sẽ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến khả năng mang thai hay thậm chí là cả tính mạng của chị em phụ nữ. Chính vì vậy, nếu cảm thấy đau thường xuyên cộng với dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt, bạn tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống tại nhà mà cần đến bác sĩ để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân cụ thể.

Theo Bestie