Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý (Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam), trong quá trình tư vấn và trị liệu tâm lý cho trẻ bị xâm hại tình dục bà nhận ra rằng, tuổi dậy thì là lứa tuổi có nguy cơ cao bị lạm dụng tình dục. Nguyên nhân là bởi các em không được trang bị kỹ năng nhận diện các hành vi lạm dụng tình dục và cách tự bảo vệ mình.


Tuổi dậy thì là thời điểm tốt nhất để cha, mẹ giải thích cho con hiểu về sự đồng thuận trong các mối quan hệ. Ảnh minh họa

Tuổi dậy thì là thời điểm tốt nhất để cha, mẹ giải thích cho con hiểu về sự đồng thuận trong các mối quan hệ.

Ảnh minh họa

Bị lạm dụng tình dục mà không hay biết

Như trường hợp em học sinh lớp 8 bị thầy giáo lạm dụng tình dục ở Lào Cai gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây là một ví dụ. Điều đáng nói trong vụ việc này, em bị lạm dụng trong suốt 3 năm mà không ai hay biết.

Không chỉ riêng em H mà trên thực tế có không ít những đứa trẻ vị thành niên, thậm chí là những đứa trẻ đã trưởng thành bị lạm dụng tình dục nhưng chúng không hề biết rằng mình đang bị lạm dụng. Nguyên nhân là bởi, những đứa trẻ này không hiểu thế nào là lạm dụng, thế nào là yêu thương.

Để bảo vệ con trước nguy cơ bị lạm dụng, vì thế các bậc cha mẹ cần phải dạy con ý thức rõ thế nào là lạm dụng, thế nào là riêng tư, thế nào là quyền được nói không với những điều mình không đồng ý. Ở các nước phát triển, những kỹ năng trên thường được các cha mẹ rất quan tâm. Họ thường dạy trẻ từ rất sớm, từ khi chúng mới chập chững những bước đi đầu đời.

Đặc biệt khi trẻ lên 3, lên 4 tuổi các bậc cha mẹ đã có thể có những cuộc trò chuyện sớm với con về những chủ đề như: Nhắc nhở con về những phần riêng tư là riêng tư, hướng dẫn trẻ không nói chuyện với người lạ và cần tìm người lớn đáng tin cậy nếu cần giúp đỡ.

Cũng những chủ đề trên, các bậc phụ huynh thường thêm chi tiết khi trẻ bước vào tuổi chuẩn bị trưởng thành. Ví dụ, bố mẹ có thể nói cho con biết những hiện tượng đe dọa sự lạm dụng như việc một số người thường nói rất nhiều về các khu vực riêng tư, hoặc muốn chạm vào phần riêng tư của con hoặc cho con thấy phần riêng tư của họ. Hay khi một người lạ có hành động thân thiện, tặng kẹo và đồ chơi và yêu cầu con lên xe của họ. Họ có thể muốn làm tổn thương con ngay cả khi họ hành động tốt, vì vậy điều quan trọng là nói không và nhận trợ giúp.

Những kỹ năng quan trọng mà bố mẹ cần giáo dục con

Cha mẹ hãy cảnh báo cho con tránh xa người lạ. Hướng dẫn con ở bên cạnh bạn khi ra ngoài (hoặc khi chúng đi chơi với người lớn khác). Nếu con bạn tự đi đến trường hoặc nhà của bạn bè, hãy bảo chúng ở trong nhóm bất cứ khi nào có thể, không tự mình đi lang thang vào các khu vực không biết và không nói chuyện với người lạ.

Nếu một người lạ đến gần con hoặc dường như đang theo dõi con, con hãy đến khu vực đi bộ nơi có nhiều ánh sáng hoặc nơi có nhiều người đi lại.

Nói với con rằng, con nên gọi cho bố mẹ hoặc người lớn đáng tin cậy khác (nếu trẻ có điện thoại di động), cung cấp vị trí của con và mô tả người khiến con khó chịu.

Bố mẹ cũng cần phải dạy con bạn về an toàn trực tuyến. Nếu trẻ chơi các trò chơi video kết nối Internet, có điện thoại di động hoặc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, hãy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chỉ nói chuyện với những người mà con biết. Giữ máy tính, máy chơi game video và các thiết bị được kết nối khác ở những khu vực công cộng, dễ nhìn thấy trong nhà bạn.

Nói với con bạn rằng, khi chơi trò chơi điện tử, con chỉ nên nói chuyện với bạn bè hoặc bạn cùng lớp. Đôi khi, những người trưởng thành xấu giả vờ là trẻ con, vì vậy bố mẹ cần phải dạy cho con biết rằng, con không nên nói chuyện với bất cứ ai qua Internet không phải là những người con đã biết ngoài đời.

 Bố mẹ cũng cần phải cho con trẻ ý thức một cách chắc chắn rằng, con sẽ không bao giờ cung cấp họ tên, địa chỉ của con hoặc địa chỉ trường học của con trên các trò chơi trực tuyến. Bố mẹ chỉ nên khuyến khích con trẻ sử dụng giao tiếp trực tuyến chủ yếu để giao tiếp với bạn bè mà con đã biết trong cuộc sống thực.

Bố mẹ cũng cần phải thảo luận về vấn đề đồng thuận khi con bạn trưởng thành. Khi con bạn đã trở thành một chàng trai hay cô gái đã lớn, bố mẹ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đụng chạm vào cơ thể có sự đồng thuận hay không có sự đồng thuận. Nói với con rằng, có thể con muốn đụng chạm vào vào người khác theo sự thôi thúc của tình dục. Nhấn mạnh với con rằng những thôi thúc này là một phần của sự trưởng thành. Tuy nhiên, một sự đụng chạm chỉ được chấp nhận khi có sự đồng thuận của cả hai bên. Bất kỳ hình thức đụng chạm nào mà một bên không đồng ý thì đó là sự lạm dụng và con cần phải tránh. Có thể không đồng ý ngay từ đầu, cũng có thể không đồng ý về sau. Bất kỳ vào thời điểm nào mà sự đụng chạm không nhận được sự đồng thuận của cả hai bên thì đó là sự lạm dụng và con cần phải nói không với nó.

Trong việc giáo dục con, bố mẹ khi mô tả các tình huống có khả năng không an toàn nên để ý mô tả theo cách không đe dọa. Bố mẹ cần phải dạy trẻ nhận ra các dấu hiệu nguy hiểm và hướng dẫn chúng nhận sự giúp đỡ nếu ai đó làm chúng khó chịu. Trong lúc dạy con, bố mẹ cần phải cố gắng giữ giọng điệu nhẹ nhàng để tránh làm trẻ sợ hãi.

Ngân Khánh (giadinh net)